Hà Nội

Chế độ dinh dưỡng phù hợp với người mắc bệnh Crohn

30-09-2024 18:45 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Do có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe đường ruột và khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng nên chế độ ăn uống có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng và điều trị bệnh Crohn. Dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp giảm thiểu các triệu chứng khó chịu, hỗ trợ phục hồi sức khỏe.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người mắc bệnh Crohn

Bệnh viêm ruột, điển hình là bệnh Crohn là bệnh lý gây viêm nhiễm ở đường ruột, thường đi kèm với các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng... Do có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe đường ruột và khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể nên chế độ ăn uống có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng và điều trị bệnh. Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp sẽ giúp giảm thiểu các triệu chứng khó chịu, hỗ trợ quá trình phục hồi và ngăn ngừa các biến chứng.

Một số người mắc bệnh Crohn và các bệnh đường tiêu hóa mạn tính khác nhận thấy rằng, việc tuân thủ một chế độ ăn uống phù hợp ngay cả khi không có triệu chứng sẽ giúp kiểm soát tình trạng bệnh. Chế độ ăn uống có thể được sử dụng như là biện pháp đầu tiên hoặc kết hợp với dùng thuốc để có kết quả tốt nhất.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giảm gánh nặng cho đường ruột và cung cấp đủ năng lượng và các vitamin, khoáng chất cần thiết. Thực phẩm dễ tiêu hóa giúp giảm thiểu áp lực lên đường ruột đang bị viêm. Thực phẩm có tác dụng chống viêm giúp giảm tình trạng viêm nhiễm ở đường ruột, từ đó giảm đau và các triệu chứng khó chịu khác.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp với người mắc bệnh Crohn- Ảnh 1.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp giảm triệu chứng của bệnh Crohn.

Mục tiêu điều trị bệnh Crohn là giảm viêm, hạn chế biến chứng và thuyên giảm các triệu chứng lâu dài. Tùy từng mức độ bệnh mà bác sĩ lựa chọn các phác đồ điều trị phù hợp.

Những thay đổi trong chế độ ăn có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh và kéo dài thời gian giữa các đợt bùng phát. Người bệnh nên ăn thực phẩm ít chất béo; Ăn nhiều bữa nhỏ, thực phẩm mềm, nấu nhừ; Uống nhiều nước…

Có một số thực phẩm và đồ uống có thể làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh. Nếu sau khi ăn mà các triệu chứng của bệnh bùng phát thì nên loại thực phẩm đó ra khỏi chế độ ăn.

Một số thực phẩm có nguy cơ cao khiến triệu chứng của bệnh xấu hơn bao gồm: Sữa và các sản phẩm từ sữa; Các loại thực phẩm giàu chất xơ; Thực phẩm cay, nhiều gia vị, rượu, caffeine, đồ uống có gas, thuốc lá...

2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người mắc bệnh Crohn

ThS.BS. Đinh Thị Ngà, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, lâm sàng của bệnh Crohn hay gặp nhất là đau bụng, đi lỏng, nếu bệnh lâu dài sẽ biểu hiện thiếu máu, gầy sút cân, mệt mỏi, ăn kém; những đợt bùng phát có thể có sốt… Bệnh không chỉ tổn thương ống tiêu hóa mà còn gây ra các biểu hiện bệnh ngoài ống tiêu hoá…

Do đó, những người mắc bệnh viêm ruột như bệnh Crohn cần một chế độ ăn đầy đủ chất để đảm bảo cơ thể vẫn nhận đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Dưới đây là những chất dinh dưỡng quan trọng mà người bệnh nên chú ý:

Carbohydrate

Carbohydrate là chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng vì nó cung cấp năng lượng để duy trì hoạt động của cơ thể. Người bệnh viêm ruột nên chọn thực phẩm chứa carbohydrate dễ tiêu hóa như gạo trắng, bánh mì trắng, khoai tây nghiền, trái cây chín mềm…

Protein

Protein rất quan trọng trong quá trình xây dựng và sửa chữa các tế bào, tăng cường hệ miễn dịch. Nguồn thực phẩm giàu protein hấp thu tốt cho người bệnh Crohn bao gồm: Thịt gia cầm không da, cá, trứng, đậu phụ, sữa chua không đường…

Vitamin và khoáng chất

Cần bổ sung vitamin và khoáng chất để hỗ trợ các chức năng của cơ thể, tăng cường sức đề kháng. Nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất bao gồm: Trái cây, rau xanh, các loại hạt...

