Chỉ cần thay một chữ, thậm chí xê dịch một dấu phẩy, cả bài thơ có thể sẽ đổ sụp

08-04-2019 15:16 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Chú Khoa ơi!

Cháu rất thích tờ báo này của mẹ cháu. Và cháu thích nhất những cuộc giao lưu của chú. Trong bài thơ Khi mùa thu sang, chú có viết:

“Thu sang rồi đấy! Thu sang

Lòng bỗng nhớ ông Nguyễn Khuyến”

Sao chú Khoa không viết: “Thu sang! Thu sang rồi đấy!”. Nếu viết như vậy chẳng phải câu văn lại ngân xa hơn sao? Chữ “đấy” chẳng cao hơn, thanh hơn thanh huyền của  chữ “sang” sao? Hay chú lại có ý khác, thưa chú?

Cháu nghĩ đến chuyện liên kết thơ, có phải chú Khoa muốn làm dịu câu thơ, kéo lòng người đọc xuống cùng nỗi “nhớ ông Nguyễn Khuyến” không?

Cháu thắc mắc mãi mà vẫn chưa tìm ra câu trả lời thật thích đáng. Chú giúp cháu nhé.

Xin chân thành cảm ơn chú!

HUỲNH THỊ THANH TÂM

(Nhà số 62/30 ấp Vĩnh Hưng II - Vĩnh Thành - Chợ Lách - Bến Tre)

Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA

Câu hỏi của Thanh Tâm rất thú vị. Chứng tỏ cháu rất chịu học, chịu đọc và đọc kỹ. Cháu cũng là cô bé không chịu xuôi chiều, thích lật ngược lại, xới tung lên, hoặc tháo ra rồi xếp lại, sáng tạo lại để tác phẩm hay hơn, đặc sắc hơn. Đấy là dấu hiệu của người sáng chế. Hay nói một cách khác, đó là biểu hiện của người luôn sáng tạo, không bằng lòng với những gì đã có.

Câu hỏi của cháu gợi cho chú nhớ lại một thời đi học. Hồi còn lứa tuổi học trò, như các cháu bây giờ ấy, chú cũng thích xới tung những gì tưởng như đã ổn định. Có giờ văn, gặp trong bài học câu thơ nôm na quá, chú cũng sửa lại. Thế là giờ học thành buổi bàn luận văn học, rất vui và sinh động! Cũng qua những giờ tranh luận ấy, mình hiểu bài sâu hơn. Cũng may thầy giáo của chú ngày xưa - thầy Vũ Đình Sâm rất hiểu học trò. Thầy luôn khuyến khích những câu hỏi không xuôi chiều của học sinh. Vì thế, chú không bị phạt, còn được thầy cho điểm cao. Có buổi tranh luận rất phong phú, thầy phải chuyển sang giờ ngoại khoá. Cách dạy văn của thầy như thế nên chú rất thích. Học trò tha hồ phân tích, bình luận, tranh luận. Rồi thầy chốt lại, coi như ý kiến kết luận cuối cùng. Cũng có khi thầy không khép bài giảng mà bỏ ngỏ, để học sinh nghĩ tiếp. Thầy cũng nghĩ tiếp.

Thiên nhiên làng quê đồng bằng Bắc Bộ. (Ảnh minh họa )

Thiên nhiên làng quê đồng bằng Bắc Bộ. (Ảnh minh họa )

Chú còn nhớ trong một giờ ngoại khoá, thầy đưa bài Sông lấp của cụ Tú Xương ra cho học sinh luận bàn. Cụ Tú Xương là tác gia lớn. Bài Sông lấp là một kiệt tác của cụ, cũng là một trong những bài thơ thuộc hạng đặc sắc của thi ca Việt Nam. Càng lớn lên, càng từng trải, càng thấy bài thơ rất sâu sắc nói về sự biến thiên của xã hội. Một vấn đề lớn mà diễn đạt chỉ vài chục chữ, ngôn ngữ lại vô cùng giản dị:

Sông kia giờ đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò...

