Cử tri kiến nghị nghiên cứu chế độ tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề phù hợp với vị trí việc làm đối với viên chức ngành y tế và có chính sách thu hút nguồn nhân lực về công tác tại tuyến y tế cơ sở, nhất là các cơ sở y tế miền núi, vùng khó khăn.
Thông tin đến cử tri về chế độ tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề cho viên chức ngành y tế, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập thực hiện theo quy định tại các văn bản:
- Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập;
- Nghị định 05/2023/NĐ-CP ngày 15/02/2023 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập;
- Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐ-CP.
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đang triển khai thực hiện xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề thay thế Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ, dự kiến ban hành trong năm 2024.
Đối với kiến nghị cần có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích đội ngũ y, bác sỹ giỏi về công tác ở các tuyến cơ sở; đầu tư trang thiết bị; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các tuyến, nhất là tuyến cơ sở, Bộ Y tế cho hay, Bộ luôn xác định việc giữ chân nhân viên y tế tại các tuyến y tế cơ sở là một nhiệm vụ trọng tâm.
Trong những năm qua, Bộ Y tế đã triển khai các chương trình luân phiên đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo theo Dự án 585. Dự án này nhằm mục tiêu đào tạo và cung cấp bác sĩ chuyên khoa cấp I với trình độ kỹ thuật chuyên môn cao cho các vùng khó khăn.
Chương trình tập trung vào các đối tượng là bác sĩ đã được tuyển dụng tại các cơ sở y tế các huyện khó khăn, biên giới, hải đảo và phải cam kết công tác tối thiểu 5 năm sau khi tốt nghiệp đào tạo chuyên khoa cấp I.
Phương thức đào tạo đặc thù của dự án bao gồm: Đào tạo liên tục trong 24 tháng theo phương pháp "cầm tay chỉ việc", với mỗi giảng viên kèm cặp một học viên; Chương trình đào tạo được xây dựng riêng cho từng chuyên ngành, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu cụ thể của từng địa phương.
Từ năm 2013 đến nay, dự án đã tiếp nhận và đào tạo 25 khóa bác sĩ chuyên khoa cấp I với tổng số 699 bác sĩ, trong đó đã bàn giao 402 bác sĩ cho 94 huyện khó khăn, biên giới thuộc 22 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Hiện nay, còn 297 bác sĩ đang được đào tạo tại 5 Trường Đại học Y trên cả nước.
Dự án dự kiến sẽ tiếp tục triển khai đến năm 2030, với sự tài trợ thông qua Quỹ Thiện Tâm, mỗi năm dự kiến chương trình luân phiên đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo theo Dự án 585 sẽ đào tạo từ 100-200 bác sĩ theo nhu cầu của các bệnh viện và trung tâm y tế thuộc các huyện nghèo, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo đề xuất.