1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với trẻ bị khoèo chân bẩm sinh
Khoèo chân bẩm sinh là một dị tật bẩm sinh khá phổ biến. Đây là một dị tật cấu trúc ở bàn chân và cẳng chân, thường do sự phát triển bất thường của gân, cơ, dây chằng và xương trong quá trình mang thai.
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, khoèo chân bẩm sinh có thể gây biến dạng bàn chân; trẻ khó khăn trong vận động và đi lại; đau nhức... ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, tâm lý và chất lượng cuộc sống của trẻ trong tương lai.
Theo TS.BS Nguyễn Ngọc Cương, BV Đại học Y Hà Nội, tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng bệnh nhân bị bàn chân khoèo bẩm sinh nếu không được điều trị sẽ bị ảnh hưởng chất lượng cuộc sống rất nhiều bởi tình trạng này gây khó khăn trong đi lại và là một khuyết tật suốt đời.
Bàn chân khoèo không được điều trị thích hợp sẽ gây ra các biến dạng nghiêm trọng, làm mất chức năng của bàn chân cũng như thẩm mỹ. Tuy nhiên, trẻ hoàn toàn có thể đi lại bình thường nếu được can thiệp sớm và kiên trì theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng. Do vậy khi có bất thường từ lúc sinh ra cha mẹ nên cho trẻ đi khám và can thiệp sớm.

Trẻ bị khoèo chân bẩm sinh cần được can thiệp sớm và chăm sóc tốt. Ảnh: TL
Mặc dù chế độ ăn uống không phải là phương pháp điều trị trực tiếp nhưng việc cung cấp một chế độ dinh dưỡng đầy đủ yếu tố nền tảng quan trọng giúp trẻ bị khoèo chân bẩm sinh có đủ sức khỏe để trải qua quá trình điều trị một cách tốt nhất và đạt được kết quả tối ưu. Đồng thời hỗ trợ sự phát triển toàn diện cho trẻ sau này.
Các phương pháp điều trị khoèo chân bẩm sinh, đặc biệt là bó bột theo phương pháp Ponseti hoặc phẫu thuật đòi hỏi trẻ phải có sức khỏe tốt để điều trị. Sau các can thiệp điều trị, dinh dưỡng đầy đủ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các mô và cơ xương phục hồi tốt.
2. Những dưỡng chất cần thiết để duy trì sức khỏe tốt cho trẻ
Để duy trì sức khỏe tốt, trẻ bị khoèo chân bẩm sinh cần được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau từ tất cả các nhóm thực phẩm để đảm bảo nhận được đầy đủ các dưỡng chất cần thiết bao gồm:
Chất đạm (protein)
Protein rất quan trọng để xây dựng và sửa chữa các mô cơ, xương, da và các cơ quan khác. Đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của trẻ và quá trình phục hồi sau các can thiệp điều trị (bó bột, phẫu thuật).
Nguồn thực phẩm giàu protein tốt cho trẻ nên kết hợp cả nguồn động vật và thực vật: Các loại thịt lợn, gà, bò; cá; trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua); các loại đậu (đậu nành, đậu xanh, đậu đen), các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, hạt điều)...
Chất bột đường (carbohydrate)
Carbohydrate là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể hoạt động, bao gồm cả các hoạt động hằng ngày và quá trình điều trị. Nguồn thực phẩm carbohydrate chủ yếu từ gạo, ngô, khoai, sắn, bánh mì, bún, phở, các loại ngũ cốc.
Chất béo
Chất béo rất cần thiết để cung cấp năng lượng và giúp hấp thụ các vitamin tan trong dầu (A, D, E, K) đồng thời tham gia cấu tạo tế bào và hệ thần kinh ở trẻ.
Cần kết hợp nhiều loại thực phẩm chứa chất béo tốt để đảm bảo trẻ nhận được đầy đủ các acid béo cần thiết. Nên ưu tiên chất béo không bão hòa có trong dầu thực vật (dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hướng dương), mỡ cá (cá hồi, cá thu), các loại hạt, bơ...;
Hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa có trong các sản phẩm từ động vật như thịt mỡ, bơ, phô mai, sữa nguyên kem... Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn đồ chiên rán nhiều dầu mỡ vì chúng thường chứa chất béo chuyển hóa không tốt cho sức khỏe.
Vitamin và khoáng chất
Các loại vitamin A, B, C, D, sắt, canxi, kẽm... tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa quan trọng trong cơ thể, hỗ trợ hệ miễn dịch, phát triển xương và các chức năng thần kinh, cơ bắp và nhiều quá trình sinh hóa khác. Vitamin có nhiều trong các loại rau xanh, trái cây nhiều màu sắc, trứng, sữa, gan, cá... Các khoáng chất có nhiều trong sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt, cá, hải sản, rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt...

Trẻ bị khoèo chân bẩm sinh cần được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
3. Lưu ý khi xây dựng thực đơn cho trẻ bị khoèo chân bẩm sinh
- Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng: Cung cấp đủ các nhóm chất dinh dưỡng với tỷ lệ hợp lý. Cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau từ tất cả các nhóm thực phẩm để đảm bảo nhận được đầy đủ các dưỡng chất cần thiết.
- Ưu tiên thực phẩm tươi ngon, tự nhiên; Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ ngọt, thực phẩm mà trẻ có tiền sử dị ứng...
- Nên tăng cường cho trẻ ăn chất xơ có nhiều trong rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu... để hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh, ngăn ngừa táo bón (có thể xảy ra do ít vận động trong quá trình bó bột).
- Cần đảm bảo trẻ được uống đủ nước mỗi ngày vì nước rất quan trọng cho mọi chức năng của cơ thể, bao gồm vận chuyển chất dinh dưỡng, đào thải chất thải và duy trì nhiệt độ cơ thể.
- Chế biến món ăn hấp dẫn, phù hợp khẩu vị của trẻ.
- Chia nhỏ bữa ăn nếu trẻ khó ăn nhiều trong một lần.
- Đối với trẻ nhỏ đang bú sữa mẹ nên chú ý cho trẻ bú mẹ đầy đủ vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ, cung cấp các kháng thể và dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển.
Theo dõi khả năng ăn uống và sự tăng trưởng của trẻ, đặc biệt trong quá trình điều trị. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe và mỗi giai đoạn điều trị.
Xem thêm: