1. Vai trò của dinh dưỡng đối với người bệnh viêm bàng quang
Viêm bàng quang là bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu cấp do những vi khuẩn trong bàng quang gây nên. Bệnh có thể tái đi tái lại ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Theo TS.BS. Trần Đức chia sẻ trên Báo Sức khỏe và Đời sống, có nhiều nguyên nhân gây viêm bàng quang trong đó thường gặp là do nhiễm vi khuẩn Escherichia coli (E. coli). Các ghi nhận khác cũng cho thấy viêm bàng quang còn do tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, lậu cầu,… gây nên.
Người ta còn thấy sử dụng hóa chất như xà phòng tắm tạo bọt, dung dịch vệ sinh,… gây kích ứng và những người sử dụng thuốc hóa trị và cyclophosphamide, ifosfamide... là một trong những nguyên nhân gây viêm bàng quang. Ngoài ra, một số các bệnh lý khác như bệnh viêm vùng chậu, bệnh lao,… gây biến chứng viêm bàng quang.
Trên thực tế cho thấy viêm bàng quang thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới bởi do cấu tạo niệu đạo của phụ nữ rất ngắn, vì thế vi khuẩn xung quang vùng tầng sinh môn dễ dàng thâm nhập vào bàng quang. Ngoài ra, nếu vệ sinh kém, không đúng cách sẽ làm các vi khuẩn dễ xâm nhập hơn, nhất là ở chu kỳ kinh nguyệt.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm bàng quang cần xây dựng lối sống, sinh hoạt lành mạnh, đặc biệt là một chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Ăn uống giúp tăng cường sức đề kháng, kết hợp với việc điều trị bằng kháng sinh theo đúng chỉ định sẽ giúp nhanh chóng loại bỏ vi khuẩn, đẩy lùi tình trạng viêm bàng quang.
2. Viêm bàng quang nên ăn gì?
2.1. Trái cây, rau củ quả
Chế độ ăn có rau củ quả, trái cây luôn là chế độ ăn uống hợp lý cho người bệnh. Nhóm thực phẩm này cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, chất chống oxy hóa, kháng viêm, giàu vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể giúp cơ thể được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết để tăng sức đề kháng.
Các loại rau xanh giàu chất xơ, ít natri tốt cho người bệnh viêm bàng quang vì cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể.
Người bệnh có thể thêm các loại rau như: súp lơ, cà rốt, rau diếp cá, rau chân vịt (rau bina), bông cải xanh,… Các loại rau củ mọng nước như cần tây, măng tây, cải thìa, xà lách,… Các loại quả như: kiwi, chuối, lê, táo, bơ… vào thực đơn hàng ngày.
Việc bổ sung thêm các loại rau củ, trái cây là chế độ dinh dưỡng không những giúp cho người bệnh cảm thấy ngon miệng, cân bằng dưỡng chất mà còn tăng cường sức đề kháng.
2.2. Sữa, sữa chua
Các loại sữa nguyên chất, chứa ít chất béo như sữa tươi không đường, sữa hạt, sữa gạo,… là nguồn dinh dưỡng chất lượng cao, được đánh giá tốt cho người viêm bàng quang, giúp tăng cường đề kháng.
Sữa chua lên men tự nhiên với chất lượng tốt là nguồn cung cấp vi khuẩn có lợi, kiểm soát vi khuẩn có hại, giảm nguy cơ nhiễm trùng bắt đầu từ bàng quang và ức chế các loại vi khuẩn gây bệnh.
Probiotic có trong sữa chua có vai trò nâng cao sức khỏe toàn diện, cân bằng môi trường vi khuẩn trong đường ruột, đường tiết niệu và vùng kín.
Bên cạnh sữa chua, người bệnh có thể bổ sung thêm probiotic bằng các loại thực phẩm chức năng, men tiêu hóa,…
2.3. Ngũ cốc nguyên hạt và đậu
Ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu là nguồn cung cấp carbohydrate dồi dào, lành mạnh, tốt cho người bị viêm bàng quang.
Một số loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, lúa mạch, bột mì nguyên cám, khoai tây,… chứa carbohydrate phức hợp, giàu chất xơ, phù hợp bổ sung vào thực đơn của người bị viêm bàng quang.
2.4. Các loại cá béo
Các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá ngừ,… chứa nhiều chất béo lành mạnh, giàu omega-3, được bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng cho người bệnh viêm bàng quang.
Với người bệnh viêm bàng quang có thể bổ sung thêm cá béo vào thực đơn 2 lần/tuần.
2.5. Chất béo lành mạnh
Chất béo lành mạnh có trong các loại hạt như: bí ngô, óc chó, hạt chia, hạt lanh,… các loại dầu thuần thực vật như: dầu hướng dương, dầu oliu, dầu hạt cải,… nên được thêm vào trong quá trình chế biến món ăn, dùng trong bữa ăn phụ để bổ sung chất béo lành mạnh, cải thiện tình trạng viêm bàng quang.
3. Những thực phẩm nên kiêng khi bị viêm bàng quang
- Một số loại trái cây có chứa nhiều acid như cam, bưởi, chanh, quýt, mận, dứa, nho, là những loại trái cây có thể gây kích thích bàng quang bị viêm.
- Hạn chế những loại rau củ quả như cà chua, dưa muối, cà muối...
- Những thực phẩm chế biến sẵn và có chứa chất bảo quản như xúc xích, giăm bông, thịt hun khói, khoai tây chiên... nó có thể gây đau và kích thích bàng quang.
- Nên kiêng những gia vị cay nóng, hạn chế cho thêm tiêu, mù tạt vào đồ ăn.
- Nên tránh những đồ uống có thể gây kích ứng bàng quang bao gồm các loại nước có thể hương vị, cà phê, trà, trà xanh, nước ép cà chua, nước cam, nước ép bưởi, chanh, nước uống thể thao, nước tăng lực...
- Tránh hoàn toàn rượu bia, thuốc lá: Những đồ uống có cồn khiến cho người bệnh xuất hiện triệu chứng nặng hơn, tiểu khó hơn. Những người thường xuyên sử dụng những thức uống này khi bị viêm bàng quang có thể làm tăng nguy cơ phát triển thành ung thư bàng quang cao hơn.