Chế độ dinh dưỡng ở trẻ mắc các bệnh lý mạn tính đóng một vai trò vô cùng quan trọng, giúp duy trì chức năng sống ở trẻ, giảm được tình trạng bệnh tật, tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Dưới đây là các chế độ dinh dưỡng riêng cho từng loại bệnh.
Cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh/suy tim
Nhu cầu các chất dinh dưỡng bao gồm thể tích nước trung bình 80% nhu cầu sinh lý trường hợp trẻ có suy tim. Tỉ lệ chất đạm: 12%, chất béo: 30% và chất đường: 52%. Cần hạn chế muối khi trẻ có phù. Các thức ăn thường dùng cho trẻ như: sữa Pediasure, sữa dinh dưỡng, sữa mẹ đối trẻ nhỏ, bột cháo, cơm. Có thể xây dựng thực đơn cho từng trẻ. Cần chia nhỏ các bữa ăn trong ngày cho trẻ, tránh mệt mỏi sau mỗi bữa ăn. Ví dụ, một trẻ 16 tháng tuổi, có tim bẩm sinh, nhưng không có suy tim, có kèm suy dinh dưỡng, chế độ ăn của trẻ như sau: sữa Pediasure 150ml x 5 cữ, bột 150ml x 3 cữ. Theo công thức tính, trẻ được cung cấp, 1.200ml thể tích nước và 1.020kcal.
Chế độ dinh dưỡng trẻ mắc bệnh hô hấp mạn/suy hô hấp.
Đánh giá khả năng ăn uống của trẻ bằng đường miệng, nếu dưới 60% nhu cầu hoặc có nguy cơ hít sặc sẽ nuôi ăn qua sonde mũi dạ dày. Nhu cầu các chất dinh dưỡng: năng lượng: 120 - 150% nhu cầu theo tuổi, trong đó: protein: 15% tổng năng lượng, lipid 40% và glucid 45%. Các loại thức ăn thường dùng cho trẻ: sữa, cháo bột, cơm theo lứa tuổi hay khả năng ăn của trẻ. Có thể xây dựng thực đơn đặc biệt tùy theo từng trẻ. Bữa ăn chia nhỏ nhiều lần 8 - 10 lần/ngày. Trường hợp phải hỗ trợ dinh dưỡng lâu dài trên 6 tuần nên mở dạ dày qua da để nuôi ăn. Có thể dùng các loại dinh dưỡng nuôi ăn qua đường tiêu hóa đặc biệt như Pulmocare.
Cho trẻ suy thận mạn
Xác định tình trạng dinh dưỡng, khả năng ăn uống, ure, creatinin máu và độ lọc cầu thận. Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ bao gồm: thể tích nước nhập bằng lượng nước tiểu 12ml/kg cân nặng lượng nước mất. Trường hợp trẻ bị bệnh đa niệu thì không giới hạn nước. Các thành phần: protein tùy theo Creatinin/máu chúng ta cân nhắc, trung bình từ 0,4 - 0,8g/kg cân nặng/ngày, do nhu cầu tăng trưởng của trẻ do vậy lượng protein vào cơ thể trẻ tăng thêm 0,5g/kg cân nặng trong một ngày; lipid 30 - 40% năng lượng. Hạn chế muối cho trẻ, nếu có phù, có tăng huyết áp. Cung cấp đủ vitamin, chú ý vitamin C < 60mg/ngày (hạn chế chua). Các loại thức ăn thường dùng: thịt, trứng sữa, bột năng, bột mì, khoai lang, củ mì, đường, bánh kẹo. Nếu thức ăn ít đạm kéo dài, có thể dùng thêm Alpha Ketonalogue (Ketosteril) để tận dụng NH2 của ure tái tạo acid amin, góp phần làm giảm ure huyết, liều 8 - 12 viên uống/ngày.
Cho trẻ hội chứng thận hư
Cần xác định tình trạng dinh dưỡng và khả năng ăn uống của trẻ. Làm xét nghiệm Bilan Protein huyết và chức năng thận như creatinin huyết. Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ: lượng nước nhập vào cơ thể bằng lượng nước tiểu ra hàng ngày; lượng đạm cung cấp cho trẻ trung bình 1g/kg cân nặng 20% nếu dùng Prednison; lượng mỡ hạn chế dùng những thức ăn có nhiều cholesterol: óc, tim, gan, thận, tủy xương, lòng đỏ trứng, lòng heo. Hạn chế muối ăn hàng ngày, đặc biệt ở trẻ có phù, tăng huyết áp. Trường hợp albumin quá thấp < 2g/l có thể cung cấp thêm đạm bằng đường tĩnh mạch hoặc viên uống Moriamin.
Cho trẻ trong bệnh lý kém hấp thu
Cần phải tìm nguyên nhân và chất bị kém hấp thu. Trong bệnh lý, bất dung nạp lactose biểu hiện trẻ đi tiêu phân chua pH <6 , phân lỏng tóe nước, phân có tinh bột. Hội chứng kém hấp thu trong bệnh lý, suy tụy hoặc xơ nang hóa kén, biểu hiện phân mỡ nhầy, sệt, số lượng nhiều, phân có hạt mỡ. Nhu cầu dinh dưỡng xây dựng bình thường trong các khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ. Các thực phẩm ít chất xơ, không có lactose, có thể dùng các sản phẩm như: sữa Pregestimil, Vinonex. Cách nuôi: ăn nhiều lần trong ngày hoặc nhỏ giọt 24/24. Cần nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch nếu đường tiêu hóa không đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Bổ sung vitamin bằng tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch, như: vitamin K, B12 và các vitamin tan trong nước.
BS. NGUYỄN THUẬN HẢI