Hà Nội

Chỉ nên tiêm vắc xin dịch vụ khi chưa có trong Chương trình TCMR

09-03-2015 16:11 | Thời sự
google news

SKĐS - Những bệnh nguy hiểm nhất đều đã có vắc xin trong chương trình TCMR. Vì vậy chỉ nên tiêm vắc xin dịch vụ khi mũi vắc xin đó chưa có trong chương trình TCMR.

Nhằm giải đáp những thắc mắc của bạn đọc xung quanh vấn đề vắc xin, ngày 18/7, Báo Sức khỏe&Đời sống (Bộ Y tế) tổ chức buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề: “Tiêm vắc xin sao cho hiệu quả?”.

Buổi trực tuyến đã khép lại với rất nhiều câu hỏi đã được TS.BS Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương giải đáp cụ thể . Qua đó, độc giả có thể hiểu đúng và đầy đủ về cơ chế phòng bệnh, hiệu quả phòng bệnh của loại “vũ khí” sắc bén này.

Tại buổi tư vấn trực tuyến, đa số các bậc phụ huynh đều quan tâm đến việc khi nào nên và không nên đưa trẻ đi tiêm? Phản ứng nào là bất thường sau tiêm? Chất lượng vắc xin trong nước so với ngoại nhập thế nào…? TS.BS Nguyễn Văn Cường cho biết, tại Việt Nam, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, có 11 loại vắc xin phòng 11 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất nằm trong Chương trình TCMR gồm: vắc xin phòng bệnh lao, vắc xin phòng bệnh bại liệt, vắc xin phòng bệnh bạch hầu, vắc xin phòng bệnh ho gà, vắc xin phòng bệnh uốn ván, vắc xin phòng bệnh sởi, vắc xin phòng bệnh viêm gan vi rút B, vắc xin phòng bệnh viêm màng não mủ, viêm phổi do Hib; vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, vắc xin phòng bệnh tả và vắc xin phòng bệnh thương hàn chỉ áp dụng tiêm phòng cho vùng có dịch. Với mỗi loại vắc xin cụ thể, cán bộ y tế sẽ đưa ra lời khuyên và có chỉ định thích hợp việc tiêm chủng các loại vắc xin đối với từng đối tượng.

Tiêm phòng cho bé tại phòng khám trẻ Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: N.C.T.

Tiêm phòng cho bé tại phòng khám trẻ Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: N.C.T.

Những phản ứng thông thường có thể gặp sau khi tiêm chủng như đau tại chỗ tiêm, có thể hơi sưng đỏ; sốt - thường sốt nhẹ; quấy khóc.. sẽ hết trong vòng 1-2 ngày. Sau khi tiêm chủng các bà mẹ cần phải theo dõi trẻ như để ý đến trẻ hơn, cho bú nhiều hơn, nếu có sốt cần cặp nhiệt độ và dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Nếu thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường như: sốt cao, quấy khóc kéo dài, bú ít, tím tái, khó thở cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Trước tình trạng người dân đổ dồn đi tiêm chủng dịch vụ mà không đến tiêm tại các trạm y tế phường với vắc xin của chương trình TCMR hoàn toàn miễn phí, TS. Cường cho rằng, trong TCMR hiện nay có 11 loại vắc xin phòng 11 bệnh nguy hiểm nhất có thể gặp ở VN. Nhà nước đã đầu tư và tiêm miễn phí cho các đối tượng nằm trong chương trình TCMR. Tỉ lệ tiêm chủng các vắc xin này ở hầu hết các địa phương đạt tỉ lệ rất cao. Riêng tại hai địa phương là TP Hà Nội và TP.HCM việc tiêm vắc xin dịch vụ nhiều hơn các địa phương khác. Nhìn có vẻ đông vì chỉ có một vài điểm tiêm dịch vụ, trong khi có tới hơn 11.000 điểm tiêm chủng mở rộng miễn phí. Những bệnh nguy hiểm nhất đều đã có vắc xin trong chương trình TCMR. Vì vậy chỉ nên tiêm vắc xin dịch vụ khi mũi vắc xin đó chưa có trong chương trình TCMR.

Có độc giả cũng thẳng thắn bày tỏ băn khoăn về chất lượng giữa vắc xin được sản xuất trong nước và nhập khẩu, TS. Cường khẳng định: “Tất cả các loại vắc xin được sử dụng đều được Bộ Y tế cấp phép sau khi đã có kết quả kiểm định cho thấy vắc xin có tác dụng phòng bệnh. Vì vậy, vắc xin được sản xuất trong nước và vắc xin nhập khẩu đều đạt được các yêu cầu đối với việc tiêm chủng phòng bệnh. Không phải tất cả các loại vắc xin đều có thể sản xuất được tại các cơ sở sản xuất trong nước. Vì vậy việc nhập khẩu vắc xin giúp đáp ứng nhu cầu tiêm chủng phòng bệnh đối với một số loại vắc xin chưa được sản xuất trong nước”.

Ngoài ra, độc giả cũng rất quan tâm đến việc tiêm vắc xin phòng bệnh trước khi kết hôn, tiêm phòng cho phụ nữ mang thai… Dù đã hết thời lượng tư vấn trực tuyến nhưng sau đó rất nhiều độc giả vẫn tiếp tục đặt câu hỏi xung quanh vấn đề này.

TS. Cường cũng nhấn mạnh, việc tiêm chủng các vắc xin đối với trẻ nhỏ là rất cần thiết. Trong năm 2014 và 2015 có tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi và rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi thì những trẻ trong độ tuổi này cần phải được đi tiêm chủng.

“Để phòng bệnh thì cần phải tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch vì bất cứ lý do gì thì cần được tiêm chủng càng sớm càng tốt. Vắc xin phối hợp phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và viêm màng nào mủ/viêm phổi do Hib (thường gọi là vắc xin “6 trong 1”), hay vắc xin phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, và viêm màng nào mủ/viêm phổi do Hib trong tiêm chủng mở rộng (thường gọi là vắc xin “5 trong 1”) cần được tiêm cho trẻ mũi 1 lúc 2 tháng tuổi, mũi 2 trẻ 3 tháng tuổi và mũi 3 trẻ 4 tháng tuổi. Trên thực tế nếu bỏ lỡ lịch tiêm chủng thì phải được tiêm càng sớm càng tốt ngay sau đấy để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh”- TS. Cường khuyến cáo.

Từ tháng 7/2014, báo điện tử Suckhoedoisong.vn sẽ tổ chức tư vấn trực tuyến về các dịch bệnh mỗi tháng 2 lần. Bạn đọc có câu hỏi xin gửi thư về tòa soạn theo địa chỉ: báo Sức khỏe & Đời sống-138 A Giảng Võ-Ba Đình-Hà Nội; hoặc gửi thư điện tử theo địa chỉ: bandientuskds@gmail.com;

hoặc trên trang fanpage của Bộ Y tế: https://www.facebook.com/botruongboytevietnam?fref=ts,

Trang fanpage của báo Sức khỏe & Đời sống: https://www.facebook.com/baosuckhoevadoisong?fref=ts

Dương Hải

 

 


Ý kiến của bạn