Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa chính thức lên tiếng về vụ 600 bánh heroin “lọt” qua Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do nhân viên soi chiếu đã mắc lỗi đánh giá chủ quan, yếu về nghiệp vụ an ninh hàng không.
Trước đó, việc vận chuyển kiện hàng loa thùng 438 kg chứa 229 kg heroin bên trong được xác định thực hiện trên chuyến bay CI5886 SGN-TPE (xuất phát ban đầu từ sân bay Penang, Malayssia, quá cảnh sân bay Tân Sơn Nhất về sân bay Đào Viên, Đài Bắc - Đài Loan) của Hãng hàng không China Airlines (CI) - Đài Loan bị nhà chức trách Đài Loan bắt giữ tại sân bay Đào Viên ngày 17/11.
Mọi quy trình đều tốt (!?)
Theo Bộ GTVT, Công ty TNHH Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) phối hợp với Hãng hàng không CI thực hiện đầy đủ quy trình gửi hàng, xác định và kiểm tra quy cách đóng gói hàng nguy hiểm (hàng hóa chứa chất có thể gây mất an toàn cho chuyến bay; loa thùng là hàng có từ tính và theo phân loại của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế-IATA), lập đầy đủ tài liệu và chấp nhận vận chuyển theo quy định. Kiện hàng đã được thông quan hải quan để chuyển làm thủ tục soi chiếu an ninh hàng không
Về công tác bảo đảm an ninh hàng không, máy soi tia X hoạt động tốt, đảm bảo chức năng và chất lượng soi; đảm bảo nguyên tắc 100% hàng hóa phải qua máy soi. Kíp soi chiếu an ninh hàng không có đầy đủ thành phần, giấp phép nhân viên an ninh hàng không theo quy định (bao gồm kíp trưởng; 2 nhân viên an ninh tiếp nhận- kiểm tra giấy tờ, tài liệu kiện hàng, hướng dẫn đưa kiện hàng vào máy soi chiếu, niêm phong an ninh và kiểm tra trực quan khi được yêu cầu từ nhân viên trực tiếp soi chiếu; 1 nhân viên an ninh trực tiếp soi chiếu).
Trong kíp này, 2 nnhân viên tiếp nhận đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo quy định chuyến bay có hành trình xuất phát từ Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Penang - Malaysia, tạm dừng ở CHKQT Tân Sơn Nhất để chất xếp hàng hóa, trong đó có kiện hàng 297-24851606 rồi đi CHKQT Đào Viên - Đài Loan.
600 bánh heroin đã "lọt" qua Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất hôm 17/11.
Riêng nhân viên an ninh đã thực hiện việc soi chiếu qua máy soi, quá trình soi chiếu đã thực hiện các thao tác kỹ thuật được huấn luyện để thực hiện các chức năng phát hiện vũ khí, đạn dược, chất nổ và chất dễ cháy. Nhiệm vụ phát hiện các vật uy hiếp an toàn chuyến bay được hoàn thành. Tuy nhiên nhân viên này đã không thực hiện việc kiểm tra trực quan mặc dù đã thấy sự bất thường là có đồ vật khác chèn chặt trong loa thùng, không nhận biết được là vật gì và không thông báo cho kíp trưởng.
“Nhân viên soi chiếu đã mắc lỗi đánh giá chủ quan, yếu về nghiệp vụ an ninh hàng không khi cho rằng đấy là những vật thông thường như giấy báo, cát tông được chèn để giữ các cấu kiện trong loa nên không tiến hành kiểm tra trực quan.” - Bộ GTVT cho hay.
Phía Cục Hàng không Việt Nam cho biết, công tác phối hợp về phòng chống ma túy tại địa bàn Cảng hàng không quốc tế của ngành hàng không đầy đủ. Tuy nhiên công tác huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên an ninh hàng không về phòng chống ma túy chưa được thực hiện. Đây là thiếu sót của ngành Hàng không và cơ quan chức năng về phòng chống ma túy (Công an, Hải quan).
Từ năm 2002, Cục Hàng không Việt Nam và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy - Bộ Công an đã ký kết Quy chế phối hợp giữa để phối hợp trong công tác đấu tranh với tội phạm ma tuý trong hoạt động hàng không dân dụng.
Các đơn vị quản lý nhà nước và khai thác dịch vụ tại các cảng hàng không sân bay quốc tế đều có những văn bản phối hợp nhằm phối hợp trong công tác đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của tội phạm vận chuyển ma túy qua đường hàng không.
Theo Cục này, thực tế ngành hàng không đã thực hiện tốt các công việc: nhận thức về nhiệm vụ phối hợp của ngành trong việc phòng, chống các tội phạm về ma túy; phối hợp với cơ quan chức năng về phòng chống ma túy để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về công tác phòng, chống ma túy; tạo điều kiện để các cơ quan chức năng nhà nước về phòng, chống ma túy thực hiện các công tác nghiệp vụ chuyên ngành tại địa bàn cảng hàng không, sân bay; thực hiện tốt mọi yêu cầu của cơ quan chức năng về phòng chống ma túy.
Lỗi nặng, xử lý nhẹ?
Do không được nhân viên soi chiếu báo cáo nên trường hợp này kíp trưởng không có lỗi trong việc cho kiện hàng thông qua máy soi và dán tem niêm phong an ninh hàng không. Tuy nhiên kíp trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm với tư cách là người chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành và giám sát toàn bộ công việc tại điểm kiểm tra theo quy định.
Việc xử lý trách nhiệm và biện pháp khắc phục về sự việc này, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị và cá nhân liên quan hợp tác đầy đủ với cơ quan chức năng trong việc điều tra vụ việc. Trước mắt, kiểm điểm và tiếp tục đình chỉ năng định soi chiếu an ninh hàng không của nhân viên trực tiếp soi chiếu; phê bình, rút kinh nghiệm đối với kíp trưởng.
Phía Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cần rút kinh nghiệm; rà soát việc thực hiện quy chế phối hợp về phòng chống ma túy; chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an để triển khai việc huấn luyện nghiệp vụ về phòng chống vận chuyển ma túy qua đường hàng không cho nhân viên an ninh hàng không.
Bộ GTVT yêu cầu tiếp tục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ của ngành hàng không trong việc phòng chống vận chuyển ma túy qua đường hàng không và các loại tội phạm an ninh quốc gia khác; huy động nguồn lực của ngành (con người, phương tiện) trong việc phối hợp phát hiện kịp thời các hoạt động tội phạm tại địa bàn cảng hàng không, sân bay.
Cùng với đó, Bộ nhấn mạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính yếu về bảo đảm an ninh hàng không; rà soát các quy định về bảo đảm an ninh hàng không để bổ sung, sửa đổi, hướng dẫn cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp phòng chống ma túy.
Theo Dân trí