Tôi viết những dòng bổ sung này với mong muốn tất cả những ai đọc bài viết của tôi có một cái nhìn công bằng về sự việc và con người. Chúng ta đừng lấy sự việc này mà dẫm đạp lên đồng nghiệp mà hãy xem đó là một bài học cho sự hiểu biết pháp luật.
Vâng, một cú sốc cho ngành Y tế khi một bác sỹ công tác tại tuyến Trung Ương tại Miền Bắc, cụ thể là bệnh viện Bạch Mai - cụm bệnh viện mang tầm cỡ quốc gia, lại mắc một sai lầm, đó là biến một trách nhiệm được bảo vệ về mặt pháp luật sang một hành động mang tính hình sự.
Ai đã từng trải nghiệm nghề y cũng sẽ luôn thận trọng khi chỉ trích đồng nghiệp mình, bởi không thể biết rằng một ngày kia, chúng ta phạm sai lầm.
Tuy nhiên, nếu như không thay đổi thì những giá trị chuẩn mực của ngành Y sẽ không còn ở vị trí thiêng liêng nữa.
Cái cảm giác thiêng liêng khi được trao sứ mệnh cứu người của chúng ta ngày nay dường như đang bị lung lay dữ dội. Chúng ta coi việc được trao sứ mệnh đó là một điều hiển nhiên và đương nhiên, một khi chúng ta trở thành sinh viên Y khoa. Khi tất cả trở nên dễ dàng, thì hậu quả của nó sẽ trở nên khó lường.
Tôi còn nhớ rõ giây phút chúng tôi đứng trong hội trường lớn tại Đại học Y Hà Nội, nghe đọc lời tuyên thệ của người bạn đại diện cho khối. Lúc ấy tôi chợt nghĩ: Vậy là cuối cùng mình cũng đã trở thành Bác sĩ. Sinh viên Y Hà Nội ai cũng thấm thía cảm giác này, bởi chúng tôi phải học với một khối lượng kiến thức khổng lồ, mà nếu không tỉnh táo thì sẽ dẫn tới lạc đường, thậm chí mỗi khóa có một vài trường hợp bị tâm thần. Chúng tôi có được tấm bằng Bác sĩ quả không dễ. Vậy nhưng, cũng phải nhìn nhận một sự thật rằng, so với sinh viên Y ở Mỹ, Pháp, chúng tôi dù học rất nhiều mà lại chưa đáng sợ bằng họ, những sinh viên học ít hơn, nhưng bài bản và khắc nghiệt. Bài bản ở chỗ, kiến thức nào chưa cần học thì họ sẽ chưa học và chưa được dạy. Khắc nghiệt ở chỗ, tỷ lệ chọn lọc của họ ở những năm đầu tiên là rất cao, ước chừng trên 50% sinh viên. Hơn nữa, sau 6 năm họ tiếp tục phải học lên nội trú và đó là điều bắt buộc nếu như anh muốn can thiệp bất cứ cái gì vào người bệnh nhân.
Một điều khác biệt là trong hệ thống giáo dục Y khoa của chúng tôi tại Việt Nam không có môn học gọi là medical history (lịch sử Y khoa). Tôi nhận ra điểm khác biệt này khi môn học của tôi trên đất Pháp là môn này. Ban đầu tôi khá tò mò vì không hiểu ý nghĩa của môn học. Nhưng sau đó tôi đã nhận ra rằng, Y học ứng dụng trên con người xuất phát từ những thực nghiệm trên động vật, và chính chúng tôi phải học cách tôn trọng các động vật thực nghiệm trước khi sờ vào con người. Đó là lý do tại sao ở Pháp có luật bảo vệ động vật thực nghiệm và quy trình xử lý động vật thực nghiệm riêng.
Tuy nhiên đó lại là rào cản lớn nhất của Y khoa mà chắc chắn rằng rào cản này sẽ không bao giờ bị phá bỏ. Chúng tôi, ngành Y có các quy định nghiêm ngặt về "đạo đức nghiên cứu" ứng dụng trên con người, và do vậy rất nhiều phương pháp từ lý thuyết đến thực nghiệm phải mất đến hàng chục năm mới có thể thực được. Thử tưởng tượng xem, thường một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên trên con người sẽ chỉ được thực hiện với một nhóm người nhỏ, chỉ đảm bảo tính khoa học về mặt thống kê mà không thể suy ra kết quả một cách tuyệt đối cho toàn thể cộng đồng. Chính rào cản này khiến cho Y khoa trở thành một ngành "không bao giờ là 100%".
