1. Biến chứng nhiễm toan ceton, nguy hiểm đến tính mạng do bỏ thuốc bác sĩ kê
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một trường hợp nam bệnh nhân, 16 tuổi, mắc đái tháo đường type 1, nhập viện trong tình trạng nhiễm toan ceton rất nặng, glucose máu tăng cao.
Được biết, bệnh nhân đã được thăm khám và điều trị đái tháo đường type 1 theo chương trình Quản lý Đái tháo đường của Bệnh viện Bạch Mai, hiệu quả điều trị tốt, bệnh nhân không gặp bất kỳ biến chứng nào.
Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị, bệnh nhân đã bỏ thuốc bác sĩ kê, tự ý mua thuốc trên mạng về điều trị. Chỉ sau 3 ngày dùng thuốc không rõ nguồn gốc, người bệnh thấy mệt mỏi, ý thức mơ màng, nhìn mờ, lượng máu thường xuyên cao hơn > 250 mg/dL khi đo bằng máy đo đường huyết cá nhân.
Điều trị cho ca bệnh này, ThS.BSNT Nguyễn Việt Hùng, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là những triệu chứng của nhiễm toan ceton, cần nhập viện gấp để theo dõi và điều trị. Nhiễm toan ceton là một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường vì có nguy cơ dẫn đến hôn mê, phù não và thậm chí là tử vong.
May mắn, sau khi được điều trị tích cực tại bệnh viện, bệnh nhân đã ổn định và được ra viện, tiếp tục điều trị đái tháo đường tại nhà, tái khám định kỳ.
2. Biến chứng đái tháo đường tiềm ẩn âm thầm nên đừng tự ý làm thay việc của bác sĩ
ThS.BSNT Nguyễn Việt Hùng cho biết, đái tháo đường là bệnh lý nội tiết mạn tính, đòi hỏi người bệnh cần kết hợp điều chỉnh lối sống và dùng thuốc lâu dài. Mục đích điều trị đái tháo đường nhằm giúp kiểm soát đường huyết ổn định, hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Cho đến nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm căn bệnh này. Do đó, bệnh nhân tuyệt đối không nên tin vào những lời quảng cáo có thể chữa khỏi đái tháo đường, ThS.BSNT Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
Những loại thuốc sau đây thường được chỉ định trong điều trị đái tháo đường:
- Thuốc không phải insulin (thường là viên uống) có nhóm metformin, thiazolidinedione có tác dụng giảm lượng glucose mà gan sản xuất, cải thiện cách hoạt động của insulin, làm chậm quá trình chuyển đổi carbohydrate thành đường.
- Thuốc gây tăng tiết insulin như nhóm sulfonylureas, meglitinides, thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 giúp cơ thể tạo ra nhiều insulin hơn, làm giảm lường đường trong máu.
- Thuốc có tác dụng làm chậm hấp thu chất béo và glucose từ ruột như nhóm ức chế men alpha – glucosidase, ức chế SGLT2 làm giảm đường huyết, ngăn ngừa biến chứng.
- Insulin chủ yếu dùng trong điều trị đái tháo đường type 1, có thể dùng ở bệnh nhân đái đường type 2 khi cần. Có nhiều loại insulin tác dụng nhanh, kéo dài, bác sĩ sẽ chỉ định loại insulin phù hợp với từng tình trạng.
Việc tự ý dừng thuốc điều trị có thể dẫn đến nhiều hậu quả khó lường đối với sức khỏe. Hơn nữa, các biến chứng của đái tháo đường thường tiến triển âm thầm. Người bệnh thường cảm thấy các triệu chứng bất thường khi tình trạng đã nặng.
Chính vì vậy, điều quan trọng nhất trong điều trị đái tháo đường là bệnh nhân cần tuân thủ dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ. Cùng với đó, cần kết hợp chế độ ăn uống, vận động phù hợp và tái khám thường xuyên để đánh giá hiệu quả điều trị, theo dõi và phòng ngừa biến chứng.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Phòng bệnh hô hấp khi thời tiết chuyển lạnh