Hà Nội

Acid uric bao nhiêu là cao? Lời khuyên cho người tăng acid uric máu

27-10-2023 08:55 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Tăng acid uric máu là do rối loạn chuyển hóa purin, gặp chủ yếu ở người trưởng thành. Khi bị tăng acid uric máu, ngoài thuốc người bệnh cần chú ý đến sinh hoạt và chế độ ăn cân bằng thích hợp để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa.

Chỉ số acid uric thế nào gọi là cao?

Tăng acid uric máu có thể không gây triệu chứng gì nhưng cũng có thể lắng đọng tại khớp và những mô mềm quanh khớp gây ra bệnh gout; hoặc có thể lắng đọng tại các cơ quan gây ra một số bệnh khác như sỏi thận, sỏi niệu quản. Mặt khác, tăng acid uric cũng là một yếu tố độc lập làm tăng nguy cơ các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp.

‎Rất nhiều các nghiên cứu đã cho thấy acid uric là yếu tố nguy cơ độc lập cho bệnh tim mạch sau khi đã hiệu chỉnh. Do đó cho đến hiện nay, acid uric vẫn đóng vai trò trong cơ chế bệnh sinh của bệnh tim mạch, bệnh tăng huyết áp và bệnh thận. Giả thuyết trên còn được ủng hộ bởi nghiên cứu cho thấy trẻ em có tăng acid uric sẽ có nguy cơ bệnh tăng huyết áp khi trưởng thành và khởi phát tăng huyết áp khá sớm.

Chỉ số acid uric (UA) bình thường sẽ dao động trong khoảng từ 2,5 – 7,0 mg/dL ở nam và 1,5 – 6,0 mg/dL ở nữ.

Trong khi đó, chỉ số acid uric cao được xác định như sau: > 7,0 mg/dL ở nam, > 6,0 mg/dL ở nữ, trẻ em và thanh thiếu niên là >5,5 mg/dL.

Ai cần xét nghiệm acid uric máu?

‎‎Những đối tượng sau đây thường sẽ được chỉ định làm xét nghiệm acid uric máu:

  • Người bị đau khớp hoặc sưng khớp nghi ngờ bị gout;
  • Người đang hoặc sắp trải qua liệu trình hóa xạ trị;
  • Người bị sỏi thận tái phát nhiều lần;
  • Người từng có tiền sử mắc bệnh gout;
  • Người béo phì;
  • Người bệnh đái tháo đường;
  • Người có chế độ ăn có nhiều đạm hải sản;
  • Người có thói quen uống nhiều rượu bia…

Người tăng acid uric cần làm gì?

Ngoài thuốc điều trị người tăng acid uric cần chú ý đến sinh hoạt và chế độ ăn. Một chế độ ăn cân bằng thích hợp là rất quan trọng để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa.

‎‎Nguyên tắc chính trong chế độ ăn của người bị tăng acid uric máu là cần phải giảm các thực phẩm chứa nhiều nhân purin. Purin là hợp chất tự nhiên trong một số loại thực phẩm, purin trong quá trình phân hủy trong cơ thể sẽ tạo ra acid uric. Việc nạp vào quá nhiều thực phẩm chứa purin khiến cho cơ thể tạo ra quá nhiều acid uric gây tăng acid uric máu.

Chỉ số acid uric thế nào gọi là cao? lời khuyên cho người bị tăng acid uric  - Ảnh 2.

Người tăng acid uric không nên ăn nhiều thịt đỏ.

‎Lời khuyên cho người bị tăng acid uric máu

Người bị acid uric cao nên kiêng ăn thực phẩm sau đây để tránh tình trạng chuyển biến nghiêm trọng hơn:

- Kiêng ăn nội tạng động vật

‎‎‎‎Thực phẩm có nguồn gốc từ động vật thường chứa nhiều purin, trong đó, một số loại nội tạng có hàm lượng purin rất cao như gan, thận… Do đó, người bệnh không nên thêm những thức ăn này vào thực đơn hàng ngày để tránh nồng độ acid uric trong máu tăng cao, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe.ặc biệt, việc hạn chế tiêu thụ nội tạng động vật giúp giảm đáng kể nguy cơ bùng phát bệnh gout.

- Kiêng ăn thịt đỏ

‎‎Thịt đỏ rất giàu hàm lượng purin, điển hình là thịt bò, thịt cừu và thịt lợn.Cơ thể có khả năng phân hủy purin thành acid uric, khiến nồng độ hợp chất này trong máu tăng cao. Từ đây, các tinh thể kết tinh trong khớp, làm bùng phát nhiều bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là gout.

Trong đó, hai loại purin chiếm nhiều nhất trong thịt đỏ là hypoxanthine và adenine, cao hơn rất nhiều so với những loại thực phẩm khác. Điều này được chứng minh là tác nhân hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.