Qua bài thơ này, ta thấy Tú Xương không phải chỉ là nhà thơ trào phúng mà ông còn là một nhà thơ trữ tình kiệt xuất. Cụ Nguyễn Tuân bàn về Tú Xương rất hay qua một bài viết như một chuyên luận nghiên cứu: Thời và thơ Tú Xương. Đến nay, chú chưa thấy nhà phê bình nào vượt nổi cụ Nguyễn Tuân khi nghiên cứu về Tú Xương, kể cả Xuân Diệu. Cụ Nguyễn Tuân cho rằng, bài thơ có 4 câu, 3 câu đầu chỉ là thông tấn báo chí, không phải thơ, câu cuối đã cứu được toàn bài và nâng bài thơ lên hàng tuyệt đỉnh. Chú thấy cụ Nguyễn rất tinh nghề. Trong các tác phẩm Nguyễn Tuân, chú thích nhất là tập Chuyện nghề tập hợp những bài viết của cụ về nghề văn. Chỉ với tập sách này cũng đủ cho ta xếp cụ vào đội ngũ những nhà phê bình nghiên cứu xuất sắc.

Chú rất thích bài thơ Sông lấp. Đây là một tác phẩm lớn dù lượng chữ rất ít. Ngay từ hồi học phổ thông, dù rất phục bài thơ này, chú vẫn không thích 2 chữ “bên tai”. Vẳng nghe tiếng ếch bên tai. Đã nghe là nghe bằng tai rồi, sao còn thêm hai chữ “bên tai” nữa. Bài thơ rất chặt mà hoá ra vẫn thừa 2 chữ. Chú ước nếu cụ Tú Xương dùng hai chữ ấy để tả tiếng ếch hoặc phác hoạ đồng ruộng thì đẹp biết bao nhiêu. Nhiều bạn xông vào sửa thơ cụ Tú. Cháu thấy liều không? Cuộc tranh luận ấy khiến nhiều vị khách vãng lai qua quê chú rất thích. Có một nhà thơ rất nổi tiếng cũng đồng ý với chú là hai chữ ấy rất yếu, và ông đã sửa hai chữ “bên tai” thành “ban mai”. Vẳng nghe tiếng ếch ban mai. Nhưng sửa thế là hỏng. Trong thơ cụ Tú Xương còn có một dị bản: Đêm nghe tiếng ếch bên tai. Ở văn bản khác, không có chữ “đêm”, nhưng ta vẫn nên hiểu, tiếng gọi đò ở đây là tiếng gọi đò đêm. Đêm nghe tiếng gọi đò mới gợi và ấn tượng. Chứ ngày thì thường. Vả lại ban mai, nghĩa là buổi sáng sớm thì cần chi phải gọi đò, người ta có thể dùng nón vẫy, hay tay vẫy, mà không cần thiết phải nhờ đến một tiếng gọi. Đây là câu thơ đúng là có vết sạn mà không thể chữa được. Để như cụ Tú Xương, dù khiếm khuyết nhưng vẫn là đắc địa nhất. Vẳng nghe tiếng ếch bên tai. Gần đây, nghiên cứu về bài thơ này, có một nhà phê bình cũng lại chê cụ Tú Xương, cho là cụ thiếu thực tế: Làm gì có ếch kêu ở sông. Ếch chỉ kêu ở ao hồ hoặc đồng ruộng. Nhưng nhà phê bình ấy lại nhầm. Cụ Tú Xương có nói ếch kêu ở sông đâu. Ếch kêu ở con “sông lấp”, nghĩa là con sông “đã hoá nên đồng” rồi. Nó có còn là con sông nữa đâu.

Nói dông dài như thế cũng là muốn chia sẻ với cháu, khi cháu không bằng lòng với một câu thơ. Chú rất thích cách đọc không xuôi chiều của cháu.

