1. Vai trò của tập luyện đối với bệnh viêm cơ tim
Với bệnh lý tim mạch nói chung và viêm cơ tim nói riêng, tạo thói quen tập thể dục rất quan trọng. Hoạt động thể chất có thể tăng cường cơ tim, giúp kiểm soát huyết áp và mức cholesterol, hỗ trợ phòng ngừa các biến chứng viêm cơ tim.
Theo GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, vận động là một trong những biện pháp thể lực giúp giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch, trong đó có viêm cơ tim. Bởi vận động giảm mỡ máu, giảm dung nạp đường huyết, tăng sức chịu đựng của cơ tim….
Viêm cơ tim có thể làm suy yếu cơ tim và giảm khả năng bơm máu nên hoạt động thể chất cần kiểm soát để tránh làm tăng áp lực lên tim. Tập thể dục tốt với tim là cường độ vận động cần vừa đến mạnh, chứ không quá mạnh. Lúc này, cơ thể vừa đủ sức chịu đựng, hơi vã mồ hôi nhẹ là vận động tốt nhất cho tim phổi.
Mỗi người bệnh có mức độ bệnh lý khác nhau và những giới hạn về khả năng chịu đựng vận động. Do đó việc tập luyện cần dựa trên sự đánh giá chi tiết về sức khỏe tim mạch theo cá nhân hóa để xây dựng một kế hoạch luyện tập phù hợp nhất mà người đó có thể chịu đựng.
2. Các bài tập phù hợp với bệnh viêm cơ tim
2.1. Các bài tập Aerobic
Các bài tập này không cần quá nhiều sức, không quá nặng nên với những người viêm cơ tim sẽ an toàn. Những người có vấn đề tim mạch có thể tập luyện khoảng 20-25 phút mỗi buổi tập và nên tập những bài tập nhẹ nhàng khoảng 5 buổi/tuần. Người viêm cơ tim cần tránh những bài tập mang tính đột ngột vì sẽ khiến tim phải hoạt động nhiều hơn.
2.2. Đạp xe đạp
Đạp xe đạp nhẹ nhàng không chỉ cải thiện sự dẻo dai của cơ bắp mà còn tăng sức bền cho tim, thúc đẩy cho quá trình tuần hoàn máu, trao đổi chất. Những người bệnh viêm cơ tim, đạp xe đạp tại nhà với máy tập đảm bảo an toàn. Mọi người chủ động được thời gian tập luyện của mình và không bị ảnh hưởng các yếu tố bên ngoài như thời tiết.
2.3. Đi bộ
Đi bộ có thể giúp cơ thể giảm nguy cơ tăng huyết áp, cholesterol trong máu. Mỗi ngày, mọi người chỉ cần bỏ ra 30 phút để đi bộ có thể giảm 18% nguy cơ mắc bệnh tim mạch nói chung, viêm cơ tim nói riêng.
2.4. Chạy bộ
Với người bệnh viêm cơ tim, buổi tập cần bắt đầu chạy chậm, sau đó nhanh dần nhưng cần phải lưu ý vừa sức và đều đặn. Buổi tập đầu tiên nên chạy quãng đường ngắn khoảng vài chục mét đến vài trăm, sau tăng dần lên. Nếu thấy mệt, cần chạy chậm lại trước khi dừng hẳn. Mỗi tuần nên chạy 3-4 lần là phù hợp.
3. Một số lưu ý về tần suất, môi trường tập luyện với người viêm cơ tim
Theo TS.BS. Phạm Quang Thuận (Bệnh viện Thể thao Việt Nam) chia sẻ với Sức khỏe và Đời sống, thời gian tập luyện cần được điều chỉnh hợp lý. Người bệnh tim mạch không nên tập quá lâu. Mỗi buổi tập, thời gian tối đa duy trì chỉ nên từ 30 - 45 phút, kết hợp với các khoảng nghỉ để đảm bảo tim không bị quá tải. Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào, người bệnh viêm cơ tim nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định mức độ an toàn và loại hình tập phù hợp.
Người bị viêm cơ tim cần phải cẩn trọng khi tập thể dục để tránh gây hại cho tim. Một số lưu ý về tần suất, môi trường tập luyện với người viêm cơ tim:
+ Chọn bài tập nhẹ nhàng và tránh cường độ cao: Các bài tập có cường độ cao như chạy nhanh, tập tạ nặng hoặc các bài tập cardio mạnh có thể gây áp lực lớn lên tim. Thay vào đó, người bệnh có thể chọn đi bộ, yoga nhẹ, đạp xe chậm và các bài tập thở.
+ Thời gian tập luyện ngắn và chia nhỏ thời gian trong ngày: Thay vì tập một lúc lâu, người bệnh có thể tập ngắn trong 10-15 phút và chia thành nhiều lần trong ngày để tránh làm tim mệt mỏi.
+ Tăng dần cường độ tập luyện theo tiến triển sức khỏe: Khi tim hồi phục, có thể từ từ tăng thời gian và mức độ tập luyện nhưng phải dưới sự giám sát của chuyên gia.
+ Giám sát nhịp tim và cảm giác cơ thể: Người bệnh nên thường xuyên theo dõi nhịp tim trong khi tập và chú ý đến bất kỳ dấu hiệu nào như mệt mỏi, đau ngực, khó thở hoặc chóng mặt. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào như vậy cần dừng tập ngay và nghỉ ngơi.
+ Chú ý môi trường tập luyện:
Người bệnh viêm cơ tim nên chú ý đến tác động tiêu cực từ bên ngoài, từ môi trường tập luyện vì môi trường tập luyện khắc nghiệt sẽ làm tăng áp lực lên tim mạch. Cần tránh tập luyện trong điều kiện thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, độ ẩm cao. Vận động ở thời tiết có độ ẩm cao làm mau mệt.
+ Không tập lúc quá đói hoặc quá no
Tập luyện lúc đói dễ bị hạ đường huyết, còn khi quá no có thể khiến lượng máu tập trung vào hệ thống tiêu hóa. Thể tích dạ dày tăng lên, chèn ép cơ hoành, hạn chế cung cấp đủ oxy cho tim, não, dẫn đến ngất xỉu. Trong quá trình tập luyện, người viêm cơ tim cần chú ý bổ sung nước.
4. Thời điểm tập tốt trong ngày với người viêm cơ tim
4.1. Buổi sáng
Tập luyện vào buổi sáng giúp khởi động cơ thể, kích thích tuần hoàn máu và tinh thần minh mẫn cho cả ngày. Nhiệt độ cơ thể vào buổi sáng thường ổn định hơn, tránh nguy cơ căng thẳng cho tim do nhiệt độ cao vào giữa ngày. Tuy vậy cần tránh tập ngay khi vừa mới dậy, nên tập khi đã ăn nhẹ để cung cấp năng lượng cho cơ thể, đó có thể chỉ là trái cây hoặc bánh mì ngũ cốc…
4.2. Buổi chiều
Người viêm cơ tim nên lựa chọn khoảng thời gian 16 giờ trở ra. Thời điểm này tập luyện có thể giúp cơ thể thoải mái, giảm stress sau giờ làm việc, đốt cháy năng lượng. Cần lưu ý tránh tập gần bữa ăn chính khoảng 1 – 2 tiếng. Việc tập luyện cũng nên vừa phải với cường độ nhẹ, không nên thực hiện các bài tập mạnh.
Chuyên gia khuyến cáo, để đảm bảo an toàn nhất thì trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào, người mắc viêm cơ tim nên hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình. Điều này bao gồm việc khám sức khỏe định kỳ và có sự tư vấn của các bác sĩ giúp đảm bảo bạn tập luyện đúng cường độ và tránh những rủi ro không mong muốn.