- Kiêng ăn hải sản

‎‎‎‎Tương tự như thịt đỏ, hải sản rất giàu hàm lượng purin, có khả năng chuyển hóa thành acid uric, gây hại cho sức khỏe.Những loại hải sản giàu purin bao gồm: cá cơm, cá mòi, con sò, con trai sông, cá hồi, cá ngừ…

Khi bệnh gout tiến triển tích cực hơn, triệu chứng được kiểm soát hiệu quả, người bệnh có thể ăn hải sản nhưng chỉ được phép ăn với mức tối thiểu.

- Kiêng rượu bia

‎Rượu bia làm tăng nguy cơ mắc và tái phát bệnh gout. Do đó, người có nồng độ acid uric cao nên hạn chế tiêu thụ loại đồ uống này.

- Thực phẩm nhiều đường

‎Các loại đường, đặc biệt là đường fructose có khả năng làm tăng nồng độ acid uric trong máu. Do đó, cắt giảm đồ ngọt là biện pháp quan trọng để kiểm soát các bệnh lý liên quan đến tình trạng acid uric cao.

Người bị acid uric cao nên ưu tiên sử dụng các loại đồ ăn, thức uống có lợi sau đây:

- Nên ăn trái cây

‎‎‎‎Một số loại trái cây đặc biệt tốt cho người có nồng độ acid uric trong máu cao như: Chuối vì có hàm lượng purin rất thấp, có khả năng làm giảm nồng độ acid trong máu, đặc biệt có lợi cho người bị bệnh gout.

Nên ăn táo loại trái cây này chứa hàm lượng chất xơ cao, có khả năng hấp thụ acid uric trong máu và tăng cường loại bỏ acid uric dư thừa ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, hợp chất axit malic trong táo cũng giúp trung hòa acid uric, rất tốt cho người bệnh gout.

‎‎‎‎Nên ăn trái cây có múi: Các loại trái cây có múi như cam, bưởi, quýt… là nguồn Vitamin C và Axit citric dồi dào, giúp hỗ trợ cơ thể duy trì nồng độ acid uric ổn định, tăng cường loại bỏ lượng chất dư thừa ra ngoài để ngăn ngừa các bệnh lý nghiêm trọng.

Chỉ số acid uric thế nào gọi là cao? lời khuyên cho người bị tăng acid uric  - Ảnh 3.

Người tăng acid uric nên ăn chuối.

- Tăng cường ăn rau củ quả xanh

Cà chua, bông cải xanh và dưa chuột là những thực phẩm có khả năng làm giảm nồng độ acid uric trong cơ thể nhờ cơ chế làm tăng độ kiềm của máu. Người bệnh có thể ăn sống hoặc hấp chín đều được. Người bệnh nên tích cực bổ sung thực phẩm giàu dưỡng chất này vào thực đơn hàng ngày, điển hình như: kiwi, ớt chuông, cà chua, rau lá xanh, ổi, chanh…

Nên uống trà xanh có khả năng làm giảm sản xuất acid uric trong cơ thể. Đây là loại đồ uống tốt cho người bị bệnh gout hoặc có nồng độ acid uric trong máu cao.

Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý tích cực thực hiện một số biện pháp sau để kiểm soát hiệu quả chỉ số acid uric trong máu như:

- Uống nhiều nước

‎Người bệnh bị acid uric cao nên uống nhiều nước (từ 8 – 16 ly/ ngày), chiếm ít 50% tổng lượng chất lỏng nạp vào cơ thể mỗi ngày. Ngoài ra, thức uống giàu Vitamin C như nước cam, nước quýt cũng có tác dụng làm giảm nồng độ acid uric trong máu.

- Giảm cân

‎Thừa cân làm tăng nguy cơ hình thành bệnh gout. Do đó, giảm cân là biện pháp rất quan trọng. Ngay cả khi tuân theo chế độ ăn hạn chế purin nhưng mắc bệnh thừa cân, béo phì, bệnh gout cũng có khả năng tiến triển nhanh chóng.

- Kiểm tra chỉ số đường huyết

‎Tình trạng tăng acid uric máu có liên quan chặt chẽ với mức độ tiến triển của bệnh tiểu đường và nhiều biến chứng liên quan. Ngược lại, lượng đường trong máu cao cũng có khả năng làm trầm trọng các triệu chứng của bệnh gout. Do đó, người bệnh nên kiểm tra huyết áp thường xuyên, ngay cả khi không bị đái tháo đường.

Đối phó với tăng acid uric máu ở người cao tuổiĐối phó với tăng acid uric máu ở người cao tuổi

SKĐS - Tăng axit uric máu là do rối loạn chuyển hóa purin, gặp chủ yếu ở người trưởng thành, nhưng người cao tuổi chiếm tỷ lệ cao hơn cả. Vậy đâu là nguyên nhân và cần làm gì khi người cao tuổi bị tăng acid uric máu?


BS. Nguyễn Văn Long
Ý kiến của bạn