Các nghiên cứu cho thấy, từ lúc cơn đau ngực xuất hiện đến khi được can thiệp nong, thông động mạch trong vòng 2 tiếng đồng hồ là thời gian lý tưởng nhất, tuy nhiên rất khó thực hiện “khung giờ vàng” này trong điều kiện ở Việt Nam, vì vậy trong vòng 6 giờ đầu nếu được can thiệp kịp thời cũng mang lại tỷ lệ sống cao nhất
Thống kê tại Viện Tim mạch quốc gia cho thấy, chỉ có gần 2% bệnh nhân đến sớm trong khoảng “thời gian vàng” 2 giờ đầu. Số bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến bệnh viện trước 12 giờ đồng hồ kể từ khi có cơn đau thắt ngực chỉ chiếm khoảng 40%. 60% còn lại là muộn nên nhiều trường hợp không cứu được hoặc có sống cũng dễ bị biến chứng suy tim, rối loạn nhịp và chất lượng cuộc sống giảm sút.
Hội nghị khoa học tim mạch toàn quốc lần này với chủ đề “Tiếp cận mới trong cấp cứu tim mạch” cập nhật những tiến bộ mới nhất về hội chứng động mạch vành cấp, thuyên tắc động mạch phổi cấp, hội chứng động mạch phù cấp, cập nhật xử trí ngừng tuần hoàn, suy tim cấp, đột quỵ cấp và tăng huyết áp. Ngoài ra còn có các chuyên đề về cấp cứu tim mạch chu phẫu, cấp cứu tim mạch ở trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai và bệnh nhân tim mạch bị xuất huyết đường tiêu hóa… cùng các chuyên đề về chẩn đoán, xử trí các tình huống khác nhau; xen kẽ với các khóa đào tạo liên tục về cấp cứu dành cho bác sĩ và điều dưỡng.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, còn diễn ra nhiều hoạt động của Quỹ Vì sức khỏe Tim mạch Việt Nam với mục đích tư vấn và tuyên truyền nhằm giúp cho người dân có thêm kiến thức, hiểu biết để phòng chống bệnh lý tim mạch. Tổ chức chương trình đi bộ với chủ đề “Mỗi phút giây cho một trái tim khỏe” kết hợp tư vấn sức khỏe tim mạch thu hút hơn 1000 người tham gia tại Quảng trường Trung tâm Hội nghị tỉnh Ninh Bình. Tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, phát thuốc và quà miễn phí cho 500 người dân có hoàn cảnh khó khăn tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Cùng xem những hình ảnh của chương trình đi bộ "Mỗi phút giây cho một trái tim khỏe":
Bài và ảnh: Mai Linh