Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho thai phụ

16-08-2020 19:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Yếu tố hàng đầu quyết định sự phát triển của thai nhi và sự thành công của việc sinh nở chính là việc quan tâm bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho thai phụ.Dưới đây là khuyến cáo, nhằm giúp bạn đọc có thêm thông tin về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho thai phụ.

Chế độ ăn uống của thai phụ có vai trò quyết định đối với sự phát triển của cơ thể và bộ não của trẻ sau này. Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự phát triển của trẻ từ khi còn trong bào thai liên quan chặt chẽ đến tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của thai phụ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ và giai đoạn trước khi bà mẹ có thai. Vì vậy, phụ nữ khi có thai cần phải ăn nhiều hơn lúc bình thường và phải chọn các thức ăn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Trong suốt thời kỳ mang thai, người mẹ cần tăng từ 10 kg đến 12 kg (trong đó, 3 tháng đầu tăng 1 kg, 3 tháng giữa tăng 4 - 5 kg, 3 tháng cuối tăng 5 - 6 kg). Nếu phụ nữ thuộc loại người gầy hoặc có đa thai thì cần phải tăng cân nhiều hơn (từ 14 - 18 kg). Đối với những người thừa cân, béo phì thì chỉ cần tăng lên khoảng 6 - 10 kg là đủ. Tăng cân tốt, người mẹ sẽ tích lũy mỡ và đó là nguồn dự trữ để tạo sữa sau khi sinh. Những trường hợp người mẹ thiếu ăn hoặc ăn uống kiêng khem không hợp lý sẽ dẫn đến nguyên nhân suy dinh dưỡng bào thai.

Các thai phụ cần chú ý những nguyên tắc sau:

Đối với năng lượng

Phụ nữ trong thời kỳ mang thai nhu cầu năng lượng tăng lên so với bình thường, đặc biệt vào thời kỳ 3 tháng cuối. Như vậy, đối với bà mẹ mang thai, nhu cầu năng lượng phải tăng lên 350 kcalo/ngày vào tháng thứ 3 trở đi và tăng lên 500kcalo/ngày vào 3 tháng cuối và thời kỳ nuôi con bú. Như vậy, mỗi ngày cần từ 2600 - 2800 kcalo/ngày (bình thường phụ nữ cần 2200 - 2300 kcalo/ngày).

Chế độ ăn uống của thai phụ có vai trò quyết định đối với sự phát triển của trẻ sau này.

Đối với khẩu phần ăn

Cần cân đối chất bột, chất đạm và chất béo. Cụ thể, một thai phụ cần bổ sung thêm 15g đạm/ngày và nhu cầu chất đạm cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai 3 tháng cuối là 70g/ngày. Một thai nhi cần rất nhiều chất đạm để có thể tăng trưởng và tích tụ protein. Trước hết, thai phụ cần chú ý đến nguồn chất đạm từ các thức ăn thực vật như đậu tương, đậu xanh,... vừng lạc. Đây là những thức ăn có lượng đạm cao lại có chất béo giúp tăng năng lượng bữa ăn và giúp hấp thu tốt các vitamin tan trong dầu (vitamin A,D,E). Chất đạm động vật đáng chú ý là các loại thủy sản như tôm, cua, ốc... nên ăn thêm thịt, trứng, sữa. Bên cạnh đó, thai phụ cần đảm bảo các bữa ăn đều chứa tinh bột bởi đây là một trong những thành phần không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng, cung cấp năng lượng chính cho sự hoạt động của cơ thể và não bộ của cả mẹ và trẻ. Việc ăn uống đủ chất tinh bột sẽ cung cấp lượng carbohydrate thường xuyên, đảm bảo đủ lượng đường trong máu, giúp chống lại sự mệt mỏi. Cùng với việc cân đối các chất bột, chất đạm và chất béo, thai phụ chú ý ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau, củ quả; uống nhiều nước và các loại chất lỏng, giúp cung cấp đủ nước cho cơ thể, hỗ trợ rất tốt cho việc chuyển hóa các chất và đào thải các cặn bã, chất độc trong cơ thể (lượng nước cần thiết tối thiểu hàng ngày khoảng 1,5 lít). Các thai phụ cũng cần chú ý bổ sung nhiều vitamin, chất khoáng và các yếu tố vi lượng cần thiết cho cơ thể như: can-xi, axit folic, sắt, các vitamin,... Thai phụ cũng có thể sử dụng thuốc bổ, các viên đa vitamin để bổ sung các vi chất cho cơ thể nhưng cần chú ý sử dụng với liều lượng hợp lý và có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài 3 bữa chính, thai phụ nên bổ sung các bữa ăn nhẹ để kiểm soát sự thay đổi lượng đường trong máu và đảm bảo đủ năng lượng cho thai nhi phát triển, tuyệt đối không bỏ qua các bữa ăn sáng. Thai phụ cần chú ý kiêng không dùng các loại chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, nước trà đặc; giảm ăn các loại gia vị như tỏi, ớt, hạt tiêu, đặc biệt cần kiểm soát kỹ, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn. Nếu thức ăn có nhiều muối, thai phụ có thể bị phù nề.

Để khắc phục các triệu chứng nghén trong 3 tháng đầu của thai kỳ, thai phụ cần lưu ý: ăn bữa nhỏ, bữa phụ giàu dinh dưỡng; ăn các loại trái cây, thức ăn lỏng; tránh thức ăn nhiều gia vị, dầu mỡ; uống nước ngoài bữa ăn; có thể bổ sung đa sinh tố, vi chất và không nên uống thuốc chống ói.

Bên cạnh đó, các thai phụ cần chú ý: cùng với khẩu phần ăn hợp lý cần phải kết hợp với sự vận động bằng các bài tập nhẹ, đi bộ... để kiểm soát việc tăng cân và giúp cho việc sinh nở diễn ra dễ dàng. Thai phụ nên giữ cho tâm lý vui vẻ, duy trì chế độ sinh hoạt điều độ, không nên thức khuya hay làm việc quá sức. Để theo dõi sự phát triển của thai, các bà mẹ nên thực hiện việc khám thai định kỳ trong suốt thời kỳ mang thai


Bác sĩ Nguyễn Kim
Ý kiến của bạn