Chế ngự tác dụng xấu của kháng sinh tetracycline

07-09-2015 15:02 | Dược
google news

SKĐS - Tetracyclin là kháng sinh được sử dụng điều trị nhiều bệnh khác nhau bởi có công hiệu tốt, tuy vậy, thuốc có nhiều tác dụng phụ...

Tetracyclin là kháng sinh được sử dụng điều trị nhiều bệnh khác nhau bởi có công hiệu tốt, tuy vậy, thuốc có nhiều tác dụng phụ, thậm chí có thể gây nguy hiểm.

Vai trò của tetracyclin

Mặc dù tetracyclin được phát hiện từ thế kỷ trước (1948) nhưng đến nay, vai trò của chúng vẫn còn giá trị trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Bởi vì, tetracyclin là một loại kháng sinh có tác dụng tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn do chúng có tác dụng ức chế quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn làm cho vi khuẩn không thể sinh sôi và phát triển được. Tetracyclin là một loại kháng sinh có hoạt phổ rộng, do chúng có tác dụng trên cả vi khuẩn gram âm (E.coli, Helicobacter pylori, Pseudomanas aeruginosa, bệnh tả...), gram dương (tụ cầu, liên cầu, não mô cầu, lậu cầu), vi khuẩn kỵ khí (C.difficil). Tetracyclin là một loại kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn Chlamydia gây bệnh mắt hột, bệnh đường sinh dục tiết niệu. Tetracyclin có tác dụng tốt đối với các bệnh do vi khuẩn Mycopasma gây ra (viêm đường sinh dục, tiết niệu; bệnh viêm phổi). Một số bệnh do vi khuẩn Rickettsia gây ra như bệnh sốt mò, sốt vẹt, tetracycline vẫn còn có vai trò quan trọng trong điều trị các bệnh này.

Nổi mề đay cấp tính do dùng tetracyclin bừa bãi.

Đối với một số bệnh do các loại xoắn khuẩn gây ra như sốt vàng da chảy máu (do vi khuẩn Leptosspira), bệnh giang mai (do Treponema palidum), có thể sử dụng kháng sinh tetracycline để điều trị kết hợp. Các chủng vi khuẩn kháng lại tetracyclin là do vị trí gắn tetracyclin trên ribosom bị biến đổi, bởi vậy, tetracyclin không gắn được vào ribosom của vi khuẩn và mất tác dụng với vi khuẩn đó gọi là vi khuẩn kháng lại tetracyclin. Tuy vậy, nếu dùng không đúng chỉ định, dùng bừa bãi (tự mua thuốc để điều trị) có thể gặp một số tác dụng không mong muốn.

Với dạng uống, tetracyclin được hấp thu qua đường tiêu hóa, nếu uống thuốc lúc đói, có khoảng 80% tetracyclin được hấp thu. Thuốc được thải trừ qua nước tiểu và có một lượng nhất định tập trung ở gan, bài tiết qua mật vào ruột, một phần được tái hấp thu trở lại qua vòng tuần hoàn gan - ruột. Tetracyclin sau khi vào ruột đa phần được hấp thu vào máu, đi khắp cơ thể, một lượng nhỏ được lưu lại trong niêm mạc ruột và làm thay đổi hoạt động của vi khuẩn đường ruột (vi khuẩn chí), rồi bị thải theo phân ra ngoài.

Đề phòng tác dụng không mong muốn khi sử dụng tetracyclin

Việc sử dụng tetracyclin có thể xuất hiện một số tác dụng không mong muốn, nếu người mẹ mang bầu hoặc đang cho con bú và trẻ em dưới 8 tuổi sử dụng tetracyclin sẽ làm cho răng có màu vàng, xám, nâu vĩnh viễn ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Đó là chưa kể nếu người mẹ mang bầu ở những tháng cuối thai kỳ, tetracyclin sẽ làm ngăn chặn sự phát triển xương của trẻ làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của thai nhi. Bên cạnh đó, thuốc tetracyclin dạng uống khi vào dạ dày có thể kích ứng niêm mạc dạ dày gây cảm giác khó chịu, bỏng rát bụng, bỏng rát sau xương ức, cảm giác buồn nôn và nôn. Ngoài ra, tetracyclin có thể làm giảm nhu động của ruột gây rối loạn tiêu hóa (đầy hơi, trướng bụng, không muốn ăn) hoặc nếu dùng tetracyclin cùng với thuốc chống acid trong điều trị bệnh dạ dày, tá tràng sẽ làm giảm tác dụng của chúng. Các tác giả cho biết rằng, tetracyclin có thể gây ức chế tổng hợp protein gây ra ứ đọng các axit amin, làm dư thừa các axit amin gây tăng phân giải tạo ra các sản phẩm urê và nitơ (urê máu sẽ cao).

Một số trường hợp, nếu dùng tetracyclin với liều cao và kéo dài có thể gây ra nhiễm độc gan, tụy tạng. Điều đáng chú ý nhất là dị ứng với thuốc tetracyclin, một thể bệnh rất nguy kịch, thậm chí sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng, nhất là người có cơ địa dị ứng (hen suyễn, viêm da cơ địa, chàm, mề đay,...).

Tetracyclin nếu dùng một cách bừa bãi ngoài khả năng gây tác dụng không mong muốn đề cập ở trên còn có thể làm cho vi khuẩn kháng thuốc gây không ít khó khăn cho việc điều trị và còn ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.

Nên làm gì để hạn chế tác dụng không mong muốn của thuốc?

Trước hết phải sử dụng tetracyclin theo chỉ định của bác sĩ (uống đúng liều lượng, đủ ngày), không tự mua thuốc để điều trị. Nếu thuộc cơ địa dị ứng hoặc đang mắc các bệnh dị ứng, mỗi lần đi khám bệnh cần cho bác sĩ biết thông tin này. Không nên dùng dạng thuốc tiêm, truyền tĩnh mạch, chỉ nên dùng dạng uống và sau khi ăn sẽ an toàn hơn.

Đối với người cao tuổi, người bị bệnh suy gan, suy thận (hoặc tiền sử đã mắc bệnh về gan, thận), trẻ em dưới 8 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú hoặc người có mẫn cảm với tetracyclin không được dùng tetracyclin (chống chỉ định). Để thuốc ngấm được tối đa vào máu, không uống thuốc với sữa, bởi vì tetracyclin gặp sữa sẽ bị kết tủa hoàn toàn và vì vậy, hết công dụng chữa bệnh.

TTƯT. PGS.TS. Bùi Khắc Hậu

 


Ý kiến của bạn