1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bị hôn mê
Chế độ dinh dưỡng phù hợp rất quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi cho người bệnh hôn mê. Việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng giúp duy trì chức năng cơ thể, hỗ trợ quá trình chữa lành và giảm thiểu các biến chứng. Người bệnh hôn mê thường gặp tình trạng suy dinh dưỡng do không thể ăn uống bình thường, dẫn đến suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng và kéo dài thời gian nằm viện.
Dinh dưỡng đầy đủ giúp duy trì khối lượng cơ, chức năng hô hấp và các cơ quan trong cơ thể, đồng thời ổn định đường huyết, điện giải và các chức năng sinh lý khác. Các phương pháp cung cấp dinh dưỡng bao gồm nuôi ăn qua ống thông dạ dày và nuôi ăn qua đường tĩnh mạch, tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.
Nghiên cứu của Hiệp hội Chăm sóc Tích cực Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá dinh dưỡng sớm và can thiệp kịp thời, cho thấy việc cung cấp đủ calo và protein giúp cải thiện đáng kể kết quả điều trị, giảm tỷ lệ biến chứng và thời gian nằm viện. Việc theo dõi chặt chẽ các chỉ số dinh dưỡng và điều chỉnh chế độ ăn phù hợp là rất cần thiết.
Như vậy, chế độ ăn đóng vai trò không thể thiếu trong việc chăm sóc người bệnh hôn mê, giúp tăng cường khả năng phục hồi và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
2. Tham khảo một số thông tin về chế độ ăn cho người bị hôn mê
Theo Hiệp hội Chăm sóc Tích cực Hoa Kỳ, dinh dưỡng cực kỳ quan trọng đối với sự phục hồi, chữa lành vết thương, giảm nguy cơ nhiễm trùng và lấy lại sức lực. Dinh dưỡng hỗ trợ giải quyết các thay đổi về cân nặng và sức mạnh do bệnh nặng. Hiệp hội Chăm sóc Tích cực Hoa Kỳ cũng khuyến khích chế độ ăn giàu năng lượng và protein để hỗ trợ phục hồi.
Thông thường, chuyên gia dinh dưỡng sẽ tính toán lượng dinh dưỡng người bệnh cần và sẽ cung cấp lượng dinh dưỡng này bằng cách sử dụng thức ăn lỏng chế biến sẵn. Chuyên gia dinh dưỡng và đội ngũ y tế ICU sẽ theo dõi mức độ hấp thụ dinh dưỡng của người bệnh.

Việc lựa chọn phương pháp nuôi ăn phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân và được bác sĩ chỉ định. Ảnh: familydoctor
2.1. Phương pháp nuôi ăn
Nuôi ăn qua ống vào dạ dày (gọi là nuôi ăn đường ruột)
Người bệnh cần sự trợ giúp để thở từ máy thở (máy hỗ trợ hô hấp), trường hợp này sẽ được cung cấp dinh dưỡng dạng lỏng (còn gọi là dinh dưỡng nhân tạo, nuôi ăn đường ruột hoặc nuôi ăn qua ống) thông qua một ống nhựa mỏng. Những ống nuôi ăn này đi qua mũi và sau đó vào dạ dày hoặc ruột non của người bệnh.
Sau khi ống thở được rút ra, người bệnh có thể tiếp tục sử dụng ống nuôi ăn cho đến khi có thể ăn và uống đủ bằng đường miệng.
Nuôi ăn qua đường truyền tĩnh mạch (gọi là dinh dưỡng ngoài đường tiêu hóa)
Dinh dưỡng ngoài đường tiêu hóa (còn gọi là nuôi ăn tĩnh mạch) được sử dụng khi hệ tiêu hóa của người bệnh không hoạt động tốt như bình thường và họ không hấp thụ đủ dinh dưỡng từ những gì ăn hoặc nhận được qua ống nuôi ăn. Điều dưỡng có thể cung cấp dinh dưỡng nhân tạo trực tiếp vào tĩnh mạch thông qua một ống nhựa mỏng (còn gọi là truyền dịch tĩnh mạch) cho người bệnh.
