Chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

06-01-2015 21:04 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi 2014 đã cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và dự kiến có thể đưa vào áp dụng từ năm 2015.

Ba BV phụ sản ở 3 miền Bắc - Trung - Nam được phép hỗ trợ các gia đình cần mang thai hộ.

Kiểm soát chặt việc mang thai hộ để tránh tình trạng thương mại...

Theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi 2014 đã cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và dự kiến có thể đưa vào áp dụng từ năm 2015. Các chuyên gia về sản khoa cho rằng việc cho phép mang thai hộ sẽ mở ra cánh cửa hy vọng cho những trường hợp hiếm muộn đặc biệt ở Việt Nam, tuy nhiên việc mang thai hộ cũng được kiểm soát chặt để tránh xảy ra tình trạng thương mại hóa quy định nhân văn này...

Việc mang thai hộ dự kiến có thể đưa vào áp dụng từ năm 2015, sẽ mở ra cánh cửa hy vọng cho các gia đình hiếm muộn. (Ảnh minh hoạ). Ảnh: T.M

Thêm hy vọng cho những gia đình hiếm muộn,...

Theo quy định, có 3 trường hợp được nhờ người mang thai hộ, đó là những người bị dị tật bẩm sinh không có tử cung, những người phải cắt tử cung vì tai biến sản khoa và những người mắc các bệnh lý nội khoa được chỉ định không nên mang thai. Trong khi đó, người mang thai hộ phải đủ các điều kiện: Là thân thích cùng họ hàng của người nhờ (vợ hoặc chồng), từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần, ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền. Trường hợp người mang thai hộ đã có gia đình thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.

Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống ngày 6/1, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em - Bộ Y tế Lưu Thị Hồng cho biết, hiện dự thảo hướng dẫn thực hiện việc mang thai hộ theo Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi coi như đã hoàn tất, các bộ ngành đều đã thống nhất với dự thảo của Bộ Y tế, dự kiến quy định có thể được đưa vào áp dụng từ năm 2015. Vụ trưởng Lưu Thị Hồng cũng cho biết thêm, khi bàn thảo dự luật này đã có những ý kiến cho rằng có trường hợp nhờ mang thai hộ nhưng sau đó gia đình nhờ mang thai có biến cố, không chịu nhận con. Hoặc có trường hợp người mang thai hộ không chịu trao trả con. Luật đã quy định những trường hợp này sẽ do tòa án giải quyết các tranh chấp. Luật pháp Việt Nam chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và chỉ cho nhờ mang thai/mang thai hộ giữa họ hàng thân thích.

Mang thai hộ đem lại nhiều hy vọng cho những gia đình hiếm muộn.

3 cơ sở y tế được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ

Về vấn đề này, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, khi Bộ Y tế xây dựng dự thảo, có hai quan điểm. Một cho rằng nơi nào làm được kỹ thuật hỗ trợ sinh con bằng phương pháp khoa học thì cho triển khai dịch vụ cho những người cần nhờ người mang thai hộ. Việt Nam hiện có gần 20 cơ sở y tế triển khai được kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như vậy. Quan điểm thứ hai là chỉ cho phép 2 - 3 cơ sở triển khai kỹ thuật. Cuối cùng chốt lại sẽ có 3 cơ sở y tế là BV Phụ sản TW ở miền Bắc, BV TW Huế ở miền Trung và BV Phụ sản Từ Dũ ở miền Nam được phép hỗ trợ các gia đình cần nhờ người mang thai hộ.

Việc có cho phép mang thai hộ hay không sẽ do một hội đồng độc lập đánh giá, dựa trên các hồ sơ về tình trạng bệnh lý không thể mang thai tự nhiên của người nhờ, quan hệ họ hàng giữa người nhờ và người mang thai hộ, điều kiện sức khỏe của người mang thai hộ... Đề cập đến những quy định của mang thai hộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho biết, Bộ quy định điều kiện chặt chẽ cho trường hợp mang thai hộ nhằm ngăn chặn sự biến tướng, thương mại hóa việc này, tránh tình trạng đẻ thuê, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. “Chúng ta không loại trừ trường hợp có người vẫn bảo đảm các yếu tố sinh đẻ nhưng ngại kết hôn nên nhờ người khác mang thai hộ. Do vậy, các BV được giao nhiệm vụ này phải có trách nhiệm xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ để thực hiện đề nghị mang thai hộ” - ông Quang nhấn mạnh. Về lo ngại việc cho phép mang thai hộ có bị lạm dụng để biến thành thương mại hóa hay không, các chuyên gia về sản khoa cho rằng, quá trình hỗ trợ sinh sản là một quá trình dài, các bác sĩ hoàn toàn đủ thời gian và điều kiện thẩm định việc nhờ và mang thai hộ có yếu tố thương mại hay không.

Khoản 3, Ðiều 97 của Luật Hôn nhân gia đình 2014 đã quy định người nhờ mang thai hộ được nghỉ chế độ thai sản 6 tháng như các bà mẹ thông thường (thời gian nghỉ tính từ ngày nhận con). Bên mang thai hộ cũng được hưởng chế độ bảo hiểm và nghỉ thai sản đến thời điểm trao con cho người nhờ, trường hợp chưa nghỉ đủ 60 ngày mà đã trao con thì họ được quyền nghỉ thêm cho đến 60 ngày, con sinh ra nhờ mang thai hộ không tính vào số con theo chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Nguyễn Hoàng

 

 


Ý kiến của bạn