1. Người mắc hội chứng Beckwith-Wiedemann cần điều chỉnh dinh dưỡng hợp lý
Hội chứng Beckwith-Wiedemann là một rối loạn di truyền phức tạp, đặc trưng bởi sự rối loạn điều hòa tăng trưởng dẫn đến tăng trưởng quá mức, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể. Các biểu hiện có thể khác nhau ở mỗi người nhưng sự tăng trưởng quá mức là một đặc điểm nổi bật.
Người mắc hội chứng Beckwith-Wiedemann có các đặc điểm như phì đại cơ thể, lưỡi to, các cơ quan trong bụng to bất thường, thoát vị rốn hoặc hở thành bụng, bất thường về một bên cơ thể, có nguy cơ ung thư cao.
Theo Tổ chức Quốc gia về Rối loạn Hiếm gặp (NORD), việc điều trị hội chứng Beckwith-Wiedemann đòi hỏi sự phối hợp của một nhóm chuyên gia bao gồm: các nhà di truyền học, bác sĩ nhi khoa, nội tiết, thận, phổi, ung thư nhi khoa, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh nha, ngôn ngữ và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác.
Ở trẻ sơ sinh mắc hội chứng này cần theo dõi thường xuyên lượng đường trong máu để đảm bảo phát hiện và điều trị kịp thời tình trạng hạ đường huyết ngay lập tức.
Bệnh nhân bị lưỡi to có nguy cơ cao mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, khó khăn khi ăn, nói và phát triển hàm. Do đó, cần được hỗ trợ đánh giá tình trạng ăn uống và giấc ngủ. Khó khăn khi ăn uống do lưỡi to có thể cần sự hỗ trợ của các chuyên gia dinh dưỡng.

Bệnh nhân hội chứng Beckwith-Wiedemann bị lưỡi to gây khó khăn khi ăn uống. Ảnh minh họa.
Hội chứng Beckwith-Wiedemann có thể dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc thừa cân tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và các yếu tố liên quan.
Tình trạng lưỡi to có thể cản trở việc bú mẹ, bú bình, ngậm và nhai thức ăn dẫn đến việc trẻ không nhận đủ lượng calo và chất dinh dưỡng cần thiết.
Một số trẻ gặp khó khăn trong việc phối hợp các động tác nuốt làm tăng nguy cơ sặc, trẻ trở nên biếng ăn dẫn đến suy dinh dưỡng.
Nguy cơ thừa cân cũng có thể xảy ra do sự tăng trưởng quá mức ở bệnh nhân Beckwith-Wiedemann. Có thể có những bất thường trong cơ chế điều hòa cảm giác no và đói dẫn đến việc ăn quá nhiều. Nếu lượng calo hấp thu vượt quá nhu cầu tăng trưởng dễ dẫn đến thừa cân.
Ngoài ra, việc hạn chế khả năng vận động hay chế độ ăn không lành mạnh cũng góp phần gây thừa cân, béo phì. Do đó, việc điều chỉnh dinh dưỡng sẽ giúp giải quyết một số vấn đề liên quan đến hội chứng này, đặc biệt là tình trạng hạ đường huyết, khó khăn trong ăn uống do lưỡi to, duy trì cân nặng, hỗ trợ sức khỏe tổng thể và hệ miễn dịch.
2. Xây dựng chế độ ăn cân bằng, đảm bảo dưỡng chất cần thiết cho người bệnh
Chế độ ăn cân bằng, giàu dinh dưỡng sẽ hỗ trợ sức khỏe tổng thể, tăng cường hệ miễn dịch, giảm các nguy cơ sức khỏe lâu dài cho người bị hội chứng Beckwith-Wiedemann.
Người bệnh cần một chế độ ăn cân bằng đầy đủ dưỡng chất bao gồm protein, carbohydrate, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Protein: Quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển, đặc biệt ở trẻ em.
- Carbohydrate: Cung cấp năng lượng cho cơ thể
- Chất béo lành mạnh: Cần thiết cho chức năng não và hấp thu vitamin.
- Vitamin và khoáng chất: Đảm bảo các chức năng cơ thể diễn ra bình thường.
- Bổ sung đủ chất xơ để hỗ trợ tiêu hóa. Uống đủ nước để duy trì cho mọi chức năng của cơ thể.
Đa dạng nguồn thực phẩm: Thực đơn cho trẻ mắc hội chứng Beckwith-Wiedemann cần đa dạng nhiều loại thực phẩm khác nhau từ tất cả các nhóm thực phẩm để đảm bảo đủ vitamin, khoáng chất và các dưỡng chất khác.
Ưu tiên thực phẩm tươi và nguyên chất: Tập trung vào trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc (thịt gia cầm, cá, đậu, đỗ) và các sản phẩm từ sữa ít béo.
Kiểm soát khẩu phần ăn: Đặc biệt quan trọng đối với những người có xu hướng tăng cân nhanh.
Chia nhỏ các bữa ăn: Ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày giúp dễ ăn và duy trì lượng đường trong máu ổn định, đặc biệt quan trọng đối trẻ có nguy cơ hạ đường huyết.

Thức ăn mềm, giàu dinh dưỡng phù hợp với người bị hội chứng Beckwith-Wiedemann.
3. Các yếu tố dinh dưỡng đặc biệt cần lưu ý ở người mắc hội chứng Beckwith-Wiedemann
Kiểm soát ổn định đường huyết
Đối với tình trạng hạ đường huyết, việc cho trẻ bú thường xuyên và theo dõi lượng đường trong máu là rất quan trọng. Khi trẻ lớn hơn, việc duy trì các bữa ăn đều đặn có thể giúp ổn định lượng đường trong máu.
Dinh dưỡng dễ hấp thụ và dễ nuốt
Trẻ bị lưỡi to có thể gây khó khăn trong việc bú mẹ, bú bình và ăn dặm. Trong trường hợp này cần thức ăn mềm, xay nhuyễn hoặc các kỹ thuật cho ăn đặc biệt theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.
Cần đảm bảo đủ calo và chất dinh dưỡng ngay cả khi việc ăn uống gặp khó khăn. Tránh các loại thức ăn có thể gây nghẹn. Nếu trẻ phẫu thuật thu nhỏ lưỡi cần được hướng dẫn cụ thể về cách cho ăn an toàn và hiệu quả.
Theo dõi tăng trưởng
Trẻ em mắc hội chứng Beckwith-Wiedemann thường có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn. Cần đảm bảo chế độ ăn cân đối, ưu tiên thực phẩm lành mạnh, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt, chất béo xấu để hỗ trợ sự phát triển khỏe mạnh mà không gây thừa cân quá mức.
Lưu ý: Chế độ ăn uống cho người mắc hội chứng Beckwith-Wiedemann nên được bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn dựa trên đánh giá cụ thể về tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân và đưa ra kế hoạch dinh dưỡng phù hợp nhất. Nhu cầu dinh dưỡng có thể thay đổi theo thời gian và từng biện pháp điều trị, vì vậy cần theo dõi, điều chỉnh chế độ ăn theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Xem thêm: