Trước tình hình chi phí đầu vào tăng cao làm cho nhà vườn lo lắng thị trường, giá cả đầu ra của hoa kiểng sắp tới.
Những ngày đầu tháng Chạp này đi dọc hai bên bờ kênh Chưng Bầu thuộc ấp An Khương, xã Minh Hòa, hình ảnh dễ bắt gặp nhất chính là khung cảnh nhộn nhịp của các nhà vườn đang chăm sóc hoa kiểng. Ông Trần Ngọc Hải, Giám đốc Hợp tác xã Hoa kiểng An Khương cho biết, hiện tại Hợp tác xã có 100 thành viên trồng với số lượng hơn 250.000 chậu hoa kiểng các loại. Trong số đó, chủ yếu là trồng hoa vạn thọ và ban mai; còn lại các loại hoa cúc, cát tường, mào gà, đồng tiền, hoa sứ…
Theo ông Hải, tất cả các khoản chi phí đầu tư cho vụ hoa Tết năm nay đều tăng khoảng 15-20% so với những vụ hoa trước. Cụ thể như, mụn dừa có giá 50.000 đồng/bao (tăng 15.000 đồng), trấu mục 17.000 đồng/bao (tăng 7.000 đồng/bao), chậu đựng tăng 500 đồng/chậu... Đa số các thành viên trong hợp tác xã đều trồng với quy mô bằng, hoặc tăng số lượng hơn so với vụ hoa Tết năm 2023; riêng hộ của ông giảm số lượng trồng hơn 1.500 chậu và số lượng hoa hiện có khoảng 3.500 chậu; trong đó, gần 2.800 chậu hoa vạn thọ, 800 chậu ban mai. Gia đình ông giảm số lượng trồng vì thấy giá các loạt vật tư đầu vào tăng, đồng thời có rất nhiều chủ vườn tăng số lượng hoa lên, trong khi dự báo sức mua hoa kiểng năm nay có thể giảm nên giá bán khó được tăng lên.
Ông Hải cũng cho biết thêm, vụ hoa Tết của những năm trước, khi mới xuống giống đã có thương lái tìm đến đặt cọc, nhưng hiện nay, hoa đã hé nụ, nhưng chưa có thương lái đến thăm vườn. "Vụ hoa Tết này, chi phí bỏ ra cho mỗi cặp hoa vạn thọ, ban mai khoảng 30.000 đồng, vì vậy phải bán được từ 45.000 đến 50.000 đồng/cặp (tăng 5.000 đồng/cặp so với năm rồi) thì chủ vườn mới có lời xứng đáng với công sức, chi phí đầu tư, thế nhưng rất khó có giá này. Tôi hy vọng người mua hoa Tết năm nay biết được tình hình chi phí đầu vào tăng cao để chấp nhận mua hoa với giá tăng hơn một ít", ông Hải chia sẻ.
Là một trong những hộ trồng hoa kiểng với số lượng lớn ở Làng hoa kiểng An Khương, vụ hoa Tết này gia đình anh Lê Đào Khánh Nghiêm trồng 10.000 chậu hoa vạn thọ và cúc kim cương. Theo anh Nghiêm, tất cả các loại vật tư phục vụ cho nghề trồng hoa kiểng như: nhân công, hạt giống, phân hóa học, mụn dừa, rơm, trấu mục đều tăng hơn so với những năm trước. Vì vậy, tổng chi phí đầu tư cho vụ hoa đến thời điểm hiện tại đã cao hơn so với năm ngoái khoảng 40 triệu đồng. Anh Nghiêm cũng cho hay, qua tìm hiểu, giá xe tải vận chuyển và tiền thuê mặt bằng để bán hoa năm nay cũng tăng lên khá cao.
"Gia đình tôi dự tính sẽ bán sỉ cho lái 6.000 chậu, chừa lại 4.000 chậu để bán lẻ. Với chi phí đầu tư tạm tính tăng như hiện nay tôi nghĩ tới lúc xuất bán, nếu bỏ sỉ tại vườn thì mỗi cặp khoảng 38.000 - 40.000 đồng; còn vận chuyển ra chợ bán lẻ khoảng 70.000 đồng/cặp thì mới có lời. Tôi mong cuối vụ hoa không gặp phải tình trạng dồn hàng ế chợ để người trồng còn có một khoản lời tương xứng với công chăm sóc hơn 3 tháng trời", anh Nghiêm chia sẻ.
Bên cạnh nỗi lo đầu ra, giá cả hoa kiểng bán dịp Tết, ông Trần Văn Nam, ở ấp An Khương còn lo lắng nhiều hơn khi vườn hoa nhà ông bị chuột và một số loại sâu bệnh tấn công như: bệnh bọ trĩ, thối cây nên chi phí đầu tư cho vườn hoa càng tăng nhiều so với những năm trước.
"Tôi gắn bó với nghề trồng hoa tết từ năm 1992 đến nay và chưa có năm nào bị thua lỗ, chỉ có lời ít hay nhiều. Tuy nhiên, vụ hoa tết này tôi cũng như nhiều nông dân ở đây khá lo lắng, bởi chi phí tăng cao, nếu giá hoa bán sắp tới không tăng thì người trồng khó có lời. Vụ hoa này gia đình tôi trồng 3.000 chậu với hơn 10 loại hoa kiểng gồm các loại như: vạn thọ, ban mai, cát tường, cúc lá nhiếm, đồng tiền... Tôi trồng nhiều loại hoa là để dễ bán lẻ nếu thị trường đầu ra gặp khó", ông Nam cho biết thêm.
Theo bà Huỳnh Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Hòa, huyện Châu Thành (Kiên Giang), Hợp tác xã hoa kiểng An Khương thành lập năm 2016 là hợp tác xã hoa cảnh duy nhất của tỉnh Kiên Giang và hiện là nơi có quy mô trồng hoa nhiều nhất tỉnh, trồng khoảng 400.000- 500.000 chậu hoa cảnh mỗi năm. Thị trường hoa kiểng An Khương không chỉ cung cấp ở trong tỉnh mà còn được bán đến nhiều tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Dung cũng cho biết, nghề trồng hoa cảnh ở An Khương ngày càng phát triển bởi người dân nơi đây thấy được hiệu quả kinh tế mang lại, như cùng một diện tích trồng lúa, nếu trồng hoa tết sẽ có lời cao hơn gấp 5 lần. Những năm qua, Hội nông dân xã luôn tạo điều kiện để các hộ trồng vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư trồng hoa tết. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân xã cũng đầu tư nâng cấp cầu, đường giao thông, giúp nhà vườn dễ dàng vận chuyển, cũng như thương lái đến tận vườn thu mua.
Tuy nhiên, những năm gần đây giá hoa kiểng bán dịp Tết Nguyên đán của Làng hoa kiểng An Khương thường không ổn định, do hạn chế về chủng loại hoa, trong khi đó còn phải đối mặt với sự cạnh tranh của hoa kiểng ở Làng hoa Sa Đéc và một số địa phương khác đến bán ở Kiên Giang.
"Để nghề trồng hoa kiểng ở An Khương phát triển bền vững, theo tôi các ngành chuyên môn cấp trên cần quan tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhà vườn trồng đa dạng các loài hoa kiểng có giá trị kinh tế, phù hợp với nhu cầu của thị trường; đồng thời đầu tư vốn, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm trồng hoa kiểng ở các địa phương khác để nông dân áp dụng, nâng cao hiệu quả kinh tế", Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Hòa chia sẻ thêm.