1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng đối với người bị liệt nửa người
Liệt nửa người là một di chứng nặng nề thường gặp sau tai biến mạch máu não hoặc chấn thương sọ não... Khi bị liệt nửa người, người bệnh không chỉ mất chức năng vận động mà còn bị tác động tiêu cực tới tâm lý. Bệnh nhân phải phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của người khác, từ đó rất dễ chán nản, thất vọng, có khi rơi vào trầm cảm.
Người bị liệt nửa người thường cần vật lý trị liệu để giúp ngăn ngừa teo cơ, giảm sự xuất hiện của các vết loét và cải thiện sức khỏe tim mạch. Đồng thời cần đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng để hỗ trợ cơ thể hồi phục.
Người bị liệt nửa người sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong ăn uống và tiêu hóa như: khó nuốt, dễ bị nghẹn, sặc, chán ăn, táo bón...
Khó nuốt là một vấn đề phổ biến có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và viêm phổi hít. Người bệnh cần được đánh giá xác định mức độ khó nuốt và đưa ra các khuyến nghị về chế độ ăn (thức ăn mềm, xay nhuyễn, đặc sánh...) và tư thế ăn uống an toàn.
Do giảm vận động và thay đổi chế độ ăn nên người bệnh dễ bị táo bón. Việc tăng cường chất xơ từ rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và uống đủ nước có thể giúp cải thiện tình trạng này.
Chán ăn, giảm cảm giác thèm ăn cũng là vấn đề thường gặp ở người bệnh liệt nửa người, có thể do tác dụng phụ của thuốc, do mệt mỏi, trầm cảm hoặc giảm khả năng vận động. Do đó cần chia nhỏ các bữa ăn, tăng cường các món ăn hợp khẩu vị, động viên người bệnh và tạo không gian ăn uống thoải mái giúp kích thích vị giác.

Người bị liệt nửa người cần được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ.
2. Các dưỡng chất cần thiết hỗ trợ quá trình hồi phục cho người bệnh
Protein nạc
Protein có chức năng xây dựng và phục hồi cơ bắp, đặc biệt quan trọng khi người bệnh có thể bị yếu cơ hoặc teo cơ do giảm vận động. Protein cũng cần thiết cho chức năng miễn dịch và các quá trình trao đổi chất khác.
Trong chế độ ăn cho người bệnh cần ưu tiên các nguồn protein nạc dễ hấp thụ và ít cholesterol như: Thịt nạc (gà, cá), trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo, đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành (đậu phụ), các loại đậu và hạt...
Carbohydrate phức tạp (tinh bột tốt)
Tinh bột là nguồn năng lượng chính cho cơ thể và não bộ. Tuy nhiên chất xơ trong carbohydrate phức tạp giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh và ổn định đường huyết.
Nên chọn yến mạch, bánh mì nguyên cám, các loại đậu, khoai củ nấu mềm nhừ. Hạn chế tinh bột trắng, bánh ngọt và đường tinh luyện.
Chất béo lành mạnh
Chất béo cung cấp năng lượng, hỗ trợ hấp thụ các vitamin tan trong dầu và đặc biệt quan trọng cho sức khỏe não bộ và hệ thần kinh.
Nguồn thực phẩm giàu chất béo lành mạnh bao gồm: Cá béo (cá hồi, cá thu, cá mòi), dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hướng dương, quả bơ, các loại hạt (óc chó, hạnh nhân, hạt lanh). Hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
Chất xơ
Người bệnh cần tăng cường chất xơ để duy trì chức năng tiêu hóa khỏe mạnh và ngăn ngừa táo bón. Chất xơ cũng giúp kiểm soát đường huyết và cholesterol.
Nguồn thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: Rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu...
Vitamin và khoáng chất
Đối với người bị liệt nửa người, việc bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất rất quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng, tăng cường miễn dịch và ngăn ngừa các biến chứng.
