1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với người bệnh cơ tim
Bệnh cơ tim là nhóm bệnh lý ảnh hưởng đến cơ tim. Trong đó bệnh cơ tim nguyên phát bao gồm những biến đổi về cấu trúc và chức năng của cơ tim mà không xác định được nguyên nhân.
Tuy nhiên, người ta cho rằng các yếu tố gây bệnh có thể kể đến yếu tố tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, nhịp tim nhanh mạn tính, bệnh lý van tim, rối loạn chuyển hóa như: Béo phì, bệnh tuyến giáp hoặc đái tháo đường…
Nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn uống không trực tiếp gây ra bệnh cơ tim nhưng nó có thể là một yếu tố góp phần làm tăng hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh. Nguy cơ liên quan đến tình trạng béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường và mức cholesterol cao…
Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, đường và calo cao có thể dẫn đến tăng cân, béo phì. Béo phì là một yếu tố nguy cơ lớn đối với nhiều bệnh tim mạch, bao gồm bệnh cơ tim.
Tiêu thụ quá nhiều muối cũng làm tăng huyết áp, gây áp lực lên tim và tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Ngoài ra, những thực phẩm giàu cholesterol và chất béo bão hòa có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu, gây xơ vữa động mạch và tăng nguy cơ bệnh tim. Ngược lại, một chế độ ăn uống lành mạnh giúp bảo vệ tim mạch.
Bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống sẽ giảm bớt gánh nặng lên tim, cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh cơ tim.
Chế độ ăn lành mạnh giúp giảm huyết áp, cholesterol và lượng triglyceride trong máu, từ đó giảm bớt gánh nặng lên tim. Việc kiểm soát béo phì, giảm cân thông qua chế độ ăn giúp cải thiện chức năng tim.
Chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh cũng cung cấp đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và cải thiện chức năng tim. Đồng thời giảm nguy cơ đột quỵ, suy tim và các biến chứng khác.
2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người mắc bệnh cơ tim
Nguyên tắc chung trong chế độ ăn cho người bệnh cơ tim là hạn chế muối; Giảm chất béo bão hòa và cholesterol; Tăng cường chất xơ, trái cây, rau xanh; Uống đủ nước, hạn chế đồ uống có gas, rượu bia…
Người mắc bệnh cơ tim nên bổ sung một số chất dinh dưỡng như kali, magie, canxi, chất xơ, các vitamin như C, E, K, omega-3… để kiểm soát huyết áp, duy trì nhịp tim ổn định, tăng cường chức năng tim...
Các loại thực phẩm nên ưu tiên
- Ngũ cốc nguyên hạt: Gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám...
- Rau xanh lá đậm: Cải xoăn, rau bina, cải bắp...
- Trái cây: Táo, chuối, cam, bưởi...
- Đậu, hạt: Đậu nành, đậu lăng, hạt chia, hạt lanh...
- Sữa ít béo hoặc không béo: Cung cấp canxi và protein
- Cá béo: Cá hồi, cá ngừ, cá trích...
Các loại thực phẩm nên hạn chế
- Thịt đỏ: Nên hạn chế vì chứa nhiều chất béo bão hòa;
- Nội tạng động vật: Chứa nhiều cholesterol;
- Thực phẩm chế biến sẵn: Thường chứa nhiều muối, đường và chất béo;
- Thức ăn nhanh: Ít chất dinh dưỡng, nhiều calo;
- Đồ uống có gas: Chứa nhiều đường bổ sung...
3. Cách thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh tốt cho tim và bệnh cơ tim
Ăn uống lành mạnh có nhiều lợi ích bao gồm duy trì cân nặng khỏe mạnh và giúp tim hoạt động tốt nhất. Nó có thể giúp kiểm soát và giảm tác động của bệnh cơ tim.
Một chế độ ăn uống lành mạnh tốt cho tim nên bao gồm nhiều loại trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh và các nguồn protein tốt. Nghiên cứu cho thấy, các loại thực phẩm trên đặc biệt có lợi cho chức năng của tim và ngăn ngừa các tình trạng góp phần gây ra bệnh tim.
Theo PGS.TS.Vũ Đức Định, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, mặc dù chúng ta không thể thay đổi được tuổi tác hoặc yếu tố di truyền nhưng có thể thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng như thường xuyên vận động, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế tối đa uống rượu bia, bỏ thuốc lá… và thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim. Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy thay đổi thói quen ăn uống của mình để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị thay đổi lối sống, tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh để giúp kiểm soát bệnh cơ tim. Điều này bao gồm chế độ ăn nhiều loại trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt; Ăn thực phẩm ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa; Lựa chọn và chế biến thực phẩm ít natri.
Các lựa chọn thực phẩm lành mạnh khác bao gồm: thịt nạc, thịt gia cầm không da, cá, đậu và các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo. Ngoài ra, nên giảm lượng đường bổ sung từ thực phẩm và đồ uống. Tránh uống rượu hoặc uống có chừng mực.
Xem thêm: