Theo TS.BS Đinh Thúy Linh – Giám đốc Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh (BV Phụ sản Hà Nội), tiền sản giật là bệnh lý xuất hiện trong thời gian mang thai, thường xảy ra trong giai đoạn sau 20 tuần của thai kỳ và có thể kéo dài sang 6 tuần sau sinh.
Tiền sản giật là một trong những tai biến sản khoa gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả thai nhi và mẹ. Khi bị tiền sản giật sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé trong khi sinh nở như làm tăng nguy cơ sinh non, sinh con thiếu cân.
1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng để ngừa tiền sản giật
Tiền sản giật thường liên quan đến tăng huyết áp và tổn thương thận. Mặc dù nguyên nhân chính xác chưa được hiểu rõ hoàn toàn, nhưng các yếu tố về chế độ ăn uống và dinh dưỡng có thể góp phần vào quá trình này.
Việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất và phù hợp không chỉ giảm nguy cơ tiền sản giật mà còn giúp bà mẹ duy trì sức khỏe tốt cho cả quá trình mang thai và sinh nở. Tuy nhiên, tiền sản giật không chỉ phụ thuộc vào chế độ ăn mà có rất nhiều yếu tố khác nhau.
2. Các chất dinh dưỡng thiết yếu cần bổ sung để phòng và hỗ trợ nguy cơ tiền sản giật
+ Canxi: Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu lượng canxi ăn vào thấp thì việc bổ sung canxi nên nằm trong quá trình khám thai. Việc bổ sung canxi có thể làm giảm một nửa nguy cơ phát triển tiền sản giật. Phụ nữ mang thai, đặc biệt những người có chế độ ăn ít canxi, nên bổ sung khoảng 1.000-1.500 mg canxi mỗi ngày để giảm nguy cơ tiền sản giật.
+ Omega-3 và axit béo không bão hòa mang nhiều lợi ích cho mẹ và bé khi mang thai: Omega-3 (có nhiều trong cá hồi, cá thu, và hạt lanh, súp lơ, bắp cải…) có thể giúp giảm viêm và hỗ trợ lưu thông máu. Omega-3 còn giúp cải thiện sức khỏe của mạch máu và giảm nguy cơ tiền sản giật. Đây cũng là chất cần thiết cho sự hình thành não bộ của thai nhi.
+ Vitamin D: Tình trạng của vitamin D liên quan đến tiền sản giật do sự thay đổi trong quá trình chuyển hóa của vitamin D trong mô của nhau thai. Thiếu vitamin D có thể liên quan đến tăng nguy cơ tiền sản giật. Nguồn vitamin D tốt bao gồm ánh sáng mặt trời, các loại cá béo, và sữa bổ sung vitamin D.
+ Chất xơ và Magiê: Chất xơ giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và huyết áp, trong khi magiê (có trong hạt, đậu, rau lá xanh…) giúp giảm căng thẳng mạch máu và kiểm soát huyết áp, từ đó giảm nguy cơ tiền sản giật.
+ Sắt và Selen: Phụ nữ mang thai cần lượng sắt gấp đôi so với phụ nữ không mang thai. Trong khi đó, những thai phụ bị tiền sản giật sinh con trước 32 tuần thường có mức selen thấp. Có nhiều dạng selen khác nhau nhưng selenomethionine được khuyên dùng vì có khả năng hấp thu tốt. Để bổ sung selen, thai phụ nên ăn các loại ngũ cốc, trứng, hải sản có vỏ, cá ngừ…
3. Những thực phẩm nên ăn và cần hạn chế để tránh nguy cơ tiền sản giật
3.1. Những thực phẩm nên dùng
+ Các loại rau xanh đậm như rau bina, cải xoăn, và bông cải xanh rất giàu magiê, canxi và kali – các chất quan trọng giúp kiểm soát huyết áp.
+ Thực phẩm giàu Omega-3 có trong các loại cá béo như cá hồi, cá thu, hạt lanh, và hạt chia… giúp giảm viêm và cải thiện tuần hoàn máu.
+ Thực phẩm giàu canxi trong sữa, sữa chua, và các sản phẩm từ sữa (ưu tiên loại không đường) cung cấp canxi, giúp ổn định huyết áp và giảm nguy cơ tiền sản giật.
+ Trái cây tươi như các loại quả mọng (dâu, việt quất), chuối, và cam rất giàu chất chống oxy hóa và kali, giúp giảm huyết áp, giảm căng thẳng oxy hóa do tiền sản giật gây ra. Chất xơ trong trái cây cũng giúp kiểm soát đường huyết.
+ Các loại hạt như óc chó, hạt hạnh nhân, và hạt bí rất giàu magiê, kali và các chất chống oxy hóa giúp cải thiện sức khỏe tim mạch.
+ Ngũ cốc nguyên cám: Gạo lứt, yến mạch và lúa mì nguyên cám cung cấp chất xơ giúp ổn định đường huyết, hỗ trợ kiểm soát cân nặng và huyết áp.