Trở lại với bài thơ và câu thơ cháu bàn. Bài Khi mùa thu sang, chú viết khi đang học lớp 9 phổ thông. Chú muốn dùng thơ để vẽ một bức tranh làng quê vào độ chớm thu. Bài thơ thuần miêu tả thiên nhiên của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Vì bạn đọc SK&ĐS có thể chưa biết bài thơ này nên chú xin trích ra đây, rồi chúng ta cùng bàn nhé:

KHI MÙA THU SANG

Mặt trời lặn xuống bờ ao

Ngọn khói xanh lên lúng liếng

Vườn sau gió chẳng đuổi nhau

Lá vẫn phơi vàng sân giếng

Xóm ngoài nhà ai giã cốm

Làn sương lam mỏng rung rinh

Bạn nhỏ cưỡi trâu về ngõ

Tự mình làm nên bức tranh

Rào thưa, tiếng ai cười gọi

Trông ra nào thấy đâu nào?

Một khoảng trời trong leo lẻo

Thình lình hiện lên ngôi sao

Những muốn kêu to một tiếng

Thu sang rồi đấy! Thu sang!

Lòng bỗng nhớ ông Nguyễn Khuyến,

Cõng cháu chạy nhông khắp làng...

Không phải chú muốn “liên kết thơ” hay “kéo cụ Nguyễn Khuyến vào cuộc” nhằm “kéo lòng người đọc xuống” đâu. Đơn giản thôi! Cụ Nguyễn Khuyến là nhà thơ lớn, nhà thơ bậc thầy về cảnh sắc làng quê Việt Nam. Cụ lại có chùm thơ 3 bài đặc sắc về mùa thu Việt Nam: Thu ẩm, Thu vịnh, Thu điếu. Vì thế, thấy mùa thu về, chú lại nhớ đến cụ. Giản dị vậy thôi! Câu thơ: Thu sang rồi đấy! Thu sang, cháu đổi thành: Thu sang! Thu sang rồi đấy! Câu thơ chỉ đảo từ. Ý thơ không đổi, câu chữ cũng không đổi. Chỉ đổi nhạc điệu và vần. Nếu tách riêng câu thơ này ra cho nó đứng độc lập thì chữa thế không sao. Nhưng đặt trong tổng thể cả đoạn thì không ổn. Cháu hãy đọc lại xem nhé:

Những muốn kêu to một tiếng

Thu sang! Thu sang rồi đấy!

Lòng bỗng nhớ ông Nguyễn Khuyến,

Cõng cháu chạy nhông khắp làng...

Đoạn thơ bị phá vỡ cấu trúc, phá vỡ cả nhạc điệu và vần. Khổ thơ có 4 câu, 3 câu vần trắc đi liền với nhau, không ổn cháu ạ. Vẫn phải để như văn bản cũ để giữ nhạc điệu và vần, đi theo từng cặp 1-3-2-4:

Những muốn kêu to một tiếng

Thu sang rồi đấy! Thu sang!

Lòng bỗng nhớ ông Nguyễn Khuyến,

Cõng cháu chạy nhông khắp làng...

Làm thơ khó thế đấy cháu ạ. Lời hay, ý sâu, tứ hay, nhưng cấu trúc toàn bài, cấu trúc từng đoạn, từng câu cũng phải rất chặt chẽ. Bởi thế, có ông thi sĩ bảo: “Thơ tôi chỉ cần thay 1 chữ, thậm chí chỉ xê dịch 1 dấu phảy là sụp đổ cả bài!”. Câu nói ấy, thoáng nghe rất cực đoan, nhưng ngẫm ra lại đúng cháu ạ. Cảm ơn cháu đã quan tâm đến bài thơ của chú! Nhưng câu chuyện nâng cấp thơ này, ta đành bỏ ngỏ lại thôi. Rồi chú cháu mình cùng nghĩ tiếp nhé!


Song Yến (ghi)
Ý kiến của bạn