BSCKII. Phạm Ngọc Quy.
Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP; Hoạt động giám sát phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm được triển khai thường xuyên, phát hiện kịp thời các loại thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm để kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng; giám sát bảo đảm ATTP tại 30 điểm cách ly phòng chống COVID-19 và các hội nghị, sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh như: Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX... đảm bảo tốt về chất lượng, ATTP; Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm ATTP; cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong công tác thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động ATTP được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn được chú trọng như: Xây dựng 8 mô hình điển hình tiên tiến về ATTP và nhân rộng 75 mô hình điểm bếp ăn tập thể, nhà hàng trong khách sạn đủ điều kiện ATTP (trong đó có 8 mô hình tuyến tỉnh và 67 mô hình thuộc tuyến huyện quản lý): Mô hình giám sát đảm bảo ATTP bữa cỗ tập trung đông người tổ chức tại cộng đồng tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh; Xây dựng 4 tuyến phố/tuyến đường có kiểm soát về ATTP tại TP. Vinh và thị xã Cửa Lò.
Tình hình ngộ độc thực phẩm tại tỉnh Nghệ An giảm cả về số vụ, số người mắc so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2020 ghi nhận 3 vụ với 17 người mắc, không có trường hợp tử vong và không có vụ ngộ độc thực phẩm có từ 30 người mắc trở lên.Tỷ lệ mắc trên 100.000 dân là 0,515/100.000 dân đạt so với chỉ tiêu đề ra đầu năm 2020 là dưới 6/100.000 dân.
Nhờ cách làm hay, phù hợp với điều kiện thực tiễn nên thời gian qua, công tác quản lý ATTP tại Nghệ An đã đi vào chiều sâu, phân công, phân cấp cụ thể, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP, góp phần đảm bảo ATTP, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Nghệ An.