Chi phí khám, chữa bệnh từ xa sẽ được thanh toán BHYT như thế nào?

01-06-2020 17:43 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đây là vấn đề được các đại biểu quan tâm đặt ra tại cuộc họp bàn về dự thảo Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 do Bộ Y tế tổ chức ngày 1/6.

Theo các đại biểu, khám, chữa bệnh từ xa được kỳ vọng là giải pháp hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới, củng cố niềm tin của người dân với bệnh viện, giảm tỷ lệ chuyển tuyến lên bệnh viện tuyến trên, giảm thời gian, kinh phí đi lại cho người bệnh. Tuy nhiên, để triển khai trong thực tế vẫn còn gặp “khó”, nhất là việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ xa bằng Bảo hiểm y tế (BHYT).

Khám chữa bệnh từ xa cần giải quyết được 2 vấn đề

Chủ trì cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế nhấn mạnh, khám chữa bệnh từ xa không làm thay đổi hệ thống mà mang tính hội chẩn liên viện, hội chẩn toàn tuyến, không thay thế khám, chữa bệnh truyền thống.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đưa ra 2 vấn đề chính cần phải giải quyết đó là: Làm thế nào để các bệnh viện tuyến dưới được hỗ trợ chuyên môn thường xuyên và khi cần thiết? Làm thế nào để mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết?

Về mặt ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh từ xa, cần có nền tảng công nghệ hiệu quả, kết nối đa tuyến, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh. Dẫn thực tiễn từ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, việc hội chẩn liên viện, hội chẩn trực tuyến đã góp phần đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân mắc COVID-19, nhất là đối với bệnh nhân mắc bệnh nặng, trong tình trạng nguy kịch như bệnh nhân 91 – nam phi công người Anh.

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế phát biểu tại cuộc họp

“Các giáo sư, các chuyên gia đầu ngành đã liên tục/ thường xuyên hội chẩn trực tuyến về tình hình sức khoẻ của bệnh nhân này để kịp thời đưa ra các phương án điều trị phù hợp với từng giai đoạn sức khoẻ của bệnh nhân, để đến hôm nay, nam bệnh nhân đã có những hồi phục bước đầu”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh

Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị quy định rõ trách nhiệm của bệnh viện từ trung ương tới địa phương khi triển khai Đề án khám, chữa bệnh từ xa. Từ đó, tiến tới xây dựng hệ thống khám bệnh online, khám bệnh qua thẻ BHYT, tin nhắn điện thoại.

“Chúng ta không thể thay đổi hệ thống nhưng chúng ta đẩy công nghệ vào để phát huy một cách cao nhất hiệu quả và phát huy chất lượng khám chữa bệnh”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh

Về phạm vi, Thứ trưởng cho rằng không dừng ở một bệnh viện hạt nhân chỉ có 1 bệnh viện vệ tinh mà có thể có nhiều bệnh viện. Giao trách nhiệm cho bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ bệnh viện tuyến huyện, còn bệnh viện tuyến tỉnh và huyện hỗ trợ người dân tuyến xã. Tận dụng hết chuyên môn, trí tuệ của thầy thuốc tuyến trên, giúp cho thầy thuốc tuyến dưới thêm vững tay nghề

Sẽ có 15 bệnh viện thuộc mạng lưới bệnh viện hạt nhân theo chuyên khoa và đa khoa tham gia

PGS. TS. Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho tuyến dưới, giảm quá tải bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trên, góp phần nâng cao sự hài lòng của người bệnh.

Các chuyên gia tại 4 điểm cầu là: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy cùng với sự tham gia của Trung tâm điều phối quốc gia về bộ phận cơ thể người cùng tham gia hội chẩn Ảnh: Lê Hảo

"Người dân ở vùng sâu, xa, khó khăn sẽ được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao, đồng thời, giảm tối đa chi phí khám, chữa bệnh, chi phí BHYT, không phải bỏ tiền túi để chi trả"- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh

Với đề án khám, chữa bệnh từ xa, mạng lưới bệnh viện tuyến trên (bệnh viện hạt nhân) gồm bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ có đủ năng lực về đội ngũ thầy thuốc chuyên gia, đủ trang thiết bị và cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của người dân.

