1. Tức giận ảnh hưởng đến khả năng giãn nở của mạch máu nguy hiểm cho sức khỏe
Khi chúng ta tức giận, thường cảm thấy mặt đỏ bừng, nhịp tim tăng cao (tim bắt đầu đập nhanh hơn và đầu cũng có cảm giác như sắp nổ tung)... Mặc dù đây là một số thuộc tính sinh lý của sự tức giận nhưng lại có những tác động sâu sắc, nguy hiểm cho sức khỏe.
Các nhà nghiên cứu đã mời 280 người lớn khỏe mạnh và phân ngẫu nhiên thành bốn nhóm. Những người tham gia nhớ lại các sự kiện và tình tiết khiến họ tức giận, buồn bã hoặc lo lắng. Một nhóm kiểm soát đếm liên tục từ 1 đến 100 trong 8 phút và duy trì trạng thái cảm xúc trung tính. Các nhà nghiên cứu đo mẫu máu của các thành viên. Số đo lưu lượng máu và áp lực đã được kiểm tra trước và sau nghiên cứu.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, khả năng giãn nở của mạch máu đối với những người tham gia nhóm 'tức giận' đã giảm đáng kể so với các nhóm còn lại.
Khi chúng ta tức giận, thường cảm thấy mặt đỏ bừng, nhịp tim tăng cao..
Tức giận làm ảnh hưởng tới sự co giãn của mạch máu, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ…
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Daichi Shimbo, giáo sư y khoa thuộc Khoa tim mạch Đại học Columbia ở thành phố New York cho biết: "Đã có một số nghiên cứu trong quá khứ liên quan đến cảm giác tức giận, lo lắng và buồn bã... trước nguy cơ mắc bệnh tim trong tương lai. Tác động bất lợi của sự tức giận đối với sức khỏe và bệnh tật có thể là do tác động bất lợi của nó đối với sức khỏe mạch máu.
Theo Phòng khám Cleveland, mạch máu chứa cơ kiểm soát sự co giãn của mạch máu. Khi mạch máu giãn ra thì gọi là giãn mạch. Khi mạch máu co lại, nó được gọi là co mạch. Sự giãn nở và co lại có thể khiến mạch máu tăng hoặc giảm lưu lượng máu đến các bộ phận của cơ thể.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi lượng máu cung cấp cho một phần não bị tắc nghẽn hoặc giảm sút, khiến mô não không thể nhận được oxy và chất dinh dưỡng. Các tế bào não sau đó bắt đầu chết. Một loại đột quỵ khác là đột quỵ xuất huyết xảy ra khi một mạch máu trong não bị rò rỉ hoặc vỡ ra và gây chảy máu trong não. Máu làm tăng áp lực lên các tế bào não và làm tổn thương chúng. Cơn đau tim xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm hoặc bị chặn nghiêm trọng...
2. Cách nào giảm cơn tức giận?
Hãy bắt đầu bằng những cách dưới đây để quản lý cơn tức giận của mình:
- Suy nghĩ trước khi nói: Trong lúc nóng giận, bạn rất dễ nói ra điều gì đó mà sau này sẽ hối hận. Hãy dành một chút thời gian để thu thập suy nghĩ của mình trước khi nói bất cứ điều gì.
- Tập thể dục: Hoạt động thể chất có thể giúp giảm căng thẳng. Nếu bạn cảm thấy cơn giận của mình ngày càng tăng, hãy đi bộ nhanh, chạy bộ hoặc dành thời gian tham gia các hoạt động thể chất thú vị khác.
- Rèn luyện kỹ năng thư giãn: Khi cơn giận bùng lên, hãy áp dụng kỹ năng thư giãn. Thực hành các bài tập thở sâu... Bạn cũng có thể nghe nhạc, viết nhật ký hoặc thực hiện một vài tư thế yoga - bất cứ điều gì cần thiết để khuyến khích thư giãn.
- Sử dụng sự hài hước để giải tỏa căng thẳng: Sử dụng sự hài hước để giúp bạn đối mặt với điều khiến bạn tức giận và có thể cả những kỳ vọng không thực tế mà bạn đặt ra. Tuy nhiên, hãy tránh mỉa mai - nó có thể làm tổn thương cảm xúc và khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
- Đừng giữ mối hận thù: Không nên để cho sự tức giận và những cảm xúc tiêu cực khác lấn át những cảm xúc tích cực. Do đó, hãy học cách tha thứ cho người đã chọc giận bạn, hay làm bạn tức giận… và củng cố mối quan hệ của mình.
- Biết khi nào cần tìm sự giúp đỡ: Học cách kiểm soát cơn giận đôi khi có thể là một thách thức. Tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề tức giận nếu cơn giận của bạn dường như mất kiểm soát, khiến bạn làm những điều khiến sẽ phải hối hận hoặc làm tổn thương những người xung quanh.