Nhà hát Chèo Việt Nam vừa cho ra mắt một chương trình âm nhạc hấp dẫn, không chỉ đáp ứng được yêu cầu nghe với những làn điệu chèo quen thuộc đã được cải biến theo hướng phù hợp hơn với khán giả hiện đại, mà còn được thưởng thức “đã con mắt” với sân khấu được trang trí hoành tráng, đầy thẩm mỹ. Như lời NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc nhà hát thì chương trình này được xây dựng nhằm đi xa hơn mục tiêu tham gia cuộc thi diễn tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc (được tổ chức vào tháng 6/2014 tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) để tiếp tục hướng tới mục đích giới thiệu chèo với du khách và đáp ứng nhu cầu sáng tạo cái mới cho khán giả yêu chèo trong hoạt động nghệ thuật thường nhật.
Chương trình Năm cung chèo của Nhà hát Chèo Việt Nam.
Không xa rời khuynh hướng gìn giữ vốn cổ, chương trình Năm cung chèo là các tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn nhị, đàn bầu, đàn thập lục, đàn tam thập lục và các nhạc cụ bộ gõ như: mõ, trống tiêu, trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, mõ, chũm chọe. Để có sự phá cách, nhà hát cũng mạnh dạn sử dụng ghi ta điện, cồng chiêng... Mở màn, tiết mục Chiếu Chèo khai hội rộn rã để rồi nối tiếp là các làn điệu xuân nữ, năm cung hòa điệu, dạ khúc... Các nhân vật trong 7 vở chèo cổ như Thị Màu, Thị Kính, Suý Vân, Nàng Ba Châu Long..., thêm nhân vật đã được “cổ điển” hóa là Phật Hoàng Trần Nhân Tông được giới thiệu trong đêm nhạc này. Các nhân vật đã được đưa vào làn hát đầu tiên của tiết mục như lời “ra vai” cho bản hòa tấu tuyệt diệu khai thác tốt những biến tấu phù hợp với nhịp điệu hiện đại mà không mất đi âm hưởng chèo khi để “e” chèo giữ vai trò chủ đạo. Rất nhiều tiếng cổ vũ cùng tiếng vỗ tay vang dội sau mỗi tiết mục là đánh giá khách quan của khán giả cho đêm diễn.
Các đơn vị nghệ thuật trong bối cảnh hoạt động hiện nay đã giải quyết việc xây dựng chương trình không chỉ để thi thố mà luôn hướng tới công chúng. Các nhà hát đều cố gắng để có những chương trình ngắn gọn và đậm bản sắc riêng của từng kịch chủng cho du khách. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các đơn vị dân tộc cấp Trung ương và địa phương trên địa bàn Hà Nội đều có chủ trương này. Tuy nhiên, thực hiện được chủ trương đó là sự gian truân không nhỏ. Nhà hát Tuồng với chương trình các tối chủ nhật và thứ năm trong tuần. Các nghệ sĩ đã rất tận tụy, nhà hát sẵn sàng thay đổi thời gian biểu diễn trong ngày cho phù hợp với thời gian của du khách, nhưng vẫn còn đó tình trạng có buổi diễn chỉ dăm ba khách, số nghệ sĩ nhiều hơn khán giả. Nhà hát Chèo Hà Nội từng thành công với mô hình hoạt động gọn nhẹ ở địa điểm 15 Nguyễn Đình Chiểu hay hát chèo tại đền Ngọc Sơn, cũng gắng sức thuyết phục đơn vị chủ quản cũng như công luận về chương trình phục vụ du khách qua ý tưởng tôn vinh văn hóa dân gian, lễ hội làng vào chương trình. Để làm phong phú thêm cho chương trình, nhà hát cũng sử dụng các làn điệu hát xẩm, ca trù, hát đối, hát lót... đem đến cảm giác mới, không khí mới cho biểu diễn nghệ thuật chèo truyền thống. Hay với Nhà hát Cải lương Việt Nam, dù dựa vào lượng khá đông fan yêu thích các bài ca cải lương ngọt ngào, sâu lắng tâm sự nhưng hai chương trình đàn ca tài tử: Khoảng trời phương Nam và Làn điệu cải lương thì chỉ một chương trình Khoảng trời phương Nam vẫn gắng gỏi duy trì nhờ vào sự ủng hộ của doanh nghiệp. Có thể thấy, dù cố gắng duy trì lịch diễn, đi sâu tiếp thị với các đơn vị lữ hành du lịch, áp dụng các biện pháp khuyến mại thích hợp và tận dụng nhiều mối quan hệ qua việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên để có thể giúp chương trình phát triển. Nhưng trong tâm thức du khách đến Hà Nội, các chương trình sân khấu vẫn chưa có vị trí xứng đáng.
Với các đơn vị có địa điểm biểu diễn đã vậy, những chương trình phải thuê địa điểm để diễn thì lại càng khó khăn gấp bội. Các nghệ sĩ đã từng mang phiên bản của Hồn Việt rất thành công trong giới thiệu du khách ở TP. HCM ra Hà Nội, tuy nhiên, kết quả là chỉ diễn được một đêm báo cáo.
Điểm qua tình hình chung của việc giới thiệu sân khấu tới du khách trong và ngoài nước của các đơn vị nghệ thuật tại Hà Nội trong thời gian gần đây để thấy, việc hướng tới phục vụ du khách của Nhà hát Chèo Việt Nam là điều rất khó khăn. Theo NSƯT Thanh Ngoan, khó khăn là điều mà lãnh đạo nhà hát cũng đã nhìn ra. Nhưng từ thực tế biểu diễn của sân khấu nhỏ, chúng tôi đã thấy, nếu chương trình thực sự hấp dẫn thì không ngại vắng khách. Trước đây, nhà hát phải xin tài trợ nhưng giai đoạn kinh tế khó khăn thì việc tài trợ này không còn. Song những tháng gần đây, chương trình Sân khấu nhỏ của nhà hát đều đặn có khách dù giá vé không giảm mà tăng theo chi phí. Phương châm của chúng tôi là chất lượng sẽ quyết định lượng khách...
Hy vọng, với mục tiêu rõ ràng nhắm tới phục vụ khách du lịch quốc tế năm 2014 qua chương trình hấp dẫn và phần dịch tiếng Anh phục vụ khách du lịch tại Sân khấu nhỏ của Nhà hát Chèo Việt Nam không rơi vào danh sách các chương trình đi trước “có sinh mà không có dưỡng” để du khách đến với Thủ đô không bị nhàm chán vì chỉ có một thực đơn duy nhất “ăn tối, múa rối”.
Cao Ngọc