+ Các thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật ít béo, giàu sắt và can xi như thịt nạc, cá nạc, tôm, cá nhỏ ăn cả xương…
Ngoài ra, thai phụ cũng cần chú ý uống đầy đủ nước để duy trì tuần hoàn máu, giảm nguy cơ tăng huyết áp và các triệu chứng tiền sản giật.
3.2 Những thực phẩm cần hạn chế
Khi bị tiền sản giật, phụ nữ mang thai cần chú ý đến chế độ ăn uống để kiểm soát huyết áp và giảm nguy cơ biến chứng. Bởi vậy cần hạn chế những thực phẩm nguy cơ cao sau:
+ Muối và thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng huyết áp, dẫn đến nguy cơ cao bị tiền sản giật. Phụ nữ mang thai nên kiểm soát lượng muối trong bữa ăn hàng ngày. Nên hạn chế thực phẩm có hàm lượng muối cao như nước mắm, đồ muối chua và các loại gia vị mặn. Cùng với đó, thai phụ nên hạn chế thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên, xúc xích, đồ hộp thường chứa nhiều muối và chất bảo quản, làm tăng nguy cơ huyết áp cao.
+ Thực phẩm ngọt và chứa đường cao: Đường làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và dễ gây thừa cân, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tiền sản giật. Hạn chế kẹo, bánh ngọt, nước ngọt và nước trái cây đóng hộp.
+ Caffeine: Uống quá nhiều cà phê, trà đậm đặc hoặc nước tăng lực chứa caffeine có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp. Nên hạn chế dưới 200 mg caffeine mỗi ngày (tương đương 1-2 tách cà phê).
+ Rượu: Rượu làm tăng huyết áp và gây căng thẳng cho cơ thể, không tốt cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
4. Thời điểm và tần suất ăn uống
Thời điểm ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị tiền sản giật. Phụ nữ mang thai nên lưu ý thời gian cũng như tần suất ăn uống như sau:
+ Ăn sáng đều đặn và lành mạnh vì bữa sáng cung cấp năng lượng cần thiết và giúp kiểm soát mức đường huyết trong suốt cả ngày. Thai phụ nên chọn thực phẩm giàu protein và chất xơ như yến mạch, trứng, trái cây để giữ ổn định đường huyết và huyết áp.
+ Chia nhỏ bữa ăn trong ngày
Thay vì ăn ba bữa chính lớn, thai phụ nên chia thành 5-6 bữa nhỏ trong ngày để duy trì năng lượng, tránh tăng đột biến đường huyết, có thể dẫn đến tăng huyết áp. Ăn nhẹ sau khoảng 2-3 tiếng có thể giúp giữ mức đường huyết ổn định và ngăn ngừa cảm giác mệt mỏi.
Ngoài ra, thai phụ cần đảm bảo các bữa ăn chính và bữa ăn phụ đầy đủ. Việc bỏ bữa có thể khiến thai phụ tụt đường huyết, khiến cơ thể phản ứng bằng cách tăng huyết áp để duy trì năng lượng.
+ Bổ sung nước đều đặn
Uống nước thường xuyên trong suốt cả ngày để duy trì đủ nước cho cơ thể. Thiếu nước có thể dẫn đến tăng huyết áp. Không nên đợi đến khi thấy khát mới uống, vì khi đó cơ thể có thể đã thiếu nước.
+ Tránh ăn tối quá muộn
Thai phụ cần chú ý nên ăn tối trước khi đi ngủ ít nhất 2-3 tiếng để cơ thể có thời gian tiêu hóa, tránh tình trạng tăng huyết áp vào ban đêm. Bữa tối nên nhẹ nhàng, với các thực phẩm giàu chất xơ, ít muối, giúp tránh đầy bụng, khó tiêu.
+ Ăn nhẹ vào buổi chiều
Một bữa ăn nhẹ giàu protein và chất xơ vào buổi chiều giúp ngăn ngừa cơn đói, giúp kiểm soát mức đường huyết, hạn chế căng thẳng mạch máu. Gợi ý cho bữa phụ buổi chiều là sữa chua không đường với trái cây, các loại hạt, hoặc bánh quy nguyên cám.
+ Chọn thực phẩm dễ tiêu hóa vào buổi tối
Thức ăn nhẹ nhàng như canh rau củ, salad, hoặc ngũ cốc nguyên cám dễ tiêu hóa và giàu chất xơ sẽ giúp cơ thể thoải mái và giảm áp lực cho hệ tiêu hóa vào buổi tối. Cùng với đó, thai phụ lưu ý giảm lượng muối trong cả ba bữa chính và các bữa ăn phụ để kiểm soát huyết áp tốt hơn, đặc biệt vào buổi tối vì dễ gây tích nước.
Theo BS Linh, thai phụ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ ăn phù hợp cho từng giai đoạn của thai kỳ, hỗ trợ tốt nhất cho việc phòng và điều trị tiền sản giật. Phụ nữ mang thai bị tiền sản giật cần được theo dõi chặt chẽ nên cần đi khám thai và kiểm tra các chỉ số huyết áp, chỉ số máu, nước tiểu… thường xuyên.