Chi phí điều trị đái tháo đường đang trở thành gánh nặng cho nhiều quốc gia

22-03-2017 22:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Mỗi năm trên thế giới có khoảng 4,6 triệu ca tử vong do đái tháo đường, và 2/3 trong số này phải cắt cụt chi với chi phí điều trị rất lớn. Rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi đã phải cắt cụt chi dưới gối để bảo toàn tính mạng.

 

Tại hội thảo cập nhật chẩn đoán, điều trị đái tháo đường và các biến chứng diễn ra từ ngày 21-22/3 ở Bệnh viện Bạch Mai, các chuyên gia hàng của Trường Đại học Havard (Mỹ) đã chia sẻ những kinh nghiệm mới nhất trong điều trị bệnh đái tháo đường. Đặc biệt là các vấn đề như: biến chứng mạch máu và bàn chân, biến chứng ngoài da, kiểm soát đường huyết ở các bệnh nhân đái tháo đường cần phẫu thuật.

Thông tin tại hội thảo, GS David Campbel, ĐH Havard cho biết, trên thế giới tỉ lệ mắc đái tháo đường tuýp 2 tăng lên chóng mặt, chiếm tới 90%, còn lại là tuýp 1. Trước đây nhiều người coi đó là căn bệnh của nhà giàu nhưng thực tế hiện nay căn bệnh này gặp ở tất cả các đối tượng. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 4,6 triệu ca tử vong do đái tháo đường, và 2/3 trong số này phải cắt cụt chi với chi phí điều trị rất lớn. Rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi đã phải cắt cụt chi dưới gối để bảo toàn tính mạng. Do vậy, việc quản lý biến chứng phải có sự phối hợp các chuyên khoa với nhau.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện bệnh đái tháo đường là một trong những thách thức lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Các số liệu cho thấy số lượng người mắc căn bệnh này đang tăng rất nhanh, dẫn đến chi phí điều trị đã, đang trở thành gánh nặng cho nhiều quốc gia.

 

Lấy máu để xét nghiệm, kiểm tra đường huyết

Tại Việt Nam, đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ, suy thận mạn hay cắt cụt chi không do chấn thương... làm tăng tỉ lệ tử vong lên gấp 2- 4 lần so với người không bị đái tháo đường. Việc điều trị bệnh đái tháo đường ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn do đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa còn thiếu, người bệnh thường được phát hiện muộn, khi đã có nhiều biến chứng, dẫn đến chi phí điều trị tốn kém. Tại Bệnh viện Bạch Mai, hàng ngày tiếp nhận nhiều bệnh nhân đái tháo đường nặng.

Theo PGS TS Nguyễn Khoa Diệu Vân, Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường -Bệnh viện Bạch Mai, bệnh đái tháo đường ở nước ta gia tăng chủ yếu là do lối sống, yếu tố nội tại cộng thêm thói quen lười vận động chính là nguy cơ khiến số người mắc tiểu đường ngày càng tăng. Hiện tại, rất đáng ngại khi có đến khoảng 50% bệnh nhân bị đái tháo đường không được phát hiện sớm, đã gây hậu quả nghiêm trọng, bệnh nhân đã có các biến chứng nặng nề về tim mạch, hoại tử chân, suy thận hay mù lòa. "Do đó, mọi người cần tránh các yếu tố nguy cơ dễ gây bệnh đái tháo đường như béo phì (đặc biệt là béo bụng), chế độ ăn quá nhiều, ít vận động, stress….- PGS. TS Nguyễn Khoa Diệu Vân khuyến cáo


Thái Bình
Ý kiến của bạn