Thực tế, nhiều người chọn ăn các loại hạt như hạt hạnh nhân, hạt điều, óc chó, hạt hướng dương, hạt macca,... thay cho các bữa ăn trong ngày nhằm mục đích giảm cân. Lý do là vì các loại hạt này giàu chất xơ, protein và chất béo lành mạnh, giúp tạo cảm giác no lâu, hạn chế cảm giác thèm ăn mà vẫn cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cách giảm cân này có thể phản tác dụng do hàm lượng calo trong hạt khá cao. Vì vậy, việc lựa chọn loại hạt phù hợp và ăn với liều lượng hợp lý là điều rất quan trọng trong quá trình ăn kiêng. Vậy thông tin nào là chính xác?

Chỉ ăn hạt thay bữa chính là một quan niệm sai lầm (ảnh minh họa).
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS. Lê Thị Hương Giang – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 19-8 khẳng định: "Chỉ ăn hạt thay bữa chính là một quan niệm sai lầm".
Theo TS. Lê Thị Hương Giang, các loạt hạt dù giàu chất dinh dưỡng nhưng hàm lượng calo và chất béo rất cao. Cụ thể, chỉ với 30gr hạt đã chứa khoảng 180–200 kcal, tương đương với 1 bát cơm. Nếu ăn quá nhiều, lâu dài dễ gây tăng cân, rối loạn lipid máu, rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, khó tiêu).
"Một nghiên cứu từ British Journal of Nutrition (2015) cũng cảnh báo, việc tiêu thụ quá nhiều hạt mà không kiểm soát tổng năng lượng có thể làm tăng nguy cơ béo phì nếu không điều chỉnh khẩu phần hợp lý", TS. Lê Thị Hương Giang nói thêm.
Ai không nên ăn các loại hạt?
TS. Lê Thị Hương Giang cho hay, một số nhóm đối tượng nên hạn chế hoặc phải cẩn trọng khi ăn các loại hạt, cụ thể:

Việc tiêu thụ quá nhiều hạt mà không kiểm soát tổng năng lượng có thể làm tăng nguy cơ béo phì nếu không điều chỉnh khẩu phần hợp lý (ảnh minh họa).
- Người suy thận mạn (vì hạt chứa nhiều kali, phốt pho)
- Người có dị ứng với các loại hạt (nhất là đậu phộng, hạnh nhân, hạt điều)
- Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, dễ bị hóc nếu không xay nhuyễn.