Chế độ dinh dưỡng và luyện tập đối với bệnh nhân đái tháo đường

25-09-2021 13:00 | Y học 360
google news

Chế độ dinh dưỡng, luyện tập luyện tốt và đúng sẽ rất hữu ích giúp người bệnh đái tháo đường cải thiện sức khỏe, kiểm soát tốt lượng đường trong máu và giảm các biến chứng của bệnh, góp phần năng cao chất lượng cuộc sống.

Chế độ dinh dưỡng và luyện tập đối với bệnh nhân đái tháo đường - Ảnh 1.

Lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết Nghệ An thăm hỏi, tặng quà cho bệnh nhân

Điều trị bệnh nhân toàn diện

Theo thống kê của Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, 6 tháng đầu năm 2021, bệnh viện khám cho hơn 60.000 lượt bệnh ngoại trú và điều trị nội trú cho 3.000 lượt bệnh nhân, trong đó bệnh nhân chẩn đoán và điều trị đái tháo đường và tăng huyết áp chiếm hơn 80% lượt bệnh nhân.

Trong điều trị bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp, bệnh nhân cần được lập một kế hoạch điều trị cụ thể tùy theo cá thể người bệnh, trong đó thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng, luyện tập, dùng thuốc, theo dõi đường máu… sẽ rất hữu ích giúp người bệnh đái tháo đường cải thiện sức khỏe, kiểm soát tốt lượng đường trong máu và giảm các biến chứng của bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

"Thời gian qua bệnh viện Nội tiết Nghệ An đã nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân bằng cách điều trị toàn diện người bệnh. Ngoài việc điều trị bệnh nhân bằng các loại thuốc, bệnh viện đã rất chú trọng đến vấn đề đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân.

Cụ thể bệnh viện đã triển khai các mô hình như: Khoa Dinh dưỡng & tiết chế triển khai mô hình khám và tư vấn chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh tại phòng tư vấn dinh dưỡng "Ngày đầu tiên", thông qua câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường, hội chẩn tại bệnh phòng các bệnh nhân nặng, cung cấp suất ăn bệnh lý để mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh". Thạc sĩ. Bác sĩ Phan Thế Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Nghệ An cho biết.

Chế độ dinh dưỡng và luyện tập đối với bệnh nhân đái tháo đường - Ảnh 2.

Thực hiện tư vấn về dinh dưỡng cho bệnh nhân tại Phòng tư vấn "Ngày đầu tiên"

Thông qua  phòng tư vấn "Ngày đầu tiên" các bệnh nhân mắc đái tháo đường và tăng huyết áp mới phát hiện hoặc đã từng điều trị tại bệnh viện sẽ được các chuyên gia tư vấn là các bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo bài bản và có trình độ cao, giải đáp những thắc mắc, hướng dẫn điền phiếu theo bảng câu hỏi, và tư vấn trực tiếp về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hàng ngày cũng như đánh giá việc tuân thủ điều trị của người bệnh.

Đây sẽ là cánh tay nối dài của các bác sĩ giúp người bệnh hiểu rõ hơn về bệnh, qua đó giúp người bệnh thay đổi lối sống tích cực, tăng khả năng kiểm soát bệnh một cách hiệu quả, góp phần hướng tới mục tiêu phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nội tiết.

Song song với hoạt động của  phòng tư vấn "Ngày đầu tiên", Khoa dinh dưỡng  và tiết chế phối hợp cùng với câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường triển khai các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng cho bệnh nhân điều trị nội, ngoại trú và các bệnh nhân khác nhằm giúp bệnh nhân hiểu thêm về kiến thức bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp để theo dõi, dùng thuốc và tập luyện hợp lý nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chế độ dinh dưỡng và luyện tập đối với bệnh nhân đái tháo đường - Ảnh 3.

Bác sĩ CKI Võ Thị Tuyết, Trưởng khoa Dinh dưỡng & Tiết chế - Bệnh viện Nội tiết Nghệ An tư vấn cho người bệnh

Chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý

Bác sĩ CKI Võ Thị Tuyết, Trưởng khoa Dinh dưỡng  và Tiết chế - Bệnh viện Nội tiết Nghệ An cho biết, chế độ dinh dưỡng là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị bệnh đái tháo đường với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp đủ, cân bằng cả về số lượng và chất lượng các thành phần dinh dưỡng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để hoạt động và công tác phù hợp với từng cá nhân.

Bệnh nhân đái tháo đường cũng có nhu cầu năng lượng gần giống như người bình thường. Tuy nhiên nhu cầu này tăng hay giảm còn phụ thuộc vào tuổi, loại lao động, thể trạng béo hay gầy…

Glucid (chất bột đường): trong bệnh đái tháo đường, đường huyết có chiều hướng tăng vọt sau khi ăn do vậy điều cơ bản trong chế độ ăn của bệnh nhân là phải hạn chế glucid, tuy nhiên không được giảm qúa nhiều để cơ thể vẫn có thể duy trì được cân nặng và hoạt động bình thường.

Chế độ dinh dưỡng và luyện tập đối với bệnh nhân đái tháo đường - Ảnh 4.

Phát tài liệu truyền thông về chế độ dinh dưỡng và luyện tập cho bệnh nhân đái tháo đường

Tỷ lệ năng lượng do glucid được chấp nhận là 50 - 60% (người bình thường là 65%) tổng số năng lượng của khẩu phần. Nên sử dụng các glucid phức hợp gồm gạo, khoai củ. Hạn chế các loại đường đơn và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao (đường, bánh, mứt, kẹo, nước ngọt).

Protein (chất đạm): lượng protein nên đạt 0,8 kg ngày đối với người lớn. Khẩu phần ăn có quá nhiều đạm sẽ không tốt cho thận, tuy nhiên lượng đạm trong khẩu phần cần cao hơn so với người bình thường và nên đạt 15% - 20% năng lượng khẩu phần (người bình thường là 12% - 14 %). Nên sử dụng phối hợp cả protein động vật (thịt, cá, trứng, sữa) với protein thực vật (vừng lạc, đậu, đỗ) vừa hạ được giá tiền mà các loại đậu, lạc có chỉ số đường huyết thấp hơn.

Lipid (chất béo): nên ăn chất béo vừa phải và giảm chất béo bão hòa (mỡ động vật) vì dễ gây xơ vữa động mạch. Nhưng khẩu phần của người đái tháo đường cũng rất cần chất béo để cung cấp năng lượng (bù lại phần năng lượng do glucid cung cấp bị giảm đi). Nên ăn các acid béo bão hòa có trong các loại dầu hạt (dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương…). Tỉ lệ năng lượng do chất béo nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần (người bình thường là 18-20%) và không nên vượt quá 30%.

Vitamin và các yếu tố vi lượng: Cần đảm bảo đủ các vitamin và yếu tố vi lượng (sắt, iốt…). Các thành phần này thường có trong rau quả tươi.

Chế độ dinh dưỡng và luyện tập đối với bệnh nhân đái tháo đường - Ảnh 5.

Thực hiện truyền thông về dinh dưỡng cho bệnh nhân tại buồng bệnh

Chất xơ: nên ăn những thức ăn có nhiều chất xơ (xenluloza), nhất là chất xơ hòa tan. Chất xơ có nhiều trong gạo giã chưa kỹ; rau; củ, quả (làm rau); khoai củ có tác dụng chống táo bón, giảm tăng đường huyết và cholesterol sau bữa ăn.

Số bữa ăn: Để đảm bảo không bị tăng đường huyết sau bữa ăn và hạ đường huyết xa bữa ăn, nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày dựa trên tổng số năng lượng của cả ngày như sau: Bữa sáng : 10%. Bữa phụ buổi sáng: 10% .Bữa trưa: 30% . Bữa phụ buổi chiều: 10%. Bữa tối: 30%. Bữa phụ buổi tối (trước khi đi ngủ): 10%

Chế độ tập luyện

Chế độ tập luyện đi cùng với chế độ dinh dưỡng phù hợp song song theo dõi đường huyết và dùng thuốc là những biện pháp rất cần thiết cho bệnh nhân đái tháo đường, kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng một cách hiệu quả.

Bệnh nhân đái tháo đường cần lựa chọn hình thức vận động phù hợp với thể trạng bệnh lý và độ tuổi, hình thức vận động vừa phải với mức tiêu hao năng lượng khoảng 170-400 kcal… như: Đi bộ, đạp xe, thái cực quyền, khí công, bơi lội,…

Phương thức tập luyện, bệnh nhân cần khởi động nhẹ nhàng trước khi tập luyện khoảng 10-15 phút. Sau đó bước vào phần tập chính với cường độ   khoảng 30-40 phút, cuối cùng là giảm dần khối lượng bài tập bằng cách co duỗi hoặc đi bộ nhẹ nhàng.

Chế độ dinh dưỡng và luyện tập đối với bệnh nhân đái tháo đường - Ảnh 6.

Mô hình Phòng tư vấn "Ngày đầu tiên", Khoa dinh dưỡng & tiết chế của Bệnh viện Nội tiết Nghệ An hoạt động hết sức hiệu quả

Cần tập luyện đều đặn, khoảng ít nhất 3 lần/tuần để đạt được hiệu quả, tập tăng dần khối lượng, sau đó giảm dần, phối hợp nhiều kiểu tập khác nhau. Cường độ tập luyện: Tập luyện bằng 60-70% cường độ tập luyện tối đa đạt được, tránh để tăng huyết áp tâm thu lên cao.

Phòng bệnh: Việc phòng bệnh đái tháo đường cũng cần được quan tâm. Cần có một chế độ ăn uống hợp lý, cân đối, không ăn quá nhiều các thức ăn có năng lượng cao, hạn chế sử dụng các loại thức ăn có hàm lượng đường nhiều (bánh, kẹo, mứt, nước ngọt), ăn với lượng ít hoa quả có đậm độ đường cao.

Cần có nếp sống năng động, tránh tình trạng trì trệ. Thực hiện lối sống lành mạnh, hoạt động thể lực thường xuyên và hợp lý. Giữ cân nặng ở mức tiêu chuẩn, không để tăng cân quá ngưỡng là những yếu tố tích cực giúp phòng tránh bệnh đái tháo đường.

                                                                                                                               


Từ Thành
Ý kiến của bạn