Chết oan uổng vì tin thầy lang 'cào' chữa bệnh dại

12-05-2015 09:34 | Thời sự
google news

Do có suy nghĩ tiêm vaccin phòng bệnh dại sẽ bị giảm trí nhớ nên một số người khi bị chó dại cắn đã tìm thầy lang… “cào” để xem mình có bị nhiễm virus dại hay không, mới đi tiêm phòng. Chính vì quan niệm sai lầm này mà không ít người đã thiệt mạng…

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 3 ca tử vong do bệnh dại. Gần đây nhất là bệnh nhân Phạm Văn Thành (26 tuổi, thôn 6, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), bị tử vong vào ngày 6/5 do chó dại cắn.

Trước đó, ngày 1/3, anh Thành đang ở nhà thì bị một con chó hoang từ bên ngoài xông vào cắn ở tay và chân gây chảy máu. Ngày hôm sau, anh Thành đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam với mục đích tiêm phòng. Tuy nhiên, khi nhân viên Trung tâm này chuẩn bị vaccin để tiêm, thì anh Thành lại đổi ý không chịu tiêm.

Sau đó, anh Thành đến nhờ một thầy lang ở huyện Điện Bàn “cào” để biết con chó cắn mình có phải là chó dại hay không. Kết quả “chẩn đoán” của thầy lang là con chó cắn anh Thành không bị bệnh dại. Tin lời thầy lang này, anh Thành về nhà yên tâm đi làm bình thường, không mảy may nghĩ đến việc tiêm phòng bệnh dại.

Đến ngày 4/5, tức 63 ngày sau khi bị chó cắn, anh Thành lên cơn dại với những triệu chứng như mệt mỏi, sợ nước, sợ gió và lo lắng. Gia đình đã đưa anh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam điều trị, nhưng bệnh nhân đã tử vong sau đó 2 ngày…

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, năm ngoái, trên địa bàn tỉnh có 4 người tử vong do bị chó dại cắn. Dù các cơ quan chức năng đã khuyến cáo, tuyên truyền, nhưng hiện nay vẫn còn rất nhiều người tin vào cách “chẩn đoán” bệnh dại bằng cách nhờ thầy lang… “cào” và chữa bệnh dại bằng thuốc nam.

Vì nghe lời thầy lang, anh Thành đã thiệt mạng oan uổng.

Các thầy lang “cào” hành nghề rất đơn giản. Chỉ bằng một ít lá cây, hoặc hạt đậu, viên đá được gọi là “gia truyền”, họ chà xát “bảo bối” vào vết chó cắn và một số vị trí trên cơ thể rồi phán con chó đó có mắc bệnh dại hay không (?!)...

Ông Huỳnh Công Quang, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, vaccin và sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam) khẳng định, việc “cào” để “chẩn đoán” bệnh nhân có bị nhiễm virus dại hay không là phương pháp hoàn toàn phản khoa học.

Chính vì vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh dại là phải tiêm vaccin ngay sau khi bị chó, mèo cắn. Đặc biệt, khi phát hiện con vật có biểu hiện bệnh dại, hoặc vết thương ở gần đầu, mặt, cổ; ở vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục, cần phải tiêm cả huyết thanh kháng dại.

“Cho đến nay kể cả y học hiện đại và y học cổ truyền đều khẳng định bệnh dại khi đã lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%. Người dân tuyệt đối không được chủ quan với loại bệnh này”, ông Quang nói.

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định việc tiêm vaccin phòng bệnh dại sẽ gây giảm trí nhớ cho bệnh nhân. Vì vậy, người dân không nên tin vào lời đồn đoán này và phải trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh dại cũng như cách phòng tránh để không xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Nhằm chủ động ngăn ngừa bệnh dại lây từ động vật sang người, giảm thiểu số người bị chó cắn và tử vong do bệnh dại, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành công văn về tăng cường phòng chống bệnh dại, giao nhiệm vụ cho Sở Y tế phối hợp Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh này; trong đó lưu ý bố trí kinh phí hỗ trợ vaccin dại miễn phí cho người nghèo, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số bị chó nghi dại cắn.

Đồng thời tổ chức hoạt động tập huấn, truyền thông phòng chống bệnh dại và xử lý các ổ dịch dại. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần vận động nhân dân chấp hành quy định về tiêm phòng bắt buộc bệnh dại cho chó, mèo nuôi để giảm số trường hợp gia súc mắc dại lên cơn cắn người.

Phước Hiệp

 

 


Ý kiến của bạn