Hà Nội

Chị điều dưỡng tình nguyện “làm dâu trăm họ”

13-10-2016 11:59 | Y tế
google news

SKĐS - Chị Hương là người yêu nghề, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, luôn vui vẻ, tận tình với người bệnh, được bệnh nhân tin yêu, đồng nghiệp kính trọng...

“Chị Hương là người yêu nghề, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, luôn vui vẻ,  tận tình với người bệnh, được bệnh nhân tin yêu, đồng nghiệp kính trọng...”, đó là lời nhận xét của BS. Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc BVĐK Khu vực Cam Ranh, Khánh Hòa về chị Võ Thị Thùy Hương, Điều dưỡng Trưởng khoa Khám bệnh của bệnh viện.

Làm đến hết việc...

Chúng tôi tranh thủ gặp chị Hương sau giờ nghỉ trưa, bởi công việc của một điều dưỡng trưởng ở khoa khám bệnh khá bận rộn, hàng ngày khoa phải tiếp đón khoảng 500 bệnh nhân, có những hôm đông, số lượng bệnh nhân tăng đến 600 người. Trong khi đó, nhân lực của khoa vẫn còn thiếu nên chị Hương lại càng bận rộn hơn vì chị kiêm luôn cả công việc hành chính của khoa.

Điều dưỡng Võ Thị Thùy Hương.

Chị Hương tâm sự, chị sinh ra đã không được nhìn thấy mặt cha, vì khi 1 tuổi cha chị qua đời, mẹ chị ở vậy nuôi chị khôn lớn. Hai mẹ con rau cháo nuôi nhau qua ngày. Học hết cấp 3, chị thi đậu Trường trung cấp Y tế Phú Khánh, ra trường được phân công về Bệnh viện Cam Ranh và gắn bó từ ngày ấy đến nay đã gần 30 năm. Công việc của một điều dưỡng đã cho chị rất nhiều niềm vui trong những bộn bề lo toan cuộc sống. Chị kết hôn năm 1995, nhưng vì anh là bộ đội thường xuyên xa nhà, một mình chị lo toan chăm sóc hai con nhỏ, ông bà nội ở ngoài Bắc nên cũng không đỡ đần được gì. Toàn bộ công việc nhà, chăm nom con cái đều một tay chị quán xuyến. Ấy thế mà, chẳng khi nào chị đi làm trễ. Có những đêm phải trực, chồng không có nhà, chị thường xuyên phải gửi con ở nhà trẻ đến 22h đêm rồi nhờ đồng nghiệp đón hộ con. Kể về những ngày gian khó ấy chị cũng không ngờ là mình có đủ sức mạnh để vượt qua.

Gần 30 năm gắn bó với người bệnh, trưởng thành từ cán bộ điều dưỡng rồi giờ đây là điều dưỡng trưởng của khoa nhưng với chị Hương “dù làm bất kỳ công việc nào, từ tắm cho người bệnh hay dọn ga giường dính bẩn chúng tôi không nề hà...”. Lặng thầm cống hiến, miệt mài làm việc quên cả thời gian. Với chị, làm thì phải làm cho hết việc chứ không chỉ làm cho hết giờ. Với công việc điều dưỡng, nhiều khi làm hoài không hết nên không ít lần chị ước ao thời gian kéo dài thêm.

Một ngày của chị Hương thường bắt đầu từ lúc 5h30 sáng và kết thúc vào lúc 21h đêm. Sau khi chuẩn bị bữa ăn sáng cho gia đình, chị lại tất bật thu xếp để đến cơ quan trước 6h30. Công việc chính của chị là phải quán xuyến việc chăm sóc bệnh nhân của khoa để họ yên tâm, thoải mái điều trị. Bệnh nhân thì đông, cán bộ lại ít nên công việc của các chị nhiều hơn bình thường. Là điều dưỡng trưởng, chị luôn dặn mình phải gương mẫu đi đầu, luôn nhận phần việc nhiều hơn mọi người. Người ta luôn thấy chị tất bật với công việc. Nay ở phòng điều trị, lúc lại ngồi ở phòng họp của khoa để làm công việc hành chính, rồi người nhà lại vào đề nghị giúp đỡ bệnh nhân khi họ cần. Miệng nói tay làm, ít khi thấy chị đứng yên một chỗ. Có lẽ cuộc sống khó khăn đã rèn cho chị đức tính chịu thương chịu khó, hay lam hay làm và thương người. Nhiều bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân không có người nhà chăm sóc thường xuyên, chuyện vệ sinh bừa bãi xảy ra như cơm bữa. Những lúc như vậy, chị lại nhanh nhẹn lau dọn, nhẹ nhàng dặn dò, nhắc nhở bệnh nhân chứ không hề la mắng hay mặt nặng mày nhẹ. Theo chị, người ta ai cũng có lúc gặp phải hoạn nạn ốm đau, hoàn cảnh mỗi người lại mỗi khác, nếu không thấu hiểu và thông cảm thì sẽ khó mà chăm sóc được người bệnh chu đáo.

