Chế độ tiền lương, lợi ích phải tương xứng với năng lực của đội ngũ quản lý doanh nghiệp nhà nước

03-03-2024 11:38 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 3/3, Thường trực Chính phủ đã có cuộc gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang đồng chủ trì buổi gặp mặt.

Phát biểu khai mạc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự nỗ lực, những kết quả đạt được của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của đất nước. Các DNNN thời gian qua đã phát huy vai trò trong khó khăn, thách thức, trưởng thành hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn; bảo toàn, sử dụng hiệu quả nguồn vốn; bảo đảm đời sống người lao động và tham gia bảo đảm an sinh xã hội…

Chế độ tiền lương, lợi ích phải tương xứng với năng lực của đội ngũ quản lý doanh nghiệp nhà nước- Ảnh 1.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự nỗ lực, những kết quả đạt được của các DNNN - Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tóm tắt tình hình sản xuất kinh doanh của DNNN năm 2023 và đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy tối đa vai trò của các doanh nghiệp trong phát triển KT-XH năm 2024.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của DNNN khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch; trong đó doanh thu của riêng 19 Tập đoàn, Tổng công ty và Tập đoàn Viettel đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu của toàn bộ DNNN. Lợi nhuận trước thuế của DNNN khoảng 125,8 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp NSNN ước thực hiện khoảng 166 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.

Chế độ tiền lương, lợi ích phải tương xứng với năng lực của đội ngũ quản lý doanh nghiệp nhà nước- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng: Năm 2023, các DNNN đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm - Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, DNNN ngày càng thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đóng góp thiết thực vào xây dựng, phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của khu vực DNNN còn bộc lộ một số hạn chế như: Một số DNNN chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao, giải ngân vốn đầu tư cả năm 2023 chưa đạt kế hoạch đề ra, một số DNNN hoạt động còn thua lỗ…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ một số bài học kinh nghiệm: 

Thứ nhất, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của DNNN nói chung và người lao động trong DNNN nói riêng chưa tương xứng; người lao động, nhất là lao động quản lý không được khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Chế độ tiền lương, lợi ích phải tương xứng với năng lực của đội ngũ quản lý doanh nghiệp nhà nước- Ảnh 3.

DNNN ngày càng thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế - Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Thứ hai, cần phát huy tối đa và tập trung mọi nguồn lực DNNN đang nắm giữ cho đầu tư phát triển, nhất các công trình hạ tầng quan trọng quốc gia, đầu tư nắm bắt các công nghệ cốt lõi, phát triển các ngành, nghề và sản phẩm mới phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Thứ ba, phải lựa chọn, bổ nhiệm đội ngũ quản lý DNNN có trình độ, kinh nghiệm quản lý giỏi; đồng thời, có chế độ tiền lương và lợi ích tương xứng với năng lực và kết quả quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, năm 2024, dự báo kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức lớn hơn, nhất là đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và cũng là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025.

Ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong đó một số nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng các doanh nghiệp, đặc biệt khu vực DNNN cần triển khai thực hiện như: Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn; Triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch điện VIII; Tiếp tục chuyển dịch, phát triển và phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số; phổ cập nền tảng số quốc gia; Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các lĩnh vực mới nổi, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới...

Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024 để thảo luận nhiều nội dung quan trọngThủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024 để thảo luận nhiều nội dung quan trọng

SKĐS - Sáng nay (2/3), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, thảo luận nhiều nội dung quan trọng về tình hình KT-XH tháng 2 và 2 tháng đầu năm, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công…


Lê Bảo
Ý kiến của bạn