Các hoạt động chính của đề án gồm: Tư vấn từ xa, hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa và sử dụng Apps trong các dịch vụ y tế; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật.

Dự kiến có 15 bệnh viện thuộc mạng lưới bệnh viện hạt nhân theo chuyên khoa và đa khoa do Bộ Y tế chỉ định gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện E, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh; Viện Huyết học truyền máu Trung ương; Bệnh viện Xanh pôn.

Kinh phí thực hiện Đề án chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, nguồn ODA và các nguồn vốn hợp pháp. Giai đoạn 2020-2025, Đề án ưu tiên đầu tư cho 400 bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, bệnh viện tư nhân là bệnh viện vệ tinh của 15 bệnh viện hạt nhân (13 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 2 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế Hà Nội).

Khẩn trương xây dựng cấu thành giá dịch vụ y tế khám chữa bệnh từ xa do BHYT chi trả

Tại cuộc họp, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho biết, việc khám, chữa bệnh từ xa đã được BV Đại học Y Hà Nội triển khai đên tận tuyến huyện. Theo đó, kể từ khi khai trương hình thức khám chữa bệnh này, đến nay BV đã tổ chức khám, tư vấn, hội chẩn từ xa mỗi tuần 2 lần cho 16 BV vệ tinh. Riêng tại Hà Giang, BV Đại học Y Hà Nội không chỉ kết nối khám chữa bệnh, tư vấn từ xa đến tuyến tỉnh mà còn đồng loạt kết nối đến 11 điểm cầu của 11 tuyến huyện, thị.

“Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất được đặt ra trong quá trình triển khai là cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện khám, chữa bệnh từ xa. Cùng với đó, việc chi trả cho các bác sĩ tham gia hội chẩn từ xa đang gặp khó khăn, cần có chế độ chính sách phù hợp. Đáng chú ý, việc chi trả BHYT cho bệnh nhân cần rõ ràng để tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, đồng thời bảo vệ quỹ BHYT, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên” – Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội nêu vấn đề

Thông tin về quá trình triển khai khám, chữa bệnh từ xa tại BV Nhi TW, PGS. TS. Trần Minh Điển – Phó Giám đốc BV cho hay, BV đã sử dụng phần mềm zoom, hội chẩn được 10 trường hợp với các bệnh viện vệ tinh. Điển hình là trường hợp bé gái người Lào bị nang phổi bẩm sinh đã được các bác sĩ tại BV hội chẩn từ xa để chủ động điều trị.

“Để triển khai có hiệu quả khám, chữa bệnh từ xa cần đào tạo nguồn nhân lực có chứng chỉ, quy trình thực hiện phải có hành lang pháp lý cụ thể. Ngoài ra, Vụ BHYT cần xác định kinh phí duy trì triển khai khám, chữa bệnh từ xa, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh”- PGS.TS Trần Minh Điển nói.

Thông tin về việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ xa, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm khẳng định, nếu quy định được giá cụ thể của từng loại hình khám, chữa bệnh từ xa thì BHYT sẽ thanh toán được. Sau khi tính toán giá phải xác định đối tượng chi trả tư vấn khám, chữa bệnh từ xa

Để Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 nhanh chóng được triển khai trong thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Vụ BHYT khẩn trương phối hợp với Vụ Kế hoạch tài chính khẩn trương xây dựng cấu thành giá dịch vụ y tế khám chữa bệnh từ xa do BHYT chi trả.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh tiếp thu ý kiến thảo luận tại cuộc họp để nhanh chóng hoàn thiện đề án, trình lãnh đạo Bộ Y tế ký ban hành để đề án sớm được triển khai trên quy mô rộng.


Thái Bình
Ý kiến của bạn