Hà Nội

Chi phí y tế liên quan đến thuốc lá 108.000 tỷ đồng/năm, cần thiết nâng thuế tiêu thụ đặc biệt

09-10-2024 07:31 | Y tế

SKĐS - Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do sử dụng thuốc lá cao. Tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm.

Tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm

Theo bà Phan Thị Hải – Phó Giám đốc Phụ trách, Điều hành, Quản lý Quỹ Phòng chống tác của hại thuốc lá (PCTHTL), trong những năm qua, với sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, sự hỗ trợ của Quỹ PCTHTL, nỗ lực của Bộ Y tế và các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, công tác PCTHTL đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTHTL cho thấy nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm.

Chi phí y tế liên quan đến thuốc lá 108.000 tỷ đồng/năm, cần thiết nâng thuế tiêu thụ đặc biệt- Ảnh 1.

Bà Phan Thị Hải – Phó Giám đốc Phụ trách, Điều hành, Quản lý Quỹ Phòng chống tác của hại thuốc lá.

Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% vào năm 2014 xuống còn 1,9% vào năm 2022.

Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi công cộng và nơi làm việc.

"Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác PCTHTL. Tuy vậy, theo đánh giá, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới"- bà Hải nói.

Phân tích những hệ lụy của sử dụng thuốc lá nói chung và tỷ lệ hút thuốc lá cao ở nam giới như Việt Nam hiện nay, bà Hải cho biết có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.

Dẫn thông tin từ nghiên cứu của Bệnh viện K, bà Hải cho hay: Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá 96,8%.

"Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao"- bà Hải nói.

Về gánh nặng kinh tế do sử dụng thuốc lá, chuyên gia cho biết ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020, người Việt dành 49.000 tỷ VNĐ/năm để mua thuốc lá. Và những điều đó dẫn đến hệ lụy là tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm.

Phân tích nguyên nhân bà Hải cho biết, một trong những lý do chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo.

"Thuế thuốc lá được coi là một trong các biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn người trẻ bắt đầu hút thuốc và giúp người đang hút thuốc cai thuốc. Tuy nhiên, biện pháp thuế chỉ thực sự phát huy hiệu quả của nó nếu thuế thuốc lá được tăng lên mức độ có ý nghĩa và thường xuyên"- bà Hải nhấn mạnh thêm.

Khuyến nghị về tăng thuế thuốc lá tại Việt Nam

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36 %; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%.
Bà Phan Thị Hải cho hay, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm 38,8% giá bán lẻ, (trong khi Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị tỷ lệ này cần đạt ít nhất 70% - 75% giá bán lẻ), thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình là 59% giá bán lẻ, bằng một nửa của hầu hết các nước ASEAN ví dụ như Thái Lan là 78,6% giá bán lẻ, Singapore là 67,1% giá bán lẻ, Indonesia 62,3%giá bán lẻ.

"Theo báo cáo toàn cầu của Tổ chức Y tế thể giới, Việt Nam nằm trong số 15 nước có giá thuốc lá thấp nhất thế giới Nếu duy trì mức thuế tiêu thụ đặc biệt như hiện nay, Việt Nam không thể đạt mục tiêu quốc gia. Do trượt giá và tăng thu nhập, thuốc lá vốn đã rất rẻ sẽ còn rẻ hơn nữa (tính tương đối so với thu nhập và các mặt hàng khác)"- bà Hải thông tin.

Theo ước tính của mô hình TaxSim (WHO và các chuyên gia khác), tỷ lệ hút thuốc nam giới có thể tăng trở lại lên thành 43.4% vào năm 2030) nếu không tăng thuế ở mức cao. Kể cả khi thực hiện rất tốt các chính sách PCTHTL khác, Việt Nam cũng không thể đạt được mức giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới xuống dưới 36%.

Chi phí y tế liên quan đến thuốc lá 108.000 tỷ đồng/năm, cần thiết nâng thuế tiêu thụ đặc biệt- Ảnh 2.

Theo ước tính của mô hình TaxSim (WHO và các chuyên gia khác), tỷ lệ hút thuốc nam giới có thể tăng trở lại lên thành 43.4% vào năm 2030) nếu không tăng thuế ở mức cao.

Do đó, chuyên gia cho rằng, bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

Trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Bộ Tài chính đã đưa ra 2 phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, theo đó giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay (75%) và bổ sung thêm mức thuế tuyệt đối, bà Hải bày tỏ nhất trí về sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nhằm thể chế hóa và thực hiện chủ trương của nhà nước về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Theo bà Hải, cả hai phương án đề xuất về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá đều thực hiện hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp và bao gồm việc tăng đều đặn về mức thuế tuyệt đối để giảm khả năng chi trả cho thuốc lá theo thời gian.

"Phương án 2 là vượt trội hơn vì nó phù hợp hơn với thông lệ tốt nhất toàn cầu về việc thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp nên dựa nhiều hơn vào thuế suất tuyệt đối. Phương án 2 sẽ làm giảm số lượng người hút thuốc ngay từ những năm đầu giai đoạn 2026-2030, đem lại lợi ích lớn hơn về mặt phòng ngừa bệnh tật và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe"- bà Hải bày tỏ, nhưng cho biết thêm phương án này vẫn có yếu điểm là mức tăng giá bán lẻ các năm sau 2026 đó chỉ đạt khoảng 4-5%/năm, thấp hơn tốc độ tăng trưởng, chưa đủ mạnh để duy trì ổn định tác động giảm sức mua.

Với cả 2 phương án này, mức thuế tuyệt đối tính đến năm 2030 mới là 10.000 đồng/1 bao, mới chiếm tỷ trọng khoảng 59,38% giá bán lẻ.

Bà Hải cho hay, theo tính toán của các chuyên gia, để đạt được tỷ trọng thuế theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế đề xuất mức thuế tuyệt đối đến năm 2030 là 15.000 đồng/1 bao (20 điếu/1 bao), tương đương 65% giá bán lẻ và lộ trình tăng thuế từ năm 2026 đến 2030 như sau:

  • Từ 2026: 5.000 đồng/bao
  • Từ 2027: 7.500 đồng/bao
  • Từ 2028: 10.000 đồng/bao
  • Từ 2029: 12.500 đồng/bao
  • Từ 2030: 15.000 đồng/bao

Bà Phan Thị Hải cho hay, ưu điểm của phương án do Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế đề xuất giúp đạt mục tiêu quốc gia nhờ đó giảm nhiều hơn số người hút thuốc, chi phí bệnh tật, vừa huy động thêm được ngân sách phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững.

90% người mắc ung thư phổi, 75% mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có liên quan đến thuốc lá90% người mắc ung thư phổi, 75% mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có liên quan đến thuốc lá

SKĐS - Theo WHO, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, nung nóng đều là những sản phẩm gây hại đối với sức khoẻ; 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.



Thái Bình
Ý kiến của bạn