Theo lời kể của bệnh nhân, trước khi nhập viện 1 tháng, bà về quê Thái Bình chơi, trong một lần đi tập thể dục buổi sáng, bị xe chở hàng tông phải khiến bà đau thắt lưng đi lại khó khăn. Uống thuốc và tiêm ở một cơ sở y tế gần nhà mãi không khỏi nên bà nhập viện ở tuyến huyện. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán xẹp đốt sống, cho thuốc giảm đau 10 ngày nhưng bệnh nhân không đỡ và cho chuyển viện đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô.
Sau khi tiếp nhận, BS Nguyễn Hữu Thắng - Đơn vị điện quang can thiệp và điều trị đau đã khám lâm sàng thấy bệnh nhân đau nhiều vùng thắt lưng, đau tại chỗ, đau tăng lên khi trở mình hoặc thay đổi tư thế, hạn chế vận động và sinh hoạt khó khăn. Sau khi chỉ định Chụp X quang và cộng hưởng từ kết quả cho thấy, đốt sống thắt lưng L1 vỡ, xẹp 70-80% chiều cao.
Hình ảnh chụp cộng hưởng từ của bệnh nhân bị lún xẹp đốt sống. ( ảnh BSCC)
“Chụp X quang và cộng hưởng từ thấy vỡ, lún và đụng giập đốt sống thắt lưng L1, bắt đầu lồi tường sau L1 vào ống sống” BS Thắng nói.
Trước tình trạng trên, bác sĩ đã chỉ định bơm xi măng sinh học tạo hình đốt sống, việc làm này sẽ làm vững chắc đốt sống L1 để giảm đau cho bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh nhân tránh đước nguy cơ xẹp hoàn toàn đốt sống, gây gù gập cột sống hay nguy hiểm hơn là phần xương bị vỡ lồi vào ống sống (nơi chứa tủy sống) gây liệt. Nếu thành công, bệnh nhân sẽ tránh được cuộc phẫu thuật lớn với nguy cơ tai biến chảy máu, nhiễm khuẩn,...
Bệnh nhân lún xẹp đốt sống được các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô vừa can thiệp.
(ảnh BSCC)
BS. Thắng giải thích, vì bệnh nhân lún xẹp đốt sống nặng (chiều cao đốt sống chỉ còn khoảng 20-30% ban đầu) nên gần như chỉ có 1 đường vào duy nhất, và cần độ chính xác cao. Nếu không dùng phương pháp bơm xi măng tạo hình đốt sống sẽ không hiệu quả mà lại nhiều nguy cơ tai biến cho bệnh nhân.
Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của phương pháp bơm xi măng tạo hình đốt sống là xi măng tràn vào ống sống gây liệt. Nên việc chọc kim Troca phải cực kì chính xác cũng như việc bơm xi măng dưới màn tăng sáng phải hết sức tập trung, cẩn thận, để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân. BS Thắng cho biết thêm.
Sau thủ thuật bơm xi măng tạo hình đốt sống qua da (vertebroplasty), đốt sống L1 đã vững chắc, bệnh nhân đỡ đau đến 80-90%. Trên hết, bệnh nhân tránh được nguy cơ xẹp hoàn toàn đốt sống gây gù cột sống và chèn ép tủy gây liệt. Bệnh nhân cũng may mắn vì nếu để lui lại 2-3 hôm sau, sẽ có nguy cơ xẹp đốt sống thêm, không còn đường chọc kim Troca vào đốt sống. Khi đó bệnh nhân chỉ còn lựa chọn phẫu thuật. Hiện bệnh nhân đã khỏe mạnh và đi lại được.
Lún xẹp đốt sống hiện nay phương pháp ít xâm lấn và hiệu quả cao nhất vẫn là bơm xi măng. Tuy nhiên cần kinh nghiệm, và sự khéo tay của người bác sĩ
Trước đây khi chưa có phương pháp bơm xi măng, bệnh nhân cũng mổ bắt vít các xương với nhau nhưng hiệu quả tỏ ra không cao, nhất là ở bệnh nhân cao tuổi có loãng xương (xương mủn, vít xương không chắc).