Một số vitamin và khoáng chất quan trọng bao gồm:
Vitamin nhóm B: Hỗ trợ chức năng thần kinh và quá trình trao đổi chất. Vitamin nhóm B có trong ngũ cốc nguyên hạt, thịt, cá, trứng, rau xanh.
Vitamin C: Tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ sản xuất collagen (quan trọng cho da và mô liên kết). Vitamin C có trong trái cây họ cam quýt, ổi, ớt chuông, bông cải xanh.
Vitamin D: Quan trọng cho sức khỏe xương và có thể liên quan đến chức năng thần kinh. Vitamin D có trong cá béo, trứng, sữa tăng cường.
Vitamin E: Là chất chống oxy hóa bảo vệ tế bào khỏi tổn thương. Vitamin E có trong các loại hạt, dầu thực vật.
Canxi: Quan trọng cho sức khỏe xương. Canxi có nhiều trong sữa và các sản phẩm từ sữa, rau lá xanh đậm, đậu phụ.
Kali: Giúp điều hòa huyết áp, đặc biệt quan trọng cho người có nguy cơ hoặc tiền sử tăng huyết áp. Kali có nhiều trong chuối, khoai tây, rau lá xanh đậm.

Rau quả tươi cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất cho người bệnh.
3. Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn uống cho người bệnh liệt nửa người
Nguyên tắc chung là cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ. Bữa ăn nên bao gồm nhiều loại thực phẩm khác nhau từ tất cả các nhóm chất dinh dưỡng để đảm bảo cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và các yếu tố vi lượng cần thiết.
Ưu tiên thực phẩm tươi và nguyên chất. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng gói chứa nhiều muối, đường và chất béo không lành mạnh.
Đảm bảo đủ nước cho người bệnh để duy trì chức năng cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa và tránh táo bón.
Chế độ ăn cần được điều chỉnh dựa trên khả năng nuốt, các bệnh lý nền khác như đái tháo đường, tăng huyết áp... và mức độ vận động của người bệnh.
Theo hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân liệt nửa người của Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, điều quan trọng nhất khi chăm sóc bệnh nhân liệt nửa người là phải xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
Chế độ ăn uống cho người bệnh liệt nửa người vừa đòi hỏi phải có đủ chất dinh dưỡng đồng thời phải đảm bảo thực phẩm mềm và dễ tiêu. Do vậy người chăm sóc nên nấu thành món cháo mềm, chia nhỏ thành nhiều bữa ăn kết hợp với uống sữa hằng ngày.
Vì người bệnh có thể mắc nhiều chứng bệnh khác nhau, nếu sử dụng chế độ ăn quá nhiều chất dinh dưỡng có thể gây thừa cân, béo phì, đái tháo đường... Còn nếu chế độ ăn không đủ chất thì có thể gây suy dinh dưỡng và suy giảm miễn dịch.
Nếu người bệnh có thể tự ăn được thì nên chọn những thực phẩm hợp khẩu vị. Nên cho người bệnh ăn từ từ, tránh ép ăn bởi có thể gây nghẹn và sặc rất nguy hiểm.
Trường hợp bệnh nhân mắc phải các bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp và tăng mỡ máu cần phải ăn theo chế độ quy định của bác sĩ.
Trường hợp bệnh nhân không tự ăn được đòi hỏi phải lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân liệt nửa người chi tiết và cụ thể bởi công việc này không dễ dàng. Thường người thực hiện phải biết cách cho ăn qua ống sonde theo đúng hướng dẫn để bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ. Sau một thời gian thì có thể cho người bệnh tập ăn qua đường miệng và rút dần ống sonde.
Cần lưu ý: Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị và chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một kế hoạch ăn uống phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và từng giai đoạn điều trị. Sự quan tâm chăm sóc của gia đình và người thân rất quan trọng giúp người bệnh ăn ngon và hấp thụ dinh dưỡng tốt, tăng cơ hội hồi phục nhanh hơn.
Xem thêm: