Tuy nhiên, từ khi Trạm y tế Đức Long được triển khai phần mềm kết nối thông tin y tế cơ sở - Vnpthis viết tắt là V20 (phần mềm thuộc dự án V20 do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT và Bộ Y tế thực hiện) thì việc đó đã không còn nữa.
1 phần mềm duy nhất, tích hợp và liên thông tất cả các dữ liệu
Bs. Trần Thị Hồng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đức Long cho biết, trước đây mỗi một chương trình lại kèm theo vài quyển sổ. Mỗi cán bộ nhân viên của Trạm mất rất nhiều thời gian cho việc ghi sổ sách như dân số, sức khoẻ sinh sản, tiêm chủng mở rộng, khám chữa bệnh, an toàn thực phẩm…Đơn cử như chăm sóc sức khoẻ sinh sản lại có đến vài sổ nhỏ như sổ quản lý thai sản, sổ tiêm phòng cho bà mẹ mang thai, sổ theo dõi sinh đẻ tại trạm, hay cán bộ y tế đến thăm sản phụ sau sinh tại nhà…Cũng theo BS. Hồng việc viết ra giấy vừa tốn kém nhiều khi lại thiếu chính xác. Đã không ít lần Trạm bị cơ quan Bảo hiểm xã hội xuất toán vì nhầm lẫn trong thủ tục hành chính.
Cán bộ y tế Trạm Y tế xã Đức Long thực hiện tích hợp thông tin trên phần mềm V20
Ngoài ra, việc thực hiện báo cáo hàng quý, hàng tháng và báo cáo cuối năm cán bộ y tế phải ngồi cộng thủ công, việc này vừa mất thời gian lại cũng thiếu chính xác. Đến khi được ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin cho từng chương trình thì mỗi chương trình lại một phần mềm khác nhau, việc kích hoạt và sử dụng mỗi phần mềm này mất rất nhiều thời gian.
“Vì thế, sau khi sử dụng 1 phần mềm duy nhất, tích hợp và liên thông tất cả các dữ liệu khác đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân và nhân viên y tế. Đối với nhân viên y tế, dễ dàng truy cập các thông tin như tiền sử bệnh, tiền sử sử dụng thuốc, tiền sử dị ứng thuốc, đã khám tại những cơ sở y tế nào…dựa trên đó các bác sĩ dễ dàng chẩn đoán đúng bệnh và chỉ định thuốc phù hợp với người bệnh, hạn chế tối đa các sai sót trong chỉ định thuốc, sai sót trong khai thẻ BHYT. Còn người bệnh đến Trạm khám cũng không phải chờ đợi lâu mà được khám và cấp phát thuốc ngay. Trung bình mỗi ngày Trạm tiếp nhận và khám cho khoảng 40-50 người. Bên cạnh đó, công tác báo cáo hàng quý, hàng năm cũng trở nên thuận tiện, đơn giản hơn, tiết kiệm thời gian nhiều hơn so với., BS Hồng cho hay.
Tăng năng lực và chất lượng cho y tế cơ sở
Theo Ths. Phạm Thị Phương Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình, được tiếp cận với V20 là điều vui mừng và may mắn với ngành y tế Ninh Bình. Bởi, sẽ giải quyết được những khó khăn trước đây là nhiều sổ sách, nhiều phần mềm không liên thông được với nhau. Nhưng có V20 công tác quản lý sẽ tốt hơn, số liệu cập nhật nhanh chóng, tiện lợi, chính xác, tập trung. Chỉ cần ngồi ở Sở là có thể nắm được toàn bộ tình hình bệnh tật, dân số, tiêm chủng mở rộng… của tất cả các xã trong tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc TS. Hà Anh Đức Chánh Văn phòng Bộ Y tế chia sẻ, hiện nay trên toàn quốc có khoảng gần 12 nghìn Trạm y tế , trong đó khoảng 7.300 trạm Trạm y tế đã và đang cài đặt phần mềm của VNTP, khoảng 3.300 Trạm y tế triển khai phần mềm của Viettel, còn lại do các đơn vị tư nhân khác thực hiện.
Ts. Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế chia sẻ về V20
Vấn đề đặt ra là làm sao để tích hợp nhiều phần mềm về một mô- dum tổng chung thuận lợi cho việc quản lý các số liệu của gần 12000 trạm y tế trong toàn quốc. Vì thế, V20 ra đời, với mục tiêu xây dựng nền tảng kết nối thông tin y tế cơ sở. Mục tiêu của V20 là quản lý dữ liệu cơ sở y tế một cách tập trung, trên cơ sở đó hỗ trợ cho bác sĩ ở y tế cơ sở tăng cường năng lực khám chữa bệnh, cải thiện chất lượng phục vụ người dân. Nâng cao khả năng phân tích đưa ra dự báo. Từ đó, người bệnh được chăm sóc, điều trị tốt nhất…V20 được đặt ở cơ quan trung ương là Bộ Y tế, thực hiện quản lý tất cả TYT toàn quốc. Do đó, Bộ Y tế đã có thể nắm được toàn bộ thông tin tại các Trạm y tế trong toàn quốc từ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ, phòng chống bệnh không lẫy nhiễm, phòng chống tai nạn thương tích, tiêm chủng mở rộng, dân số….và được phân cấp phù hợp với chuyên môn của từng đơn vị Sở Y tế, Trung tâm y tế…
TS. Hà Anh Đức cũng lưu ý, khi triển khai, cơ sở phải đảm bảo dù sử dụng phần mềm của đơn vị nào (VNPT hay Viettel) đều thống nhất yêu cầu: chỉ sử dụng một phần mềm tích hợp được các phần mềm còn lại; phải đáp ứng được chuẩn đầu ra của Bộ Y tế và được liên thông với nền tảng quản lý thông tin dưới cơ sở.