Tăng huyết áp là một bệnh phổ biến khắp toàn cầu và mọi lứa tuổi có thể mắc, tuy nhiên người trưởng thành, nhất là người cao tuổi thì có tỉ lệ tăng huyết áp cao hơn.
Để đảm bảo sức khỏe và tăng tuổi thọ cho người cao tuổi (NCT) bị tăng huyết áp thì cần có chế độ sinh hoạt hợp lý.
Yếu tố làm tăng huyết áp
Ở người bình thường, huyết áp dưới 120/80mmHg. Vào năm 1978, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quy định khi nào huyết áp 160/95mmHg được gọi là tăng huyết áp. Nhưng sau một năm (1999), WHO quy định lại là người bị tăng huyết áp khi chỉ số đo huyết áp từ 140/90mmHg trở lên, đồng thời WHO và Hội đồng huyết áp thế giới phân độ tăng huyết áp như sau:
Tăng độ I khi huyết áp từ 140 - 159/90 - 99mmHg; tăng độ II khi huyết áp từ 160 - 179/100 - 109mmHg và tăng huyết áp độ III khi huyết áp từ 180/110mmHg trở lên. Và được quy định huyết áp mục tiêu là huyết áp dưới 140/90mmHg (riêng người bị đái tháo đường thì huyết áp mục tiêu là dưới 130/80mmHg). Tuy vậy, ở người huyết áp bình thường thì trong một ngày, đêm (24 giờ) lúc ngủ huyết áp đỉnh sẽ thấp hơn lúc làm việc bình thường khoảng 20mmHg, cao hơn đỉnh lúc buổi chiều là 10%. Huyết áp bình thường cũng có thể thay đổi và biến thiên theo thời gian (huyết áp thấp nhất vào khoảng từ 1 - 3 giờ sáng lúc đang ngủ say và huyết áp cao nhất vào khoảng từ 8 - 10 giờ sáng).
Thực phẩm cho người tăng huyết áp
Cho đến nay, có khoảng từ 93 - 95% số người tăng huyết áp không rõ nguyên nhân (được gọi là tăng huyết áp nguyên phát) và số người tăng huyết áp biết được nguyên nhân chỉ chiếm khoảng từ 5 - 7% (gọi là tăng huyết áp thứ phát). Loại tăng huyết áp thứ phát thường gặp ở những bệnh nhân có bệnh về thận (suy thận, viêm thận mãn…), hẹp eo động mạch chủ, bệnh cường giáp trạng hoặc do dùng một số thuốc có tác dụng phụ làm tăng huyết áp.
Các thống kê cho thấy rằng ở những người bị bệnh đái tháo đường, nghiện thuốc lá, nghiện rượu thì có tỉ lệ bị tăng huyết áp huyết áp cao hơn những người không bị đái tháo đường hoặc không nghiện rượu hoặc không nghiện thuốc lá. Những người cao tuổi bị tăng mỡ máu (cholesterol, tryglicerit), xơ vữa động mạch thì tỉ lệ bị tăng huyết áp cao hơn. Ngoài ra, tăng huyết áp còn gặp ở những người cao tuổi ít vận động (tuổi cao, sức yếu), béo phì, có thói quen ăn mặn hoặc bị các tác động xấu về tâm lý kéo dài (trong gia đình, bạn bè, xã hội…) hoặc do yếu tố gia đình. Tuy nhiên, để đánh giá có bị tăng huyết áp hay không phải được đo huyết áp đúng quy định, máy dùng để do huyết áp phải là máy có độ chính xác cao (tốt nhất là máy có cột thủy ngân hoặc máy đo áp lực và có tai nghe) và phải là người biết đo huyết áp. Khi một người đến khám bệnh đo huyết áp thấy 140/90mmHg thì chưa nên kết luận người đó bị tăng huyết áp mà nên được kiểm tra lại vài ba kỳ trong vòng một tháng, mỗi một kỳ nên tiến hành đo ít nhất 3 lần, trước mỗi một lần đo người bị nghi tăng huyết áp đó phải được nghỉ ngơi khoảng 20 phút và trước đó không uống bia, rượu, cà phê và không hút thuốc lá.
Chế độ sinh hoạt ở người tăng huyết áp
Triệu chứng của bệnh tăng huyết áp rất nghèo nàn thậm chí nhiều người bị tăng huyết áp nhưng không biết do không có biểu hiện gì khác thường, thậm chí có trường hợp khi bị tai biến mới biết rằng mình bị tăng huyết áp. Vì vậy, người cao tuổi nên được khám sức khỏe theo định kỳ để xem có bị tăng huyết áp hay không.
Người bị tăng huyết áp thì hàng ngày không nên ăn mặn, hạn chế hoặc kiêng uống rượu bia, nhất là đối với người đã bị tăng huyết áp ở độ II hoặc độ III. Thay vì ăn thịt thì nên ăn cá do trong cá có loại protein làm giảm huyết áp và trong một tuần nên ăn nhiều cá hơn thịt (khoảng từ 3 - 4 lần). Đối với thịt đỏ (thịt trâu, bò, dê, ngựa, chó) càng hạn chế ăn càng tốt.
Chất magiê, cũng có tác dụng làm hạn chế tăng huyết áp, vì vậy, nên tăng cường ăn loại thức ăn như giá đỗ, chuối chín, đậu, đỗ, khoai sọ, ngô, khoai tây. Để hạn chế xơ vữa động mạch (vì xơ vữa động mạch làm tăng huyết áp và các nguy cơ tai biến về tim mạch) cũng nên ăn thêm các loại thực phẩm có chứa chiều vitamin C, vi tamin PP như: các loại quả chín (cam, quýt, bưởi…) hoặc rau (rau dền, rau ngót, rau đay, rau sam). Nên tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng, không nên tập những động tác mạnh, khó và tùy theo sức và điều kiện của từng người mà lựa chọn hình thức tập cho phù hợp. Mỗi một ngày nên có sự vận động cơ thể bằng mọi hình thức với thời gian khoảng từ 30 - 60 phút chia làm 2 - 4 lần.
Đi bộ, vừa đi vừa hít thở cũng là một hình thức tốt để vận động cơ thể. Tuy vậy, không nên tập thể dục hoặc đi bộ vào lúc trời lạnh hoặc nắng, nóng hoặc mưa. Nên chọn vị trí tập sao cho thuận tiện nhất đối với từng người. Không nên đi vào các đường đông xe cộ qua lại hoặc vùng có nhiều bụi băm, tiếng ồn. Những người có tuổi cao, sức yếu bị tăng huyết áp thì không nên leo trèo, không nên lên xuống cầu thang sẽ rất nguy hiểm, nếu không có người hỗ trợ.
Người bị tăng huyết áp cũng nên lưu ý là cần dùng thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình. Tuyệt đối không tự động bỏ thuốc hoặc thay đổi thuốc hoặc nghe theo sự mách bảo của người khác hoặc dùng đơn thuốc của bệnh nhân khác để điều trị cho mình. Bởi vì thuốc điều trị hạ huyết áp có nhiều nhóm khác nhau, mỗi một nhóm có cơ chế tác dụng khác nhau và có thể nhóm thuốc này phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người kia.
PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU