1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bị hội chứng Stevens-Johnson
Hội chứng Stevens-Johnson (SJS) là một phản ứng da nghiêm trọng và có nguy cơ đe dọa tính mạng, thường do một số loại thuốc hoặc nhiễm trùng gây ra. Trong tình trạng này, hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào da và niêm mạc, dẫn đến phồng rộp và bong tróc nghiêm trọng ở các vùng bị ảnh hưởng.
Hội chứng Stevens-Johnson có thể bắt đầu với các triệu chứng giống như cúm, chẳng hạn như sốt cao, đau họng, ho và đau khớp. Phát ban thường bắt đầu ở phần thân trên trước khi nhanh chóng lan ra mặt, cánh tay, chân và các vùng khác trên cơ thể, chẳng hạn như bộ phận sinh dục. Phát ban thường không ngứa. Người bệnh cũng có thể bị phồng rộp, lở loét trên môi, trong miệng và cổ họng, trong ống dẫn nước tiểu, trên mắt...
Ngoài việc điều trị kịp thời các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là những bệnh do một số loại vi khuẩn hoặc virus gây ra, có thể giúp giảm nguy cơ phát triển SJS như một biến chứng, khi người bệnh có bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng da nghiêm trọng như phát ban lan rộng, mụn nước hoặc sốt, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Theo Tạp chí Dinh dưỡng, Chuyển hóa và Khoa học Sức khỏe IP, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng, phát triển, chữa lành niêm mạc và phục hồi nhanh hơn cho bệnh nhân. Mục đích của việc quản lý dinh dưỡng hiệu quả trong SJS là thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương, cân bằng nitơ dương, duy trì cân nặng, chức năng miễn dịch và cơ chế bảo vệ vật chủ cần thiết để tồn tại và ngăn ngừa suy dinh dưỡng.
SJS là một tình trạng dị hóa cao đòi hỏi phải tăng lượng calo và protein trong chế độ ăn uống. Ở SJS, chỉ ăn qua đường miệng là không đủ do niêm mạc miệng bị tổn thương, do đó, dinh dưỡng qua đường tiêu hóa là bắt buộc, trong đó bệnh nhân phải bổ sung thêm các chất để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày. Chất bổ sung cung cấp cho bệnh nhân là chất bán nguyên tố để đáp ứng các yêu cầu, giúp tăng trưởng, sửa chữa và phục hồi nhanh hơn.
SJS Awareness Vương quốc Anh cho biết Hội chứng Stevens-Johnson là một tình trạng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến cơ thể người bệnh. Dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chữa lành và phục hồi. Lý do dinh dưỡng quan trọng với người bị hội chứng Stevens-Johnson còn vì những thách thức trong chế độ ăn do tình trạng bệnh gây ra. Người bị hội chứng Stevens-Johnson thường bị loét miệng và khó nuốt, do đó việc ăn uống có thể gây đau đớn, dẫn đến giảm lượng calo nạp vào. Quá trình điều trị, phục hồi đòi hỏi phải có đủ protein để phục hồi mô do đó tăng nhu cầu protein. Người bệnh cũng dễ bị mất nước do da bị phồng rộp có thể dẫn đến mất nước…
Chuyên gia cho biết phương pháp điều trị cần tiếp cận đa ngành với mục đích ngăn chặn sự tiến triển và chữa lành các tổn thương đã hình thành, chăm sóc vết thương, quản lý dịch, chất điện giải và chế độ ăn uống. Cùng với quản lý y tế, điều cực kỳ quan trọng là phải cân nhắc liệu pháp hỗ trợ với việc điều chỉnh lượng dịch và chất dinh dưỡng bị mất. Việc điều chỉnh lượng dịch và chế độ ăn uống không nên quá ít, vì điều này có thể làm chậm quá trình phục hồi, cũng không nên quá nhiều vì có thể dẫn đến các biến chứng.
2. Một số dưỡng chất cần thiết với người bị hội chứng Stevens-Johnson
Lựa chọn giàu dinh dưỡng với người bị hội chứng này cần ưu tiên các thực phẩm giàu protein như trứng, cá, thịt nạc nấu chín, trái cây, rau quả để có các vitamin và khoáng chất thiết yếu.
Theo nghiên cứu, thức ăn cũng đóng vai trò quan trọng và phải đáp ứng được lượng dinh dưỡng bị mất trong quá trình mắc bệnh. Nhu cầu calo và protein tăng lên khi niêm mạc và da bị tổn thương, ước tính khoảng 30–35 kcal/kg/ngày và 1,5 g/kg/ngày. Lưu ý có mối tương quan nghịch đáng kể giữa nhu cầu năng lượng với BMI và độ tuổi.
Các yếu tố cần cân nhắc liên quan đến thức ăn đường miệng là nhiệt độ, độ acid, kết cấu và độ ẩm của thức ăn. Thức ăn và đồ uống nóng, lạnh, có tính acid làm tăng cơn đau. Ban đầu, nên dùng bữa ăn mềm, nhạt.
Có ít tài liệu về các loại thức ăn có thể được khuyên dùng cho những bệnh nhân hội chứng Stevens-Johnson. Cho ăn thường xuyên và chuẩn bị hỗn hợp dinh dưỡng bằng các loại thực phẩm có sẵn có chất lượng tốt như chuối/khoai tây/gạo nghiền, rau luộc mềm, đậu lăng và cháo... Thêm bơ ghee, đường thốt nốt... làm tăng hương vị và giá trị dinh dưỡng của thức ăn. Dầu/bơ ghee cũng bao phủ đường tiêu hóa và giúp hấp thụ các vitamin tan trong chất béo (A, D, E và K).
Tính toán lượng calo và protein cho người bệnh có thể được ước tính với sự trợ giúp của chuyên gia dinh dưỡng. Điều quan trọng là phải bổ sung các chất dinh dưỡng đã mất bao gồm vitamin và khoáng chất. Thiếu hụt acid béo thiết yếu có thể dẫn đến chức năng hàng rào bị thay đổi và phá vỡ cân bằng biểu bì dẫn đến tăng nguy cơ mất nước qua biểu bì.
2.1. Các loại thực phẩm nên ăn
Thực phẩm giàu protein: Protein rất quan trọng cho quá trình tái tạo tế bào và phục hồi tổn thương. Các nguồn protein tốt bao gồm thịt nạc, cá, trứng, sữa, đậu và các loại hạt.
Rau xanh và trái cây: Cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình phục hồi. Đặc biệt là các loại rau quả giàu vitamin C như cam, chanh, ổi, súp lơ xanh…
Ngũ cốc nguyên hạt: Cung cấp carbohydrate phức hợp và chất xơ giúp cung cấp năng lượng và hỗ trợ tiêu hóa.
Uống đủ nước: Uống nhiều chất lỏng để ngăn ngừa mất nước. Cân nhắc các loại đồ uống mát, dễ chịu như nước lọc, sữa hoặc nước trái cây pha loãng.
Sữa và các sản phẩm từ sữa: Cung cấp canxi và protein giúp xương chắc khỏe.
2.2. Các loại thực phẩm nên tránh
Thực phẩm chế biến sẵn: Chứa nhiều chất bảo quản, chất phụ gia và đường không tốt cho sức khỏe.
Thực phẩm cay nóng: Có thể gây kích ứng niêm mạc và làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Rượu bia và chất kích thích: Có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.
3. Lời khuyên về chế độ ăn uống cho người bị hội chứng Stevens-Johnson
Tập trung vào thực phẩm mềm: Chọn thực phẩm mềm, dễ nuốt như khoai tây nghiền, súp, cháo, sữa chua, sốt táo và rau nấu chín kỹ. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh nhiễm trùng.
Ăn nhiều bữa nhỏ hơn, thường xuyên hơn: Ăn nhiều bữa nhỏ giúp người bệnh dễ quản lý và duy trì lượng calo nạp vào trong ngày.
Kiểm soát cơn đau: Trao đổi với bác sĩ về thuốc giảm đau để việc ăn uống trở nên dễ chịu hơn.
Chăm sóc răng miệng: Duy trì vệ sinh răng miệng tốt để giảm loét miệng và thúc đẩy quá trình chữa lành.
Chế độ ăn uống cần được điều chỉnh tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng người bệnh. Những trường hợp bệnh nhân nặng cần nuôi dưỡng đặc biệt, ăn uống qua đường miệng thường khó khăn khi bị tổn thương đường tiêu hóa trên. Do đó, chế độ ăn và thay đổi chất lỏng là rất quan trọng.
Vào giai đoạn đầu của bệnh khi chứng khó nuốt và chứng nuốt đau nghiêm trọng, chế độ ăn lỏng sẽ tốt hơn và dễ dung nạp hơn đối với bệnh nhân. Nếu nhu cầu dinh dưỡng vượt quá khả năng ăn uống, thì cần nuôi ăn qua đường tĩnh mạch hoặc qua đường mũi dạ dày. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống phù hợp với nhu cầu của cá nhân.
Xem thêm: