(SKDS) - Trên trang 3, các số báo ra ngày 19/4, 26/4, báo SK&ĐS đã có nhiều bài viết phản ánh về tình trạng mất ATVSTP nghiêm trọng của các lò mổ gia súc thủ công trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, vấn đề này lại một lần nữa trở nên “nóng” hơn ở diễn đàn hội nghị quản lý giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) khu vực phía Bắc do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức tại Hà Nội.
Lò mổ hiện đại vắng, lò mổ thủ công đông
Theo ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, cả nước hiện đang có 28.285 điểm giết mổ nhỏ lẻ, trong đó riêng 12 tỉnh trọng điểm phía Bắc có 11.485 điểm giết mổ. Nhưng cơ quan quản lý mới chỉ thực hiện kiểm soát giết mổ được 929 cơ sở, còn lại 10.556 cơ sở, điểm giết mổ không được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát giết mổ. Đây chính là nguồn nguy cơ lớn gây lây lan dịch bệnh trên động vật và mất ATVSTP.
Dẫn chứng thực tế kiểm tra của Bộ NN&PTNT tại Hà Nội cho thấy, nhiều dây chuyền giết mổ hiện đại mới đầu tư hàng trăm tỉ đồng hiện đều “đắp chiếu”, người tiêu dùng vẫn thường phải sử dụng thịt GSGC không rõ nguồn gốc và không đảm bảo ATVSTP. Trong đó, có 3 cơ sở giết mổ heo với dây chuyền giết mổ công nghiệp công suất từ 400-1.000 con/ngày nhưng chỉ hoạt động cầm chừng 20-30 con/ngày. Phương pháp vận chuyển chủ yếu là xe máy, không được bao gói, không đảm bảo ATVSTP.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cùng một hệ thống văn bản pháp lý, chính sách nhưng việc kiểm soát các cơ sở giết mổ tại phía Nam được thực hiện tốt với hơn 88% các cơ sở được quản lý đảm bảo ATVSTP, nhưng con số này ở miền Bắc rất thấp, mới đạt khoảng 8%. So với khu vực phía Nam, các tỉnh miền Bắc còn khá lỏng lẻo trong việc kiểm soát giết mổ, vận chuyển GSGC.
Giết mổ GSGC thủ công sẽ không đảm bảo ATVSTP. Ảnh: Đức Anh |
Chính quyền địa phương còn thiếu quyết liệt
Ông Phạm Văn Đông cho biết, từ năm 2004 đến nay đã có nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành về quy hoạch giết mổ GSGC tập trung nhưng đến nay hầu hết các tỉnh phía Bắc đều chưa thực hiện được. Trong số 12 địa phương trọng điểm khu vực phía Bắc, mới chỉ có 5 tỉnh phê duyệt đề án tổng thể quy hoạch cơ sở giết mổ GSGC. Tại một số địa phương, các doanh nghiệp tư nhân đã xây dựng cơ sở giết mổ tập trung nhưng đến nay các cơ sở chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng không xây dựng và duy trì được cơ sở giết mổ GSGC tập trung, theo ông Đông, là do thiếu sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương. Đặc biệt vẫn chưa xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, tiêu thụ GSGC chưa qua kiểm dịch và chưa xử lý được các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, qua kiểm tra trực tiếp tại một số tỉnh phía Bắc về ATVSTP, dịch bệnh, đã phát hiện nhiều hạn chế trong giết mổ GSGC. Các tỉnh miền Bắc vẫn chưa thực hiện nghiêm túc Thông tư 14 của Bộ về quy trình giết mổ, quản lý dịch bệnh. Do đó Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố trong thời gian tới, trên cơ sở thống kê các điểm giết mổ và nhu cầu của từng địa phương, Bộ sẽ chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ GSGC tập trung thực hiện trước 31/12/2012.
Lộ trình của cơ quan quản lý đưa ra cụ thể như vậy, tuy nhiên trên thực tế việc kiểm soát giết mổ GSGC có thực hiện được hay không lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, tiên quyết vẫn là sự quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp, bởi theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội dẫn chứng, đợt dịch tai xanh vừa qua tại Ba Vì, Chi cục Thú y thành phố vào cuộc tích cực, nhưng chính quyền địa phương lại lơ là và phải đến khi hỗ trợ tiền cho các xã mới dập được dịch.
Nguyễn Trần