3 năm một lần, Tổ chức Nghiên cứu kinh tế - xã hội phi chính phủ NEF lại công bố xếp thứ bậc chỉ số HPI (Happy Planet Index - hành tinh hạnh phúc), sau đó là bình luận của báo giới về sự tăng giảm thứ bậc này. Vậy HPI là gì và hiểu biết về nó sẽ có đóng góp gì trong cuộc sống?
Nơi đầu tiên chọn tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) làm mục tiêu phát triển
Người Bhutan cũng nỗ lực cải tiến triết lý chủ đạo đó thành một môn khoa học chính trị để các nước noi theo. Không ít các chính khách, chuyên gia lên tiếng cần học hỏi Bhutan. Là một quốc gia không lớn, không đông dân, thuần Phật giáo, khá biệt lập với bên ngoài... là những điều kiện khá đặc biệt và hầu như chưa có quốc gia nào hội đủ các điều kiện như Bhutan để tạo ra một cách phát triển, quản lý xã hội độc đáo như họ.
![]() Bản đồ đánh giá HPI của các quốc gia trên thế giới. |
Chỉ số hành tinh hạnh phúc HPI nói lên điều gì?
HPI có 3 tiêu chí: Mức độ hài lòng cuộc sống (Life Satisfaction = LS); Tuổi thọ trung bình (Life Expectancy = LE) và Dấu chân sinh thái (Ecological Footfrint = EF ) tức tình trạng khai thác tài nguyên phục vụ cho cuộc sống. Theo đó, chỉ số HPI có phần khác với chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia GNH (của Bhutan) trong HPI yếu tố bảo vệ môi trường (EF) được nhấn mạnh hơn.
Công thức tính HPI: HPI = (LS xLE) : EF
LE phản ánh thực trạng đời sống tinh thần, vật chất, sự chăm sóc về y tế, môi trường sinh thái, an ninh...
Chỉ số EF nêu lên tình trạng khai thác tài nguyên phục vụ cho cuộc sống.
Trong công thức tính trên, EF ở mẫu số, nên khi EF càng cao thì HPI thấp. Bởi vậy, năm 2006, ở Vanuatu - một quốc đảo nằm biệt lập ở giữa Nam Thái Bình Dương có khí hậu tuyệt vời, gồm nhiều bộ tộc sống hòa thuận, ít chấp nhận các phương tiện hiện đại, có ý thức bảo tồn nếp sống địa phương, bộ tộc bản địa còn sống hoang sơ, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp du lịch, GDP trung bình chỉ 1.300USD được xếp đầu bảng, kế đó là các nước đang phát triển như Colombia, Costarica, Guatemala... trong khi các nước dẫn đầu về kinh tế thế giới như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức… thì ở hạng gần cuối (81-150) trên tổng số 178 quốc gia.
Giá trị của HPI là khuyến cáo cho mọi quốc gia: cần phát triển kinh tế bền vững song song với việc quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội. Chính vì thế ngày 27/10/2009 tại Busan (Hàn Quốc), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (CECD) đã tổ chức diễn đàn thế giới lần thứ ba với sự tham dự của hơn 100 nước với trên 2.000 người tham gia nhằm thảo luận cách thức đánh giá chỉ số hạnh phúc con người thay vì đánh giá thuần túy theo GDP.
Lời kết
Đến thời điểm này, chưa thể thay GDP bằng HPI. Bởi vì, theo các chuyên gia Australia: Mỗi nền văn hóa sẽ trả lời khác nhau về câu hỏi “Thế nào hạnh phúc?”. Với cách tính HPI hiện nay thì không thể đem chỉ số HPI của nước này so với nước khác; cần cải tiến cách tính theo hướng đầy đủ hơn, phổ cập hơn, có tính đến yếu tố văn hóa quốc gia.
Quốc gia nào cũng có ý thức điều chỉnh HPI, nhưng chưa có quốc gia nào dám từ bỏ sự phát triển nhanh, thậm chí phát triển nóng. Các nước phát triển vẫn không đưa ra được mức giảm hiệu ứng nhà kính, vì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP, dù rất biết tác hại của chúng đến biến đổi khí hậu do công nghiệp hóa gây ra. Để HPI đi vào cuộc sống cần phải có thời gian điều chỉnh nhận thức, điều chỉnh chính sách.
Người làm công tác y tế có vai trò khá quan trọng trong việc nâng cao HPI. Hiểu HPI cũng là hiểu thêm về trách nhiệm của mình.
DS.Bùi Văn Uy