Nghề nguy hiểm!

Nghề nào cũng có những rủi ro riêng biệt, nhưng có lẽ, nghề điều dưỡng là nghề nhiều nguy hiểm rình rập nhất. Họ luôn phải đối mặt với những mũi tiêm hàng ngày, các vật sắc nhọn, môi trường thì sặc sụa mùi thuốc, nhiều nguồn bệnh rải rác xung quanh. Chị Hương lại bình thản bảo, công việc của mình thường như mọi nghề khác. Đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân tâm thần, nhiễm HIV còn khó khăn hơn nhiều.

Vất vả là thế, rủi ro là vậy, nhưng chưa ai kêu ca một lời, phần vì nghiệp mưu sinh, phần vì cái tâm muốn cống hiến cho đời, muốn góp một phần nhỏ bé vào việc đẩy lùi bệnh tật mà những người điều dưỡng vẫn gồng mình lên chiến đấu. Họ không phải người chiến binh, nhưng họ cũng như những người lính trong thời hiện đại vậy. Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, có nhiều mối quan hệ nảy sinh thân thiết giữa điều dưỡng viên và người bệnh. Đôi khi tình cảm đó trở nên gần gũi, thắm thiết như người thân. Để rồi khi tình trạng sức khỏe của những bệnh nhân này yếu đi thì người điều dưỡng chỉ biết ngậm ngùi, có khi còn cảm thấy oán trách bản thân vì không thể giúp gì cho họ. Chính vì thế tiễn được bệnh nhân ra viện khỏe mạnh chúng tôi ước ao thời gian sẽ dài mãi, còn trước những nỗi đau mất mát, thời gian ơi hãy xoa dịu nỗi đau.

Điều dưỡng Võ Thị Thùy Hương luôn tận tụy với công việc.

Lau mồ hôi, nở nụ cười

Khó khăn tuy nhiều nhưng với nghề điều dưỡng, nếu hỏi chị Hương và những đồng nghiệp có muốn bỏ nghề không thì câu trả lời nhận được chắc chắn là không. Hoặc có bỏ rồi cũng sẽ quay lại. Bởi tình yêu nghề, yêu công việc chăm sóc sức khỏe cho người khác đã ngấm vào máu của họ rồi.

Hiện nay, hai con chị Hương đang học đại học xa nhà, nhưng mẹ chị lại bị tai biến phải nằm một chỗ. Chị vừa phải lo chăm mẹ vừa lo hoàn thành tốt công việc tại phòng khám mỗi ngày.

Có thể những hy sinh đóng góp của chị chưa phải là nhiều, nhưng với tinh thần luôn vì người bệnh cộng với sự ân cần của chị khi chăm sóc bệnh nhân trong suốt gần 30 năm qua đã khiến chị trở thành một cô điều dưỡng để lại ấn tượng không thể quên trong những người bệnh đã từng điều trị tại BV.

Bà Nguyễn Thị Hiền, ở phường Cam Lộc, TP. Cam Ranh cho biết, cháu bà bị sốt xuất huyết nhưng tự điều trị ở nhà nên bệnh trở nặng, khi vào bệnh viện được điều dưỡng Hương chăm sóc tận tình bất kể ngày đêm. Ngoài ra, điều dưỡng Hương còn thường xuyên chia sẻ, tâm sự với người nhà để giúp chúng tôi an tâm điều trị, chị Hương như người thân trong gia đình tôi vậy. Bây giờ cháu đã lớn, chúng tôi vẫn luôn nhắc nhở cháu nhớ về bác Hương.

Những ai đã từng nuôi người thân nằm điều trị tại bệnh viện mới thấu hiểu hết nỗi vất vả, nhọc nhằn của người điều dưỡng. Đêm đêm, khi mọi người yên giấc, thì điều dưỡng vẫn phải thức để canh từng giấc ngủ cho bệnh nhân và thực hiện các công việc chuyên môn của mình. Có những ca trực tại phòng cấp cứu hoặc phòng mổ, điều dưỡng phải thức và cấp cứu bệnh nhân suốt đêm, hết ca trực thì sinh lực của họ cũng gần như cạn kiệt, mắt mờ, tay mỏi, chân run. Bù lại, họ có được niềm vui là đã góp phần cứu sống bệnh nhân (đôi lúc cũng không tránh khỏi thất vọng, vì bệnh trạng quá nặng bệnh nhân đã không qua khỏi). Cứ như thế, ngày qua ngày, người điều dưỡng đã lặng lẽ âm thầm làm việc vất vả để giành giật sự sống cho con người, mà không phải ai cũng thấu hiểu, cũng sẻ chia.

Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, nhìn thấy bệnh nhân đau đớn, chị rất thương và luôn nghĩ làm thế nào đó để không chỉ giúp bệnh nhân nguôi ngoai về nỗi đau thể xác mà còn phải động viên tinh thần của họ. Vì thế, chị luôn gần gũi và chia sẻ với người bệnh giúp họ vui vẻ hơn trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Từ khi còn làm ở Khoa Nội cho đến làm ở Khoa Nhi, chị vẫn luôn được người bệnh nhớ và nhắc đến tên mỗi khi vào viện. Thậm chí, có những bệnh nhi khi vào viện “mười phần chết chín” vì mắc sốt xuất huyết lại tự điều trị tại nhà, nhưng nhờ có bàn tay chăm sóc của chị các bé đã khỏe và ra viện. Có những bệnh nhi khi vào viện mới đỏ hỏn, bây giờ có cháu lấy chồng, có cháu lấy vợ, mỗi khi gặp chị ở ngoài đường người  thân của họ lại nhắc nhở cho những chàng trai cô gái ấy biết là nhờ có chị nên mới có ngày nay. Khi ấy, chị vui lắm và lại thấy yêu nghề của mình vô cùng.

Chị Hương bảo, trong cuộc sống cũng như công việc không thể tránh khỏi những lúc không hiểu nhau, có những bệnh nhân khi vào khám ai cũng muốn khám nhanh, được khám trước nên chen lấn, thậm chí có những lời qua tiếng lại, nhưng chị đều nhẹ nhàng, nhẫn nhịn và xử trí thành công. Những đồng nghiệp thân thiết của chị đều rất khâm phục chị về sự bình tĩnh trong ứng xử với bệnh nhân. Chị bảo, tự bản thân mình luôn phải rèn luyện sự bình tĩnh để giải quyết mọi công việc, đặc biệt đối với những nơi nhạy cảm như trong bệnh viện. Tâm lý người bệnh ai cũng muốn được khám nhanh, ngay và luôn, vì thế nếu không biết cách phân loại, hướng dẫn sẽ dẫn đến rất nhiều mâu thuẫn, xung đột. Vì vậy, chị đã hướng dẫn các điều dưỡng trong khoa biết cách đánh giá, phân loại bệnh, phân loại các đối tượng ưu tiên để phát số cho ai khám trước, rồi sau đó lại phải giải thích với những bệnh nhân khác tại sao lại có sự ưu tiên đấy. Khi được giải thích cặn kẽ, các bệnh nhân hiểu thì tránh được nhiều xung đột không đáng có.

Gần 30 năm gắn bó với bệnh viện, chứng kiến những bệnh nhân vui vẻ được ra viện, nhưng cũng không ít lần chị và các đồng nghiệp lặng lẽ gạt những dòng nước mắt chứng kiến cảnh bệnh nhân bị trả về.

Giọng buồn buồn chị kể, có những bệnh nhân người dân tộc Đăk Lây khi xuống viện tiền ăn chẳng có, bệnh viện chỉ hỗ trợ cho bệnh nhân, còn người nhà không có suất ăn miễn phí, họ cứ nằng nặc đòi đưa con về nhà vì không có tiền chữa trị. Chị đã động viên họ ở lại và đã không ít lần đề xuất với lãnh đạo bệnh viện cung cấp thêm phần suất ăn cho người nhà để họ ở lại yên tâm điều trị. Đồng thời, chị cùng các đồng nghiệp trong khoa đóng góp những ngày công ít ỏi của mình để hỗ trợ các bệnh nhân.

Chị bảo, nghề y đã cho chị nhiều thứ, đó không chỉ là tình cảm chân thành giữa những con người với nhau mà còn là niềm vui, niềm hạnh phúc khi được chăm sóc cho người khác. Nói thì có vẻ dễ nhưng đó là sự thật. Bởi, chị không được như mọi người không có anh chị em ruột, quê chồng thì ở quá xa, cho nên mỗi ngày đến viện gặp bệnh nhân chăm sóc và chỉ bảo bệnh nhân hay hướng dẫn các đồng nghiệp trẻ chị như thấy mình có thêm những người anh, người chị, người em gần gũi thân thương.

Bằng thái độ làm việc nghiêm túc và tích cực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chị đã được nhận nhiều bằng khen của các cấp, các ngành của tỉnh Khánh Hòa, là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Chị còn được nhận Bằng khen của Công đoàn Y tế Việt Nam, Công đoàn ngành y tế Khánh Hòa về thành tích xuất sắc trong công tác công đoàn, Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân của Bộ trưởng Bộ Y tế,  5 năm liền đạt phụ nữ hai giỏi, là Ủy viên BCH Công đoàn cơ sở và lá cờ đầu gương mẫu trong mọi hoạt động phong trào của đơn vị.


Hùng Khanh
Ý kiến của bạn