Chỉ 1 tháng, hơn 4.200 ca mắc sốt xuất huyết, 2 ca tử vong

21-03-2022 14:04 | Y tế
google news

SKĐS - Bộ Y tế cho biết từ ngày 18/2 đến 17/3, cả nước ghi nhận 4.287 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Tại báo cáo số 379/BC-BYT về công tác y tế trong tháng 3-2022 gửi Văn phòng Chính phủ ngày 21/3, Bộ Y tế cho biết từ ngày 18/2 đến 17/3, cả nước ghi nhận 4.287 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Bình Dương. 

Đây cũng là hai trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đầu tiên trong năm nay. 

Như vậy, tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 9.919 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca sốt xuất huyết giảm 65,4% và số tử vong giảm 4 trường hợp.

Tại Hà Nội, báo cáo của Sở Y tế cho biết tuần qua thành phố không ghi nhận trường hợp sốt xuất huyết. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 10 trường hợp mắc bệnh này, giảm 42 ca so với cùng kỳ năm ngoái.

Triệu chứng phổ biến của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn, bệnh nhân có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. 

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu...

PGS Cường lưu ý khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày nhưng có khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong. 

Sốt xuất huyết và COVID-19 là hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đều do virus gây ra với một số triệu chứng ban đầu giống nhau, có thể nhầm lẫn như: Sốt, đau đầu, đau mỏi người.

Chỉ 1 tháng, hơn 4.200 ca mắc sốt xuất huyết, 2 ca tử vong - Ảnh 1.

Bé trai mắc COVID-19 và sốt xuất huyết cùng lúc, gây khó khăn trong điều trị. Ảnh: BVCC

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng TP HCM tiếp nhận và điều trị trường hợp cùng lúc mắc COVID-19 và sốt xuất huyết. Bé trai 12 tuổi béo phì (nặng 67 kg - thừa khoảng 30 cân so với mốc thông thường ở lứa tuổi này). Vào viện trong tình trạng sốt cao, xuất huyết rải rác toàn thân, giảm tiểu cầu, tăng men gan do cùng lúc nhiễm hai bệnh.

Bệnh kép gây nhiều khó khăn trong điều trị cho bé. Nguyên nhân là COVID-19 gây tổn thương phổi, viêm phổi làm suy hô hấp và rối loạn đông máu (hình thành cục máu đông); còn sốt xuất huyết gây sốc, suy giảm chức năng hệ tuần hoàn, rối loạn đông máu (chảy máu). Nếu điều trị COVID-19 bằng thuốc kháng đông, kháng viêm như thông thường, tình trạng chảy máu sẽ nặng nề hơn. 

Các thầy thuốc điều trị phải tính toán, cân nhắc sử dụng các thuốc, phương pháp điều trị kết hợp để tránh hai bệnh nặng hơn. Sau 1 tuần điều trị tích cực, sức khỏe bé tốt dần, đã tỉnh táo.

F0 điều trị tại nhà mắc sốt xuất huyết cần lưu ý gì?F0 điều trị tại nhà mắc sốt xuất huyết cần lưu ý gì?

SKĐS - Dịch COVID-19 chưa qua thì sốt xuất huyết lại bùng lên mạnh ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Có nhiều trường hợp vừa mắc COVID-19 vừa nhiễm sốt xuất huyết. Vậy những F0 cần chú ý gì khi không may nhiễm dịch kép?


Võ Thu
Ý kiến của bạn