Hà Nội

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng nhẹ dù tình hình dịch COVID-19 phức tạp

30-08-2021 13:57 | Thị trường

SKĐS - Giá lương thực, thực phẩm tăng do giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại nhiều địa phương đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2021.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021 của Tổng Cục thống kê (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) cho biết chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng nhẹ bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong đó, giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020.

Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 8 tháng tăng 0,9%.

Trong mức tăng 0,25% của CPI tháng 8/2021 so với tháng trước có 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 4 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 3 nhóm giữ giá ổn định.

Giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội

Giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Bốn nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất với 0,74% (làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm) do việc vận chuyển và phân phối hàng hóa thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Trong khi nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm tăng cao tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội. Trong đó, lương thực tăng 0,69%; thực phẩm tăng 0,97%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,19%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22% do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát khi thời tiết nắng nóng tăng cao và giá thuốc lá tăng do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung giảm.

Nhóm giáo dục tăng 0,04% do giá văn phòng phẩm tăng 0,34%.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% chủ yếu do dịch COVID-19 diễn biến nhanh và phức tạp, các địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng, chống dịch nên nhu cầu mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch tăng làm giá các loại thuốc tăng 0,08%.

Bốn nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm giao thông giảm 0,06%, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 giảm 0,03%, Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03%.

Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ giữ giá ổn định gồm: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, trong đó: giá điện sinh hoạt tăng 0,35% (làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm) chủ yếu ở các địa phương không được hỗ trợ giảm giá tiền điện; giá gas tăng 2,95%; mặt khác, giá dầu hỏa giảm 1,71%; tiền thuê nhà giảm 1,7% do nhiều hộ gia đình giảm giá để chia sẻ khó khăn với người dân, đồng thời khuyến khích cho thuê lâu dài trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,2%; giá nước sinh hoạt giảm 0,3%.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình có giá ổn định chủ yếu do các siêu thị điện máy giảm giá hàng loạt sản phẩm để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh dịch COVID-19, tuy nhiên nhu cầu sử dụng các loại vật phẩm tiêu dùng gia đình tăng làm cho giá xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,11%; thuốc diệt côn trùng tăng 0,17%.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác cũng là nhóm hàng giữ mức giá ổn định so với tháng trước.

Lạm phát cơ bản tháng 8/2021 giảm 0,02% so với tháng trước, tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm nay tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nguyên Khanh
Ý kiến của bạn