2.2. Một số nguyên tắc nuôi ăn người bệnh hôn mê
Việc lựa chọn phương pháp nuôi ăn phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân và được bác sĩ chỉ định. Sử dụng nuôi dưỡng qua ống thông cho những bệnh nhân do tình trạng bệnh lý không cho ăn qua đường miệng được như trong những trường hợp bệnh nhân bị hôn mê do: chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, viêm não, do đường huyết quá tăng trong đái tháo đường hoặc hôn mê do hạ đường huyết...
Theo Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, nguyên tắc xây dựng thực đơn phải đảm bảo các chất dinh dưỡng đưa vào được tuân thủ theo nguyên tắc điều trị của từng loại bệnh lý. Ví dụ:
- Hôn mê gan cần phải tăng đường trong khẩu phần, đặc biệt là đường đơn.
- Hôn mê do tăng đường huyết thì cần phải giảm đường trong khẩu phần, nhất là đường đơn.
- Hôn mê trong tai biến mạch máu não do tăng huyết áp thì cần phải giảm béo, giảm muối.
- Hôn mê trong chấn thương sọ não do tai nạn giao thông thì không cần phải kiêng gì.
Số bữa ăn trong ngày: Nên ăn nhiều bữa/ ngày (trung bình 5-6 bữa/ ngày).
Số lượng một bữa: Tùy thuộc vào từng bệnh nhân và tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Ở người lớn trung bình 300-400 ml/ bữa, trẻ em 100-200 ml/ bữa. Nếu bệnh quá nặng hoặc có suy mòn phải cho ăn từng ít một rồi cho tăng dần lên.
Dịch nuôi phải pha hằng ngày, phải nhuyễn để đưa qua ống thông dễ dàng, độ đậm dinh dưỡng phải cao trung bình 1Kcal/ 1 ml.
Bệnh nhân ăn qua ống thông không có khẩu vị nên không cho mì chính và cũng không cần thay đổi thực đơn hàng ngày.
Với cách nấu trước đây là ninh xương, thịt, gạo, khoai củ... cho thấy có nhiều bất tiện và hiệu quả dinh dưỡng không cao, việc đưa thức ăn qua ống thông là rất hạn chế, vì vậy phải có sự lựa chọn thích hợp và áp dụng kỹ thuật hóa lỏng bột (bằng các loại men hoặc một số hạt nảy mầm...) mới có thể nâng cao được giá trị dinh dưỡng khẩu phần đáp ứng cho nhu cầu đề nghị.
Về chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh hôn mê, theo Viện Nghiên cứu và Đào tạo khoa học sức khỏe TP.HCM, cần bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, chế độ ăn đủ calo phù hợp với người bệnh: 25-30Kcalo/kg /24 giờ. Trường hợp bệnh nhân tăng huyết áp phải ăn nhạt. Bảo đảm đủ nước sao cho có lượng nước tiểu 30-50ml/giờ ở người lớn. Hướng dẫn gia đình không tự động đổ thuốc và thức ăn vào miệng người bệnh mà cần hợp tác với nhân viên y tế để bảo đảm dinh dưỡng cho người bệnh.
TS.BS Nguyễn Hữu Quân, PGĐ Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, suy dinh dưỡng trong nhóm bệnh nhân nằm viện làm tăng tỷ lệ tử vong và biến chứng liên quan như: viêm phổi bệnh viện, lâu lành vết thương, suy giảm sức đề kháng, tăng gánh nặng điều trị cho gia đình cũng như bảo hiểm y tế. Nếu các bệnh nhân được can thiệp dinh dưỡng tốt có thể hồi phục nhanh, cai máy thở sớm.
Xem thêm: