Chí Phèo - Thị Nở là biểu tượng văn hóa?

10-09-2010 13:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Xung quanh vấn đề chọn một biểu tượng duy nhất đại diện cho nền văn hoá Việt Nam, lâu nay vẫn được coi là đậm đà bản sắc dân tộc, có không ít những ý kiến đưa ra.

Xung quanh vấn đề chọn một biểu tượng duy nhất đại diện cho nền văn hoá Việt Nam, lâu nay vẫn được coi là đậm đà bản sắc dân tộc, có không ít những ý kiến đưa ra. Đó có thể là Quốc Tử Giám, mặt trống đồng, là chim hạc, là bông sen nở, bông sen búp, hoa đào, là chiếc áo dài, nón lá, là cái cổng làng, là con trâu, thậm chí là phở. Xét về bản chất, đó chỉ là những khía cạnh của văn hoá. Thực chất, chúng ta vẫn đang trên hành trình tìm kiếm biểu tượng văn hoá VN, hành trình ấy, thiết nghĩ, vẫn còn nhiều lắm những băn khoăn, nghĩ ngợi và lựa chọn.

Đâu là biểu tượng văn hóa Việt?

Biểu tượng cho một nền văn hóa bao hàm đặc trưng văn hóa dân tộc. Nếu như Úc chọn con kangaroo (chuột túi), Singapore chọn con sư tử, Nhật Bản chọn hoa anh đào, Hồng Kông chọn hoa tử kinh, Thái Lan chọn phong lan tím, Lào chọn voi thì cho đến nay Việt Nam (VN) vẫn chưa thống nhất được biểu tượng chung của văn hoá. Có rất nhiều người ca tụng hoa sen như là quốc hoa Việt, lại có ý kiến cho rằng chính tà áo dài mới xứng đáng trở thành biểu tượng quốc gia, đại diện cho các giá trị văn hóa Việt Nam. Cây tre một thời cũng được xưng tụng là biểu tượng quốc thực. Tiếc thay, những ý kiến đó dường như đã rơi vào quên lãng. Khi ngày Đại lễ nghìn năm tuổi của thủ đô tới gần, chúng ta mới giật mình tự hỏi đâu là biểu tượng thống nhất của văn hoá Việt?

 Biểu tượng trâu vàng Seagame 22

Tại Sea games 22 năm 2003 được tổ chức tại Việt Nam, trâu vàng đã được chọn làm linh vật cho sự kiện thể thao lớn nhất Đông Nam Á. Giải thích về hình tượng này, Ban tổ chức Sea games cho rằng, với bản chất hiền lành, hoà đồng và chăm chỉ, hình ảnh con trâu gần gũi, thân mật với người dân trong nền văn minh lúa nước của VN và các nước Đông Nam Á. Trâu Vàng tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của người Việt. Đó cũng là một cách giải thích xứng đáng cho một trong những biểu tượng gợi nhớ đến VN được khá nhiều người Đông Nam Á ghi nhớ được. Nhưng bên cạnh đó lại đặt ra nhiều câu hỏi tại sao VN được biết đến qua hình ảnh con trâu mà không phải là một hình tượng văn học tiêu biểu, tại sao không phải là Thánh Gióng, là Thạch Sanh, là cô Tấm hay nàng Thuý Kiều?

Có biểu tượng văn hoá, ắt có tượng

Văn hoá tạc tượng biểu tượng văn hoá trên thế giới đang được coi là một trào lưu có tính đột phá. Ở Đan Mạch, "Nàng tiên cá" được coi là bức tượng điêu khắc nổi tiếng nhất, một công trình mỹ thuật tuyệt đẹp và được coi là biểu tượng văn hoá của đất nước lành mạnh và dễ chịu này. Đông ki sốt - nhân vật trong tác phẩm kinh điển được yêu thích nhất cùng với bò tót, điệu vũ flamenco được coi là biểu tượng của đất nước Tây Ban Nha và nổi tiếng khắp thế giới đến mức hễ nhắc tới các biểu tượng đó chúng ta nhớ ngay tới một Tây Ban Nha nồng nhiệt, một trong những quốc gia có nền văn hóa đặc sắc nhất trên thế giới, mặc dù chưa được tạc tượng nhiều. Tuy nhiên, các biểu tượng đó đã tạc vào lòng người dân thế giới một bức tượng vô hình lớn lao và đáng nhớ hơn hẳn tượng thật.

 Tượng gốm Chí Phèo - Thị Nở khiến nhiều người lầm tưởng là biểu tượng văn hóa.

Một điều dễ nhận thấy là ở VN, mặc dù chưa định hình một biểu tượng văn hoá thống nhất nhưng thời gian gần đây lại có xu hướng tạc tượng hai nhân vật mà đi đến nhiều nơi chúng ta cũng có thể vô tình bắt gặp, từ làng nghề gốm sứ Bát Tràng đến bảo tàng mỹ thuật, các khu nghỉ mát, resort, khách sạn, quán cà phê, thậm chí... vườn nhà. Đó là tượng Chí Phèo - Thị Nở. Hiện tượng này đã mang lại một hệ lụy rất phiền, ấy là nhiều người ngoại quốc nhầm tưởng đó là biểu tượng văn hoá VN, kể cả một số người VN cũng đồ rằng Chí Phèo - Thị Nở biết đâu đã được công nhận là biểu tượng văn hoá Việt Nam. Điều này đã gây ra tâm lý "công nhận ảo", hời hợt ngay với cả vấn đề rất lớn của cả dân tộc là chọn cho được một biểu tượng xứng đáng đại diện cho bản sắc, tinh hoa văn hoá Việt. Đành rằng Chí Phèo - Thị Nở là một hình tượng văn học có hồn, phập phồng hơi thở của đời sống nhưng nếu chọn làm biểu tượng văn hoá Việt thì tại sao lại không thể chọn Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Tấm - Cám...

Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang tới gần. Việc ngồi lại, ngẫm nghĩ để chọn được một biểu tượng của nền văn hoá VN thiết nghĩ cũng chẳng còn được coi là sớm. Việc giới thiệu, ca ngợi cũng như quảng bá biểu tượng văn hoá VN được coi là hành động gián tiếp khẳng định sự trưởng thành cũng như khởi sắc của nền kinh tế, văn hoá Việt. Phát biểu của một nhà nghiên cứu văn học và văn hoá Việt "Phải chọn được một biểu tượng văn hoá vừa ra Việt Nam, vừa ra cổ tích" phải chăng cũng là một gợi ý đáng để chúng ta ngẫm ngợi trên con đường đi tìm biểu tượng văn hoá VN?

Võ Thị Hà


Ý kiến của bạn