Quay trở lại với đồng nghiệp của tôi, anh vốn không phải là Bác sĩ thẩm mỹ, anh là bác sỹ ngoại khoa. Ở đây có thể anh đã đi tu nghiệp ở đâu đó để có được chứng chỉ về phẫu thuật thẩm mỹ. Anh có thu nhập thế nào chúng ta cũng không rõ, nhưng khi anh mở ra một thẩm mỹ viện và làm giám đốc thì ắt hẳn anh có nhu cầu thu nhập cao hơn mức hiện tại. Tôi nghĩ rằng nhu cầu về kinh tế là một nhu cầu chính đáng và chúng ta không có gì phải chỉ trích điều này.
Tuy nhiên, chính vì anh đã quên mất sứ mệnh thiêng liêng của ngành Y, nên đã bất chấp việc chưa có giấy phép đã nhận bệnh nhân để phẫu thuật. Đó là điều thiếu thận trọng đầu tiên của anh.
Một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực và hút mỡ bụng tưởng như đơn giản nhưng lại có hai nguy cơ là "sốc phản vệ do thuốc mê/tê" và/hoặc tắc mạch do tai biến phẫu thuật (đặc biệt là hút mỡ bụng). Cả hai nguy cơ này, tiếc thay lại là hai nguy cơ có thể dẫn đến tử vong. Như vậy, anh đã tiến hành một phẫu thuật có nguy cơ (dù thấp), ở bên ngoài bệnh viện có hệ thống cấp cứu, tại một cơ sở chưa được cấp phép, đó là điều thiếu thận trọng thứ hai của anh.
Cũng chính vì bác sỹ chúng ta, nhiều người vẫn còn quan điểm cũ, coi mình là cha là mẹ người bệnh, coi mình có quyền được quyết định sức khỏe của người bệnh, nên đã không ngại ngần với những trường hợp như vậy. Chị có nhu cầu thì tôi cung cấp. Ở đây cô ấy sau phẫu thuật đã có biểu hiện của sốc, vậy mà anh vẫn không thận trọng cấp cứu ngay, chỉ sơ cứu ban đầu rồi ra về, đó thực là một sự thiếu thận trọng thứ ba của anh.
Nhưng tất cả những điểm trên, tôi cho rằng có thể giải thích được nếu như anh chưa phải là một người được coi là "có kinh nghiệm". Vì anh chưa có kinh nghiệm nên anh đã bỏ qua tất cả những cái gọi là thiếu thận trọng trên. Điều khiến tôi đau lòng đó là cách anh hành xử với cái xác của bệnh nhân. Tôi còn nhớ mỗi khi đứng trước một thi thể, dù luôn phải kìm chế những cảm xúc nhưng chúng tôi đều tỏ ra hết sức trân trọng thi thể đó. Họ đã chính thức từ biệt cõi đời này dù rằng Bác sĩ đã cố gắng hết sức. Nhưng tôi thực đau lòng và sững sờ khi đọc được những dòng chữ "bác sĩ ném xác bệnh nhân xuống sông". Tôi cho rằng lịch sử ngành Y của cả thế giới chứ chưa tính riêng Việt Nam, sẽ có rất ít (hoặc chỉ có một) trường hợp như vậy. Có thể lúc đó anh sợ hãi, anh muốn tất cả đều chìm đi theo cái xác của cô ấy, nhưng ngay cả khi mắc những sai lầm về mặt pháp lý, anh vẫn còn được pháp luật bảo vệ về mặt chuyên môn. Vậy mà anh lại biến cái tư thế được bảo vệ, trở thành một tư thế hoàn toàn bị cả xã hội và pháp luật lên án, cả ngành Y bất bình và sửng sốt. Việc anh đem xác cô ấy đi vứt là một hành động mang tính hình sự và chắc chắn sẽ có bản án của pháp luật dành cho anh.
Vậy là chúng tôi sẽ chào tạm biệt anh ra khỏi đội ngũ những nhân viên Y tế. Anh đi khỏi, để lại cho chúng tôi một câu hỏi lớn: Giá trị chuẩn mực của ngành Y đâu rồi???
BS. Tuấn Hùng
Mọi bài vở tham gia diễn đàn "Y đức - Đạo lý" xin gửi về email: bandientuskds@gmail.com. Các bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!