Chất béo lành mạnh

Chất béo có vai trò cung cấp năng lượng và hấp thu các vitamin tan trong dầu. Người bệnh nên sử dụng các nguồn chất béo lành mạnh như dầu ô liu, dầu hạt cải, bơ… Nên tránh các bữa ăn nhiều chất béo như thức ăn nhanh, thịt chế biến sẵn… vì có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng đau bụng, đầy hơi và tiêu chảy.

Probiotics

Probioticss là những sinh vật sống, vi khuẩn có lợi và nấm men xuất hiện tự nhiên trong cơ thể con người hoặc dưới dạng chất bổ sung hoặc trong thực phẩm lên men... giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa.

Thực phẩm giàu probiotics được tạo ra thông qua quá trình lên men như: sữa chua, kombucha, kefir, kim chi, dưa cải bắp… cung cấp nhiều sinh vật có lợi cho đường ruột, giúp tiêu thụ thức ăn tốt hơn và kích thích sản sinh vitamin.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp với người mắc bệnh Crohn- Ảnh 3.

Yến mạch giàu chất xơ hòa tan tốt cho người bệnh Crohn.

3. Gợi ý một số thực phẩm làm dịu đường ruột tốt cho người mắc bệnh Crohn

Yến mạch

Yến mạch chứa một loại chất xơ hòa tan đặc biệt rất tốt cho tiêu hóa có tên là beta-glucan. Beta-glucan là một prebiotic, vì vậy nó nuôi dưỡng vi khuẩn lành mạnh trong ruột và hoạt động để duy trì hệ sinh vật đường ruột khỏe mạnh.

Beta glucan trong bột yến mạch tạo thành một chất giống như gel khi nó trộn với nước. Dung dịch này bao phủ dạ dày và đường tiêu hóa. Lớp phủ này cung cấp vi khuẩn tốt trong ruột, làm tăng tốc độ phát triển của chúng và góp phần tạo nên một đường ruột khỏe mạnh.

Ăn yến mạch sẽ giúp người mắc bệnh đường ruột tiêu hóa tốt hơn, giảm thiểu các triệu chứng đầy hơi và làm dịu cảm giác khó chịu ở dạ dày và ruột. Nên ăn bột yến mạch nấu nhanh sẽ giúp làm dịu dạ dày và dễ tiêu hóa nhất.

Khoai tây nghiền

Khoai tây giàu carbohydrate cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể. Khoai tây nghiền được xem là một món ăn dễ tiêu hóa tốt cho những người gặp vấn đề về tiêu hóa, bao gồm cả những người mắc bệnh viêm ruột.

Khi chế biến khoai tây nên gọt bỏ vỏ, vỏ khoai tây khó tiêu hơn vì chứa chất xơ không hòa tan.

Quả bơ

Quả bơ chứa nhiều chất béo lành mạnh, vitamin B và vitamin E. Nó chứa cả chất xơ hòa tan và không hòa tan nhưng nhìn chung dễ tiêu hóa hơn nhiều nguồn chất xơ khác.

Nước ép rau củ

Rau là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất quan trọng, nhưng nhiều loại rau có chất xơ không hòa tan khiến chúng khó tiêu hóa hơn. Người bệnh viêm ruột có thể sử dụng nước ép rau vì chất xơ cứng, khó tiêu hóa được loại bỏ, nhưng các vitamin và khoáng chất vẫn còn.

Nước hầm xương

Không chỉ tạo vị ngon, ngọt cho món ăn, nước hầm xương còn có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe đường ruột. Không giống như nhiều loại thực phẩm khác khó phân hủy hoàn toàn, ăn nước hầm xương dễ tiêu hóa và làm dịu hệ tiêu hóa.

Các nghiên cứu cho thấy, gelatin trong nước hầm xương có lợi cho việc phục hồi sức mạnh của niêm mạc ruột và chống lại sự nhạy cảm với thực phẩm (ví dụ như lúa mì hoặc sữa). Nó cũng giúp phát triển vi khuẩn tốt trong ruột.

Xem thêm:

Các phương pháp điều trị bệnh CrohnCác phương pháp điều trị bệnh Crohn

SKĐS - Bệnh Crohn là bệnh viêm đường ruột mạn tính, có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng. Đến nay vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh hoàn toàn, mà chỉ điều trị giúp giảm triệu chứng lâu dài...


Thu Vân
Ý kiến của bạn