Chế độ dinh dưỡng tốt cho phụ nữ có thai chậm phát triển trong tử cung

29-10-2024 09:57 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Theo các bác sĩ, với những thai phụ gặp tình trạng thai chậm phát triển trong tử cung, ngoài việc tuân thủ khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, theo dõi cử động của thai thì dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng để giúp thai nhi được nuôi dưỡng tốt.

Theo BS Trần Thị Thu Phương – Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai, thai chậm phát triển trong tử cung được định nghĩa là khi cân nặng của thai theo siêu âm dưới bách phân vị thứ 10, tức là thai nhi có cân nặng thấp hơn 90% thai cùng tuổi.

Hiểu một cách đơn giản là tình trạng thai nhỏ hơn so tuổi thai do sự phát triển của thai chậm hơn mức kỳ vọng, liên quan đến các bất thường bệnh lý về gen và các yếu tố bất lợi của môi trường trong tử cung và thường có kết cục chu sinh bất lợi.

Đây là một vấn đề thường gặp, ảnh hưởng đến 5-7% thai kỳ.

1. Tầm quan trọng của dinh dưỡng với thai chậm phát triển trong tử cung

Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ cho biết, nguyên nhân gây ra thai chậm phát triển trong tử cung là do mẹ mắc các bệnh lý như cao huyết áp, bệnh thận, bệnh phổi, tiểu đường, bệnh lý về hồng cầu, rối loạn về di truyền.

Bên cạnh đó, những người mẹ bị suy dinh dưỡng trầm trọng; có thói quen hút thuốc lá, nghiện rượu, sử dụng heroin, cocaine… cũng gia tăng nguy cơ khiến thai nhi chậm phát triển trong tử cung.

Chế độ dinh dưỡng tốt cho phụ nữ có thai chậm phát triển trong tử cung- Ảnh 1.

Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng với thai chậm phát triển trong tử cung.

Chính vì vậy, với những thai phụ gặp tình trạng thai chậm phát triển trong tử cung, ngoài việc tuân thủ khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, theo dõi cử động của thai (thai máy) thì dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng để giúp thai nhi được nuôi dưỡng tốt.

Trong Hướng dẫn Quốc gia dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú nêu rõ, chế độ dinh dưỡng của mẹ trong thời gian mang thai là yếu tố liên quan rõ rệt nhất đến cân nặng của trẻ khi đẻ.

Rất nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng, nếu bà mẹ được cung cấp thức ăn đầy đủ và cân đối trong thời gian mang thai sẽ bảo đảm cho thai nhi tăng cân tốt, kể cả con của các bà mẹ suy dinh dưỡng. Ngược lại, nếu bà mẹ mang thai thiếu ăn sẽ tăng nguy cơ sinh con non tháng, nhẹ cân.

Trẻ nhẹ cân khi lớn lên tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, giảm dự trữ thận, giảm chức năng phổi, chậm dậy thì, dễ bị trầm cảm và tỷ lệ tử vong vì bệnh tim mạch cao. Riêng đối với trẻ gái sinh nhẹ cân có nguy cơ suy dinh dưỡng khi trưởng thành, lại tiếp tục là một yếu tố nguy cơ sinh con nhẹ cân cho thế hệ kế tiếp.

2. Một số nhóm thực phẩm giúp cải thiện tình trạng thai chậm phát triển trong tử cung

Để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi trong tử cung đòi hỏi sự đa dạng và cân đối trong chế độ dinh dưỡng của mẹ. Với những mẹ bầu gặp tình trạng thai chậm phát triển, các chuyên gia dinh dưỡng có thể tư vấn thêm về việc lên kế hoạch thực đơn hợp lý dựa trên từng giai đoạn của thai kỳ, nhu cầu cụ thể của mẹ và bé và cách bổ sung dinh dưỡng để trẻ hấp thu một cách tốt nhất.

Chế độ dinh dưỡng tốt cho phụ nữ có thai chậm phát triển trong tử cung- Ảnh 2.

Mẹ bầu nên ăn đa dạng các nhóm thực phẩm giàu canxi, chất đạm, chất béo, trái cây và rau xanh để tốt cho sự phát triển của thai nhi.

Dưới đây là một số nhóm thực phẩm tốt cho phụ nữ mang thai, nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày:

Sữa và thực phẩm chứa canxi

Việc mẹ bầu tiêu thụ sữa có liên quan đến cân nặng của thai nhi. Ngoài sữa, thai phụ cũng nên tăng cường cung cấp canxi thông qua nhóm thực phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua và những thực phẩm giàu canxi khác để hỗ trợ sự hình thành khung xương và răng cho bé.

Protein

Protein đứng thứ hai trong danh sách các dưỡng chất quan trọng, đóng góp vào sự phát triển và tái tạo các tế bào. Mẹ bầu nên cung cấp đủ nguồn đạm từ thịt nạc, cá, gà, đạm thực vật cùng các nguồn thực phẩm khác.

Chất béo

Chất béo cần thiết cho xây dựng màng tế bào và hệ thống thần kinh của thai nhi, cung cấp năng lượng và giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu cho mẹ. Phụ nữ có thai cần lipid ở mức cao hơn bình thường

Nên sử dụng cả acid béo no và không no. Acid béo no (có nhiều trong mỡ động vật, dầu dừa, dầu cọ) nhưng không nên dùng quá 10% năng lượng khẩu phần. Tăng cường sử dụng dầu thực vật (dầu nành, dầu đậu phộng, dầu mè, mỡ cá) để cung cấp nhiều acid béo không no.

Các vitamin và khoáng chất

Vitamin A: Cơ thể mẹ bầu cần có một lượng vitamin A dự trữ đủ để cung cấp cho con và tăng sức đề kháng cho mẹ. Vitamin A có trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật như: gan, lòng đỏ trứng, bơ, sữa, thịt…; trong thực vật như: rau quả có màu xanh, màu vàng, đỏ.

Vitamin D: Vitamin D cần thiết cho sự hấp thu canxi và phốt pho, góp phần cấu tạo xương. Thiếu vitamin D sẽ dẫn tới nhuyễn xương, co giật do hạ canxi máu, loãng xương. Thực phẩm có nguồn gốc động vật giàu vitamin D là gan cá, trứng, bơ, sữa, các loại cá béo.

Vitamin B1: Nhu cầu vitamin B1 ở phụ nữ mang thai cần cung cấp đủ để phòng tránh bệnh tê phù. Thực phẩm giàu vitamin B1 là thịt lợn, các loại hạt đậu, rau, một số loài cá.

Ngoài ra, mẹ bầu nên bổ sung các vi chất cần thiết như: Sắt, axit folic… để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi.

3. Lưu ý trong chế độ ăn của người có thai chậm phát triển trong tử cung

Nếu thai nhi chậm phát triển trong tử cung, việc tăng cường chế độ dinh dưỡng là cần thiết nhưng mẹ bầu cũng cần duy trì việc ăn uống này một cách khoa học và hợp lý.

Chế độ dinh dưỡng tốt cho phụ nữ có thai chậm phát triển trong tử cung- Ảnh 3.

Phụ nữ mang thai nên lên thực đơn và phân chia khẩu phần ăn một cách cân đối.

Chia nhỏ bữa ăn: Tập trung vào việc chia nhỏ bữa ăn để cải thiện quá trình hấp thu chất dinh dưỡng. Bữa ăn thường xuyên và nhẹ nhàng giúp cơ thể dễ dàng tiếp nhận dinh dưỡng và tránh cảm giác quá no. Điều này cũng giúp ngăn ngừa cảm giác buồn nôn trong quá trình mang thai.

Lập thực đơn: Lên thực đơn và phân chia khẩu phần ăn một cách cân đối là quan trọng. Điều này giúp mẹ bầu đảm bảo rằng cơ thể được cung cấp đủ lượng dưỡng chất cần thiết và tránh việc thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng cụ thể.

Tránh ăn quá muộn: Việc ăn uống không nên quá muộn vào buổi tối để đảm bảo rằng dạ dày có thời gian nghỉ ngơi và tiêu hóa tốt hơn trong đêm. Điều này không chỉ hỗ trợ sức khỏe của mẹ, mà còn ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của thai nhi.

Duy trì lượng nước đủ: Uống đủ nước hàng ngày để duy trì sức khỏe và năng lượng cho mẹ bầu. Nước giúp duy trì quá trình trao đổi chất, cân bằng điện giải và hỗ trợ quá trình tiêu hóa.

4. Những thực phẩm nên hạn chế khi thai chậm phát triển trong tử cung

Cá có chứa hàm lượng thủy ngân cao

Hải sản có thể là nguồn cung cấp protein tuyệt vời và axit béo omega-3 trong nhiều loại cá có thể thúc đẩy sự phát triển não và mắt của bé. Tuy nhiên, một số loại cá và động vật có vỏ có chứa hàm lượng thủy ngân nguy hiểm. Thai nhi nhạy cảm nhất với tác động của thủy ngân. Việc tích tụ thủy ngân có thể gây hại cho hệ thần kinh đang phát triển của bé.

Chế độ dinh dưỡng tốt cho phụ nữ có thai chậm phát triển trong tử cung- Ảnh 4.

Thức ăn sống hoặc chưa nấu chín

Thức ăn sống hoặc chưa được nấu chín không được khuyến nghị trong thực đơn dinh dưỡng của mẹ bầu. Phụ nữ trong giai đoạn mang thai nếu sử dụng các thực phẩm sống hoặc tái có nguy cơ nhiễm vi khuẩn coliform, bệnh toxoplasmosis và salmonella.

Rượu, bia

Rượu bia luôn được các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng đối với phụ nữ mang thai. Rượu có thể gây hại cho mẹ và em bé trong bụng và không có các giới hạn nào về việc sử dụng rượu bao nhiêu là an toàn trong thai kỳ.

Uống rượu khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như sức khỏe lâu dài của em bé. Uống nhiều rượu khi mang thai có thể khiến em bé phát triển một tình trạng gọi là hội chứng rượu bào thai.

Caffeine

Hạn chế tiêu thụ caffeine càng nhiều càng tốt trong thai kỳ vì hàm lượng caffeine cao có thể dẫn đến các biến chứng khi mang thai. Caffeine được tìm thấy nhiều trong các thực phẩm và đồ uống như: cà phê, trà, nước tăng lực, socola… Quá nhiều caffeine có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và tăng nguy cơ thai nhẹ cân hoặc phát triển chậm.

Cách tập luyện an toàn cho phụ nữ có thai chậm phát triển trong tử cungCách tập luyện an toàn cho phụ nữ có thai chậm phát triển trong tử cung

SKĐS - Theo các chuyên gia, nếu phụ nữ mang thai không vận động, để cơ thể tăng cân quá mức có thể dẫn tới béo phì cùng các biến chứng thai kỳ, ảnh hưởng không có lợi cho sự phát triển của thai nhi, nhất là thai chậm phát triển trong tử cung.

Nguy cơ khi dùng thuốc cho thai chậm tăng trưởngNguy cơ khi dùng thuốc cho thai chậm tăng trưởng

SKĐS - Sildenafil là hoạt chất trong sản phẩm thuốc viagra, được biết đến là loại thuốc sử dụng phổ biến trong điều trị rối loạn cương dương ở nam giới.


Anh Khôi
Ý kiến của bạn