Chi hội Miễn dịch trị liệu ung thư các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ ra mắt và tổ chức hội nghị khoa học đầu tiên

13-04-2025 19:09 | Tin nóng y tế

SKĐS - Nhiều năm gần đây, liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư đang được nhiều bệnh viện lớn ở Việt Nam ứng dụng, mang lại hy vọng mới cho những ai đang phải đối mặt với căn bệnh này.

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư còn gọi là liệu pháp sinh học. Phương pháp này nhằm điều trị ung thư bằng cách kích thích và hoạt hóa hệ thống miễn dịch.

Trong 2 ngày 11 và 12/4/2025, tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp đã diễn ra Hội nghị Khoa học thường niên lần thứ nhất của Chi hội Miễn dịch trị liệu ung thư các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ do Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp và Hội Miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam phối hợp tổ chức.

Sự kiện thu hút sự đông đảo các chuyên gia đầu ngành, giới chuyên môn, các cơ sở y tế, cũng như các tổ chức nghiên cứu và đào tạo y khoa trong và ngoài nước.

Chi hội Miễn dịch trị liệu ung thư các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ ra mắt và tổ chức hội nghị khoa học đầu tiên- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế, Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội nghị.

Dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh vai trò của miễn dịch trị liệu trong chiến lược nâng cao chất lượng điều trị ung thư, đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc tăng cường đào tạo và hợp tác chuyên môn.

Chi hội Miễn dịch trị liệu ung thư các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ ra mắt và tổ chức hội nghị khoa học đầu tiên- Ảnh 2.

GS.TS.VS Phạm Văn Thức – Chủ tịch Hội Miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa học thuật với sự phát triển của lĩnh vực miễn dịch trị liệu ung thư.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những năm gần đây, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư có chiều hướng gia tăng bởi các yếu tố như lão hóa dân số, biến đổi khí hậu, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh và sự tiếp xúc với hóa chất, phóng xạ. Dù các phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị vẫn được sử dụng, song miễn dịch trị liệu được coi như một cuộc cách mạng mới trong điều trị ung thư và hiện có nhiều bệnh viện lớn ứng dụng phương pháp này để điều trị cho bệnh nhân ung thư.

Nói cách khác, đây là một biện pháp điều trị nhằm củng cố khả năng phòng vệ của cơ thể chống lại sự phát triển của tế bào ung thư. Thông qua việc sử dụng các tế bào từ cơ thể hoặc từ môi trường phòng thí nghiệm, liệu pháp miễn dịch nhằm cải thiện hoặc khôi phục chức năng của hệ thống miễn dịch.

Cụ thể, liệu pháp miễn dịch có thể giúp ngăn chặn hoặc giảm tốc độ phát triển của vi khuẩn, ký sinh trùng và tế bào ung thư. Ngăn chặn sự lan rộng của tế bào ung thư sang các cơ quan khác trong cơ thể. Tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch, từ đó giúp tiêu diệt tế bào ung thư một cách hiệu quả hơn.

Tại hội nghị, các chuyên gia đã trình bày và thảo luận tập trung vào những tiến bộ nổi bật trong lĩnh vực miễn dịch trị liệu ung thư như Ứng dụng mô hình đa chuyên khoa trong điều trị ung thư vú thể tam âm trong kỷ nguyên miễn dịch liệu pháp của Các chiến lược dự phòng và điều trị ung thư; Cập nhật tiến bộ trong miễn dịch trị liệu ung thư; Ứng dụng sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị ung thư; Vai trò của liệu pháp vaccine trong điều trị ung thư.

Chi hội Miễn dịch trị liệu ung thư các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ ra mắt và tổ chức hội nghị khoa học đầu tiên- Ảnh 3.

Hội nghị đã thu hút hơn trăm đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về y tế trong và ngoài nước tới dự.

Đến từ Trung tâm Vú Solis - Singapore, TS.BS Tan Yah Yuen trình bày vấn đề tiếp cận đa chuyên khoa trong quản lý điều trị ung thư vú tam âm giai đoạn sớm trong kỷ nguyên miễn dịch liệu pháp.

Cũng tại hội nghị, TS. BS Phạm Tuấn Anh - Trưởng khoa Nội yêu cầu Bệnh viện K cũng đã đề cập miễn dịch liệu pháp điều trị ung thư vú tam âm giai đoạn sớm và thay đổi mô hình quản lý. Với liệu pháp này, thường được chỉ định cho người bệnh ung thư vú bộ ba âm tính (thể tam âm) giai đoạn tiến triển tại chỗ nhưng không thể phẫu thuật hoặc giai đoạn di căn.

Qua 2 ngày diễn ra sự kiện, hội nghị đã quy tụ nhiều báo cáo khoa học có chất lượng cao từ các chuyên gia, nhà khoa học... trong nước và quốc tế như: Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Học viện Quân y, Đại học Y Quốc gia, Đại học Y Dược Hải Phòng, Trung tâm Vú Solis – Singapore, Chi hội Vaccine miễn dịch trị liệu ung thư, Đại học Kanazawa (Nhật Bản), Hội Y học Biển Việt Nam, Hội Ung thư Việt Nam. Các báo cáo đưa ra những phân tích, nghiên cứu bài bản, chuyên sâu có tính ứng dụng thực tiễn lâm sàng rõ nét.

Trong khuôn khổ sự kiện, hội nghị cũng đã công bố Quyết định thành lập và ra mắt Chi hội Miễn dịch trị liệu ung thư các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này tại khu vực.

Chi hội Miễn dịch trị liệu ung thư các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ ra mắt và tổ chức hội nghị khoa học đầu tiên- Ảnh 4.

Chi hội Miễn dịch trị liệu ung thư các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ ra mắt sau khi công bố Quyết định thành lập.

Ai có thể sử dụng phương pháp miễn dịch trị liệu ung thư?Ai có thể sử dụng phương pháp miễn dịch trị liệu ung thư?

SKĐS - Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc cũng như tử vong do ung thư tại Việt Nam và trên thế giới có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên Việt Nam cũng đã cập nhật và ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị ung thư ngang tầm nhiều nước trên thế giới.

Mời quý vị xem thêm video dưới đây:

Bác Sĩ Chỉ Ra Các Dấu Hiệu Của Ung Thư Tinh Hoàn | SKĐS




Minh Lý
Ý kiến của bạn