Chế độ phụ cấp cho cán bộ làm việc tại cơ sở điều trị nghiện ma túy

09-04-2016 18:35 | Xã hội
google news

SKĐS - Mức phụ cấp ưu đãi y tế là 70% áp dụng đối với công chức, viên chức chuyên môn y tế trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, xét nghiệm cho người nghiện ma tuý bị bệnh HIV/AIDS

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập, trong đó quy định mức phụ cấp cao nhất là 70%.

Cụ thể, Nghị định trên quy định, công chức, viên chức làm việc tại cơ sở quản lý người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy gồm: Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện; cơ sở cai nghiện bắt buộc (cơ sở điều trị nghiện bắt buộc); cơ sở xã hội; cơ sở đa chức năng; cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy được hưởng trợ cấp đặc thù với mức tối thiểu bằng 500.000 đồng/người/tháng.

Phụ cấp tại cơ sở quản lý người nghiện

Phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy gồm 2 loại phụ cấp là: Phụ cấp ưu đãi y tế; phụ cấp ưu đãi giáo dục.

Trong đó, mức phụ cấp ưu đãi y tế là 70% áp dụng đối với công chức, viên chức chuyên môn y tế trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, xét nghiệm cho người nghiện ma tuý bị bệnh HIV/AIDS.

Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức trực tiếp làm chuyên môn y tế và người trực tiếp làm các công việc trông coi, bảo vệ, vận chuyển, phục vụ người nghiện ma tuý bị nhiễm HIV/AIDS tại các cơ sở ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức trực tiếp làm chuyên môn y tế và người trực tiếp làm các công việc trông coi, bảo vệ, vận chuyển, phục vụ người nghiện ma tuý bị nhiễm HIV/AIDS tại các cơ sở ở các vùng còn lại.

 

dieu-tri-nghien-ma-tuy

Bệnh nhân nhận thuốc điều trị Suboxone tại Trung tâm y tế dự phòng quận Gò Vấp TP. HCM. Ảnh: Khương Quỳnh

Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với công chức, viên chức chuyên môn y tế và người trực tiếp phục vụ người nghiện ma tuý trong quá trình điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma tuý tại các cơ sở ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Còn mức phụ cấp 30% áp dụng đối với công chức, viên chức chuyên môn y tế và người trực tiếp phục vụ người nghiện ma tuý trong quá trình điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma tuý tại các cơ sở ở các vùng còn lại.

Về phụ cấp ưu đãi giáo dục, mức phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức trực tiếp dạy văn hoá, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách và dạy nghề cho người nghiện ma tuý, người sau cai nghiện ma túy và người nhiễm HIV/AIDS tại các cơ sở ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức trực tiếp dạy văn hoá, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách và dạy nghề cho người nghiện ma tuý, người sau cai nghiện ma túy và người nhiễm HIV/AIDS tại các cơ sở ở các vùng còn lại.

Mức phụ cấp 25% áp dụng đối với công chức, viên chức làm công tác quản lý không trực tiếp làm chuyên môn y tế, dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách và dạy nghề tại các cơ sở ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và mức phụ cấp 15% áp dụng đối với công chức, viên chức làm công tác này tại các cơ sở ở các vùng còn lại.

Phụ cấp với người làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội

Nghị định cũng quy định, mức phụ cấp 70% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần; người khuyết tật đặc biệt nặng.

Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp cho người cao tuổi không tự phục vụ được, trẻ em dưới 4 tuổi.

Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp người khuyết tật nặng.

Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp trẻ em từ 4 tuổi trở lên, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp, người cao tuổi.

Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với công chức, viên chức quản lý, phục vụ không trực tiếp xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp đối với người nhiễm HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần; người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; người cao tuổi không tự phục vụ được, trẻ em dưới 4 tuổi.

Đối với công chức, viên chức không trực tiếp làm chuyên môn công tác xã hội và y tế; công chức, viên chức công tác xã hội và y tế làm công tác quản lý, phục vụ tại các cơ sở (trừ đối tượng được hưởng phụ cấp 30% ở trên) thì thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để xem xét, quyết định nhưng không vượt quá mức 20% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.

Mỗi công chức, viên chức chỉ được hưởng một loại phụ cấp ưu đãi theo nghề với mức phụ cấp ưu đãi cao nhất quy định tại Nghị định này. Công chức, viên chức thuộc đối tượng áp dụng của chính sách quy định tại Nghị định này, đồng thời thuộc đối tượng áp dụng của chính sách cùng loại quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác thì chỉ được hưởng một mức cao nhất của chính sách đó.

* Mức tiền phụ cấp ưu đãi theo nghề được hưởng = mức lương cơ sở x (hệ số lương ngạch, chức danh nghề nghiệp, bậc hiện hưởng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)) x mức phụ cấp ưu đãi theo nghề được hưởng.


NV
Ý kiến của bạn