Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, các đơn vị, nhà trường bố trí cho học sinh học giãn cách tại trường kết hợp với học trực tuyến. Theo đó, 50% số lớp 12 học tại trường vào thứ 2-4-6; 50% số lớp còn lại học tại trường vào thứ 3-5-7. Các ngày còn lại, học sinh học trực tuyến.
Ghi nhận của PV tại một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội, tỷ lệ học sinh đến trường học trực tiếp chưa cao do nhiều nguyên nhân như: tình hình dịch trên địa bàn đang căng thẳng; nhiều em thuộc diện F1, F2, gia đình nằm trong khu phong tỏa hoặc phụ huynh lo ngại và chọn hình thức học online cho con em để đảm bảo an toàn.
Tại quận Thanh Xuân, phần lớn các trường THPT trên địa bàn đều xin lùi lịch học trực tiếp sau ngày 10/12, tức là sau khi học sinh đã hoàn thành mũi 2 tiêm vaccine phòng COVID-19. Có trường tiến hành khảo sát ý kiến phụ huynh, trong đó có nơi chỉ có 26% phụ huynh đồng ý cho con tới trường, có nơi tỉ lệ này chỉ đạt 17%. Đến thời điểm này vẫn còn nhiều trường ngoài công lập chưa mở cổng trường đón học sinh.
Hôm nay, sau 4 ngày học sinh lớp 12 đi học trực tiếp trở lại, Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chỉ có 1 học sinh đi học trực tiếp. Ngày đầu tiên mở cửa trường học trở lại (6/12), toàn trường có 33 học sinh đi học trực tiếp. Ngày đi học thứ 2 có 9 học sinh đi học trực tiếp. Đến hôm nay (tức 4 ngày sau khi mở cửa trường học), chỉ có 1 học sinh đến trường học trực tiếp.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông Vũ Thị Hậu, có nhiều yếu tố khách quan tác động, dù trường nằm ở địa bàn phường cấp độ 2 về dịch bệnh nhưng nhiều học sinh lại cư trú ở khu vực lân cận đang được xem là những ổ dịch lớn nhất của TP. Nhà trường có tới 10 học sinh là F0, hàng trăm em là F1, F2… Đó là những lý do khách quan khiến số học sinh vắng mặt nhiều.
Về việc học sinh đến trường học còn ít, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc này cũng dễ hiểu bởi hiện nay một số bộ phận phụ huynh học sinh còn tâm lý e ngại nên không dám cho con trở lại trường.
Theo ông Tiến, Sở đánh giá rất cao các trường dù có rất ít học sinh đi học nhưng vẫn tổ chức dạy học trực tiếp và linh hoạt các hình thức để đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh trong bối cảnh dịch bệnh.
Với những trường hiện dựa trên ý kiến của phụ huynh chưa tổ chức dạy học trực tiếp, ông Tiến cho rằng tại cuộc họp với lãnh đạo các trường THPT mới đây, Sở GD&ĐT đã quán triệt chỉ đạo hiệu trưởng các trường phải có trách nhiệm, một mặt cần tăng cường công tác tuyên truyền tới phụ huynh học sinh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của nhà trường để giúp phụ huynh yên tâm. Mặt khác phải giúp gia đình và học sinh hiểu giá trị của việc các em đi học trực tiếp.
Khi UBND TP đã quyết định cho học sinh đi học trực tiếp thì các cơ sở giáo dục cần thực hiện nghiêm túc và đáp ứng nhu cầu được đến trường của học sinh. Có những phụ huynh mong muốn chưa cho con đến trường nhưng cũng có nhiều người muốn con được đi học, vì vậy các trường cần linh hoạt trong phương thức dạy học để đạt hiệu quả cao nhất.
"Học sinh đến trường học tập sẽ đạt hiệu quả cao cũng như công tác phòng dịch nghiêm túc của các nhà trường sẽ lan tỏa và giúp thay đổi quan điểm đối với những phụ huynh và học sinh còn e ngại học trực tiếp", ông Tiến cho biết.
Đến nay, toàn TP.Hà Nội có 64.000 học sinh khối 9 và khối 12 đang học trực tiếp. Một số trường duy trì song song 2 phương thức dạy học đảm bảo thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, nhà trường chú trọng tinh giản chương trình, tập trung vào nội dung cốt lõi đồng thời chủ động rà soát kết quả học trực tuyến và bổ sung kiến thức cần thiết, tránh gây áp lực, quá tải với học sinh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
6 biện pháp đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19