Hà Nội

Chỉ số khối cơ thể (BMI)

02-03-2016 10:17 | Ung thư
google news

SKĐS - Chỉ số khối cơ thể là số đo so sánh cân nặng với chiều cao, dùng để xác định cân nặng cơ thể đang ở trạng thái gầy, bình thường, hay thừa cân, béo phì.

Chỉ số khối cơ thể (BMI)

Định nghĩa:

Chỉ số khối cơ thể là số đo so sánh cân nặng với chiều cao, dùng để xác định cân nặng cơ thể đang ở trạng thái gầy, bình thường, hay thừa cân, béo phì.

Cách tính:

BMI được tính bằng cân nặng (tính theo kilogram) chia cho chiều cao bình phương (tính bằng mét). Công thức tính như sau:

BMI = Cân nặng (kg) /[Chiều cao (m) x Chiều cao (m)]

Cách đánh giá:

Phân loại tình trạng dinh dưỡng theo chỉ số khối cơ thể như sau:

  • BMI < 16                   thiếu năng lượng trường diễn độ III
  • 16 ≤ BMI < 17           thiếu năng lượng trường diễn độ II
  • 17 ≤ BMI < 18,5       thiếu năng lượng trường diễn độ I
  • 18,5 ≤ BMI < 23       bình thường
  • BMI ≥ 23                    thừa cân
  • 23 ≤ BMI < 25           tiền béo phì
  • 25 ≤ BMI < 30           béo phì độ I
  • 30 ≤ BMI < 35           béo phì độ II
  • BMI ≥ 35                    béo phì độ III

Cân nặng chuẩn, cân nặng nên có

Cân nặng chuẩn (cân nặng nên có) là khi cân nặng tương ứng với giá trị BMI = 22. Do vậy, với một người cao 1,6 mét thì cân nặng nên có bằng 1,6 x 1,6 x 22 = 56,3 kg

Lưu ý: đánh giá chỉ số BMI cần thận trọng vì có thể không chính xác trong một số trường hợp. Ví dụ: ở những người có khối cơ phát triển như những người lao động chân tay hay vận động viên, thường có chỉ số BMI cao nhưng tỷ lệ mỡ cơ thể không cao

Cách cân trọng lượng cơ thể:

Để kết quả cân được chính xác, cần lưu ý các điểm sau:

- Cân vào buổi sáng ngủ dậy, sau khi đi tiểu tiện, chưa ăn uống gì hoặc cân vào giờ thống nhất.

- Mặc quần áo nhẹ, không đi giầy dép.

- Đứng giữa bàn cân, không cử động, mắt nhìn thẳng, trọng lượng dồn đều 2 chân.

- Cân đặt ở vị trí ổn định, bằng phẳng, chỉnh cân về vị trí cân bằng tương ứng với số 0

- Thường xuyên kiểm tra độ chính xác và độ nhạy của cân.

- Cân nặng được ghi với 1 số lẻ sau dấu phẩy, ví dụ: 60,5 kg

Cách đo chiều cao cơ thể:

Bỏ giầy dép, đi chân không, đứng quay lưng vào thước đo, lưu ý để thước đo theo chiều thẳng đứng, vuông góc với mặt đất nằm ngang. Gót chân, mông, vai và đầu nằm trên đường thẳng, mắt nhìn thẳng. Kiểm tra độ chính xác của thước đo, chiều cao được ghi với 1 số lẻ sau dấu phẩy, ví dụ: 152,5 cm


PGS.TS.BS Trần Văn Thuấn
Ý kiến của bạn