Hà Nội

"Chém gió"- "bầu Kiên" có biện hộ nổi 4 tội danh?

01-06-2014 06:30 | Thời sự
google news

Những ngày qua, phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên (còn được gọi là bầu Kiên) và đồng phạm đang gây sự chú ý của dư luận, đặc biệt là phần tranh tụng của các luật sư và chính bản thân tự bào chữa của Nguyễn Đức Kiên và các bị can.

Những ngày qua, phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên (còn được gọi là bầu Kiên) và đồng phạm đang gây sự chú ý của dư luận, đặc biệt là phần tranh tụng của các luật sư và chính bản thân tự bào chữa của Nguyễn Đức Kiên và các bị can.

Với khả năng “chém gió” như trong Hội nghị tổng kết V-League 2011, tại phiên tòa, Nguyễn Đức Kiên đã nói rằng mình chẳng có tội gì cả “nếu Viện KSND, HĐXX chỉ ra được tôi đã sai ở khoản nào, tôi xin nhận ngay tội danh, không cần tranh luận”. Điều này khiến dư luận nhầm tưởng rằng, còn thiếu các cơ sở pháp lý thuộc các cơ quan tố tụng.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB bị truy tố 4 tội danh: "Kinh doanh trái phép", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Trốn thuế" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Các bị can Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, đều nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB; Lý Xuân Hải, nguyên TGĐ ACB; Huỳnh Quang Tuấn, nguyên là thành viên TT HĐQT ACB bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Kết quả điều tra cho thấy, từ ngày 15/5/2007 đến 3/8/2012, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 công ty do Kiên là Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch Hội đồng thành viên để kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trạng thái trái phép với tổng số tiền trên 21.490 tỷ đồng.

Trong đó, riêng hoạt động kinh doanh tài chính với tổng số tiền gần 10.000 tỷ đồng, Kiên đã thực hiện các hành vi: Góp vốn mua cổ phần lẫn nhau (sở hữu chéo); góp vốn mua cổ phiếu của các doanh nghiệp khác; phát hành trái phiếu để mua cổ phiếu của nhau, của các công ty khác, hoặc để bán cho ngân hàng khác (như Ngân hàng Phương Nam, ACB, MHB, Vietbank) và lấy tiền đó góp vốn lẫn nhau hay trả tiền cho các cá nhân, tổ chức để mua cổ phiếu của ngân hàng khác (Techcombank, ACB), hay cho nhau vay để mua cổ phiếu ngân hàng (Eximbank), thậm chí để gửi tiết kiệm; ủy thác cho cá nhân để mua cổ phiếu ngân hàng...

Cụ thể, đối với Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội, mặc dù không được cấp phép ngành nghề kinh doanh tài chính nhưng Kiên đã chỉ đạo Công ty sử dụng số tiền hơn 1.400 tỷ đồng để góp vốn vào các công ty khác và mua cổ phiếu Ngân hàng ACB, DaiAbank, Vietbank, KienLongbank và Eximbank.

Tương tự, đối với hành vi kinh doanh vàng trạng thái trái phép, mặc dù Công ty cổ phần Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam (Công ty Thiên Nam) không được cấp phép kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái, Kiên đã chỉ đạo Công ty này ký hợp đồng với Ngân hàng ACB để kinh doanh vàng trạng thái trên tài khoản ở nước ngoài và trong nước với tổng khối lượng giao dịch mua - bán là 462.500 ounce, 75.000 lượng vàng SJC tổng trị giá gần 11.800 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh trạng thái vàng ở nước ngoài và trong nước, Công ty Thiên Nam bị lỗ tổng số tiền là hơn 433 tỉ đồng (số tiền này, Ngân hàng ACB cho Công ty Thiên Nam nhận nợ đến năm 2015). Theo BLHS, tội kinh doanh trái phép quy định đối với người nào kinh doanh trái phép không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép…

Như vậy, rõ ràng, hành vi của Nguyễn Đức Kiên đã phạm vào tội danh trên, chứ không thể biện hộ như kiểu Nguyễn Đức Kiên “tôi thành lập, điều hành gần 100 doanh nghiệp, vậy sao chỉ quy kết 6 doanh nghiệp này làm trái?”. Bởi đối với các cơ quan tố tụng, có đầy đủ chứng cứ phạm tội đến đâu, kết luận đến đó theo đúng quy định của luật.

Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra cũng xác định, thông qua việc kinh doanh vàng trạng thái trái phép, Nguyễn Đức Kiên còn phạm tội trốn thuế theo Điều 161 của BLHS. Theo Cáo trạng, năm 2009, Công ty B&B kinh doanh giá vàng trên tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam với Ngân hàng ACB, thu được số tiền lãi hơn 100 tỷ đồng. Lợi dụng Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, Nguyễn Đức Kiên đã dùng thủ đoạn ký Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính ngày 25/12/2008 giữa Công ty B&B với bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên và cổ đông của Công ty B&B) để chuyển lợi nhuận của doanh nghiệp sang cho cá nhân nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty B&B số tiền hơn 25 tỷ đồng. Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật, đồng thời là người trực tiếp chỉ đạo điều hành mọi hoạt động của Công ty B&B; đồng thời Kiên còn là người chủ mưu, hướng dẫn người khác tham gia thực hiện tội phạm nên Kiên phải chịu trách nhiệm chính về hành vi trốn thuế.

Không chỉ thực hiện hành vi kinh doanh trái phép, Kiên còn lợi dụng việc mua bán cổ phần để tự mình và đẩy Trần Ngọc Thanh – Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (Công ty ACBI) cùng Nguyễn Thị Hải Yến – Kế toán trưởng phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt số tiền 264 tỷ đồng của Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát. Công ty ACB1 đang thế chấp 20 triệu cổ phần Công ty Cổ phần thép Hòa Phát để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ tại Ngân hàng ACB.

Mặc dù Ngân hàng ACB chưa có bất cứ văn bản nào đồng ý giải chấp số cổ phiếu trên nhưng với tư cách là Chủ tịch HĐQT của Công ty ACB1, Kiên đã chỉ đạo Thanh và Yến lập khống biên bản họp HĐQT và Quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương của HĐQT Công ty ACBI bán 20 triệu cổ phần Công ty Cổ phần thép Hòa Phát mà Công ty ACBI đang sở hữu để tạo lòng tin cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát ký hợp đồng mua cổ phần và chuyển giao số tiền 264 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vì đó là những cổ phiếu đang bị thế chấp tại Ngân hàng ACB nên Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát dù đã trả tiền nhưng không thể sở hữu được số cổ phiếu đã mua. Toàn bộ số tiền nhận được, Kiên đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh ký ủy nhiệm chi, chứng từ dùng số tiền này để chi trả cho các khoản nợ và sử dụng riêng (đến giữa năm 2013, Cơ quan CSĐT Bộ Công an mới thu giữ được toàn bộ số tiền 264 tỷ đồng từ các nguồn mà Công ty ACBI đã chi trả trước đó để trả lại cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát).

Là những người có kinh nghiệm và làm việc lâu năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, sự hiểu biết về luật pháp không thiếu, nhưng chính Nguyễn Đức Kiên và một số lãnh đạo chủ chốt của ACB lại thực hiện các hành vi ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB mang tiền của ACB đi gửi vào các tổ chức tín dụng (TCTD) khác và chỉ đạo, tổ chức việc đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB gây thiệt hại trước hết cho chính các cổ đông của ngân hàng do mình lãnh đạo – ACB. Các hành vi ấy không chỉ vi phạm Luật các tổ chức tín dụng mà đã cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 BLHS.

Kết quả điều tra cho thấy, ngày 22/3/2010, Ngân hàng ACB có cuộc họp Thường trực Hội đồng quản trị, với sự tham gia của Hội đồng sáng lập Ngân hàng, trong đó Trần Mộng Hùng (là Chủ tịch) và Nguyễn Đức Kiên (là Phó Chủ tịch). Tại đây, dù vị Chủ tịch Trần Mộng Hùng đưa ra phương án đúng đắn là giảm lãi suất huy động tiền gửi để giảm áp lực bị lỗ khi nhận tiền tiết kiệm mà không cho vay được, nhưng bị Kiên bác bỏ. Và Kiên đồng tình, chỉ đạo mọi người thực hiện theo phương án của Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc đưa ra là ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB mang tiền đi gửi vào các ngân hàng khác để vừa nhận được lãi suất tiền gửi, vừa được hưởng thêm “hoa hồng” khuyến mại theo quy định của từng ngân hàng nhận tiền gửi (các thành viên Thường trực Hội đồng quản trị là Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã thống nhất và cùng ký tên vào biên bản cuộc họp).

Thực hiện chủ trương này, Ngân hàng ACB đã tổ chức triển khai việc ủy thác cho các cá nhân gửi tiền vào các ngân hàng khác. Đặc biệt, từ ngày 27/6/2011 đến 5/9/2011, Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và ủy quyền cho kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa thực hiện việc ủy thác gửi số tiền hơn 718 tỷ đồng cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiết kiệm vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Toàn bộ số tiền ủy thác đã bị Huỳnh Thị Huyền Như sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt. Như vậy, hành vi thống nhất và ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền vào Vietinbank của Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo khác là làm trái quy định tại Điều 106 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 và đã gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền hơn 718 tỷ đồng.

Liên quan tới hành vi ban hành và chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB, các bị cáo: Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã tổ chức họp HĐQT ACB vào ngày 2/11/2009 đi đến thống nhất việc cấp hạn mức 700 tỷ cho Hội đồng đầu tư ACB mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và ủy quyền cho Kiên chỉ đạo đầu tư.

Dựa vào chủ trương đó, Nguyễn Đức Kiên và Lê Vũ Kỳ là hai người trực tiếp tổ chức thực hiện và gây ra hậu quả thiệt hại hơn 687 tỷ đồng cho ACB.

Cụ thể, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty TNHH Chứng khoán ACB (viết tắt là ACBS) tiến hành đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB và một số mã chứng khoán khác. Nhận thức rõ pháp luật không cho phép Công ty ACBS mua cổ phiếu Ngân hàng ACB vì Công ty ACBS là công ty chứng khoán do Ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn điều lệ nên Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBS ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Đầu tư Á Châu và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT/Hội đồng thành viên để đầu tư mua cổ phiếu ACB.

Việc đầu tư cổ phiếu của Ngân hàng ACB là trái với quy định tại Điều 29 Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính và gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 687 tỷ đồng.

 

 


Ý kiến của bạn