Ung thư tử cung là một loại ung thư thường gặp ở phụ nữ, chiếm một tỷ lệ khá lớn trong các loại ung thư ở hệ sinh sản. Ngày nay, ung thư cổ tử cung đang trở thành nỗi lo lắng của hầu hết phụ nữ. Nguyên nhân từ sự tăng trưởng và gia tăng bất thường, không kiểm soát được của các tế bào nội mạc tử cung hoặc mô cơ. Ngoài các yếu tố hormone và bên ngoài góp phần gây ung thư tử cung, di truyền cũng đóng vai trò rất lớn.
Theo BSCKII Diêm Thị Thanh Thủy (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), ung thư tử cung hoàn toàn không phải ‘án tử’ khi được phát hiện sớm. Thế nhưng, phần lớn người bệnh lại phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
1. Vai trò của dinh dưỡng trong hỗ trợ người bệnh ung thư tử cung
Dinh dưỡng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phòng ngừa ung thư cổ tử cung, mà còn trong quá trình điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Hệ miễn dịch được tăng cường khi có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, từ đó giúp cơ thể chống lại các tế bào ung thư. Các thực phẩm giàu vitamin C, vitamin E, và beta-carotene, các loại thực phẩm có chất chống oxy hoá có khả năng chống lại sự phát triển của tế bào ung thư và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm.
Một số dưỡng chất như vitamin A, C, E, và các chất chống oxy hóa có trong rau củ quả, đặc biệt là các loại thực phẩm có màu sắc tươi sáng như cà rốt, bí đỏ, rau cải, giúp bảo vệ tế bào khỏi sự tổn thương do các gốc tự do. Các gốc tự do có thể dẫn đến sự phát triển của tế bào ung thư, do đó việc bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa là rất cần thiết.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh không chỉ giúp người bệnh cảm thấy khỏe mạnh hơn mà còn cải thiện tâm lý và chất lượng cuộc sống. Cảm giác có thể kiểm soát một phần tình trạng sức khỏe của mình thông qua ăn uống có thể mang lại sự tự tin và tích cực trong quá trình điều trị.
Nếu người bệnh cần phẫu thuật để điều trị ung thư tử cung, việc duy trì một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng trước và sau phẫu thuật có thể giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng hơn, giảm nguy cơ biến chứng và tăng cường khả năng lành vết thương.
Trong quá trình điều trị ung thư tử cung có thể gặp phải tác dụng phụ. Một chế độ dinh dưỡng cân đối, giàu dưỡng chất giúp duy trì cân nặng, giảm tình trạng suy kiệt, tăng cường khả năng lành vết thương và giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn sau các đợt điều trị.
Một số loại thực phẩm và dinh dưỡng phù hợp có thể giúp giảm bớt tác dụng phụ của điều trị, chẳng hạn như buồn nôn, mệt mỏi, mất cảm giác thèm ăn, táo bón hoặc tiêu chảy. Các thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh và trái cây có thể hỗ trợ tiêu hóa và giúp cơ thể cảm thấy thoải mái hơn.
Các nhà nghiên cứu của Trường l’Imperial collège de Londres (Anh) cũng đã chỉ ra, ở phụ nữ có thể giảm đáng kể nguy cơ ung thư tử cung bằng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng (giữ được chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức bình thường), tập thể dục tối thiểu 40 phút mỗi ngày và uống cà phê. Khi tuân thủ nguyên tắc này, tỷ lệ ung thư tử cung có thể giảm.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể giúp ngăn ngừa sự tái phát của ung thư. Một số nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ nhiều rau củ quả và các thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa có thể làm giảm nguy cơ tái phát ung thư sau khi điều trị.
2. Các nguyên tắc dinh dưỡng với ung thư tử cung
Không phải tất cả các bệnh ung thư đều có thể giảm nguy cơ bằng cách thay đổi lối sống. Nhưng thực tế, chế độ dinh dưỡng lại đóng vai trò trực tiếp với bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị bệnh khi hóa trị, xạ trị và thậm chí cả các tác dụng phụ của phẫu thuật… Bởi vậy, mọi người cần tham khảo bác sĩ về chế độ dinh dưỡng lành mạnh khi phát hiện bị ung thư tử cung.
Vài nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng để phòng ung thư tử cung, mọi người bệnh nên biết:
+ Bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa.
+ Uống đủ nước giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa và giảm mệt mỏi.
+ Ăn thực phẩm giàu protein giúp duy trì và phục hồi cơ bắp, tăng cường hệ miễn dịch.
+ Hạn chế đường và thực phẩm chế biến sẵn vì có thể làm tăng viêm và gây ảnh hưởng xấu đến quá trình hồi phục.
+ Sử dụng chất béo lành mạnh: Omega-3 trong cá hồi, cá thu, hạt chia và dầu ô liu có thể giúp giảm viêm và tăng cường sức khỏe tim mạch mà bạn nên ăn.
3. Thực phẩm tốt cho người bệnh ung thư cổ tử cung
Nghiên cứu cho thấy, các chất dinh dưỡng chống oxy hóa như vitamin A, C, E, caroten và folate có thể giúp giảm viêm, ngăn ngừa bệnh tật, trong đó có nguy cơ dẫn tới ung thư tử cung. Mọi người nên sử dụng đa dạng nhóm thực phẩm có nhiều màu sắc khác nhau.
Những thực phẩm tốt với ung thư tử cung nên được quan tâm là:
+ Thực phẩm chứa flavonoid, Carotenoid, vitamin A… được cho là có tác dụng bảo vệ chống ung thư. Trong các thực phẩm như măng tây, đậu đen, việt quất, đậu nành, hành tây, bông cải xanh, rau bina, cải bắp, rau diếp, bí đỏ, cà rốt…
+ Thực phẩm giàu folate có thể giảm nguy cơ ung thư tử cung ở phụ nữ. Nguồn thực phẩm giàu folate bao gồm bơ, rau diếp, đậu xanh, đậu lăng, nước cam…
+ Các loại quả mọng có chứa chất ôxy hóa anthocyanins giúp chống viêm, giảm nguy cơ mắc bệnh. Bạn có thể tăng cường các quả mọng trong ngày như dâu tây, dâu đen, quả việt quất, mâm xôi…
+ Ngũ cốc nguyên hạt cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như vitamin, chất xơ, khoáng chất.
+ Trà xanh có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Hàm lượng epigallocatechin-3-gallate (EGCG) trong trà xanh cao có thể giúp giảm viêm, bảo vệ các tế bào cơ thể khỏi tới bệnh tật.