1. Vai trò của dinh dưỡng đối với bệnh nhân phẫu thuật ung thư não
Theo BS. Nguyễn Xuân Tùng chia sẻ trên Báo Sức khỏe và Đời sống, u não có nhiều loại, trong số đó có những khối u ác tính và những khối u não lành tính. Một khối u não ác tính bắt nguồn từ não được gọi là u (ung thư) não nguyên phát. Một khối u não do một ung thư từ nơi khác của cơ thể di chuyển vào não được gọi là ung thư não thứ phát, hay còn gọi là di căn não.
Tùy vào vị trí và kích thước của khối u mà triệu chứng bệnh cũng như mức độ ảnh hưởng ở mỗi bệnh nhân là khác nhau. Tăng áp lực nội sọ là triệu chứng đặc trưng nhất của ung thư não do thể tích khối u tăng gây phù não và ứ đọng dịch não tủy.
Bên cạnh đó còn có một số triệu chứng mang tính định khu của u não như: Đau đầu, nôn, phù gai thị, động kinh, triệu chứng định khu tổn thương. Mức độ có thể từ nhẹ đến nặng như yếu chân tay, liệt dây thần kinh đơn độc, giảm thị lực hoặc giảm trí nhớ…
Hiện nay, điều trị ung thư não gồm có 3 phương pháp chính:
Phẫu thuật: Nhằm mục tiêu loại bỏ khối u não mà không gây tổn thương cho các cơ quan lành xung quanh. Tuy nhiên, phương pháp này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí của khối u nông hay sâu, khối u có giới hạn rõ ràng không, trang thiết bị y tế cùng trình độ của phẫu thuật viên… Không phải khối u não não nào cũng loại bỏ triệt để hoàn toàn được.
Xạ trị: Với mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư não còn lại sau phẫu thuật hoặc chỉ định xạ trị với những u não ác tính nằm sâu bên trong mà phẫu thuật không can thiệp được.
Hóa chất: Phương pháp này được sử dụng để bổ trợ sau phẫu thuật và xạ trị. Truyền hóa chất trong trường hợp khối u phát triển nhanh chóng, Astrocytoma độ III và IV, Glioblastoma.
Một chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng góp phần quan trọng trong quá trình điều trị hiệu quả bệnh ung thư não.
Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy quá trình hồi phục của cơ thể diễn ra nhanh hơn, nâng cao hiệu quả chữa trị và sức khỏe tổng thể.
2. Người bệnh ung thư não nên ăn gì?
Dưới đây là gợi ý về các loại dưỡng chất, thực phẩm mà người mắc bệnh ung thư não nên bổ sung trong chế độ ăn, cụ thể là:
2.1. Acid folic
Nếu người bệnh được bổ sung đầy đủ lượng acid folic trong chế độ ăn uống sẽ làm chậm quá trình lây lan của khối u não.
Bệnh nhân u não cần cung cấp ít nhất 400mg acid folic mỗi ngày. Bên cạnh việc bổ sung acid folic bằng vitamin tổng hợp, người bệnh có thể bổ sung bằng cách tiêu thụ các loại thực phẩm như:
- Rau có màu xanh thẫm như rau bina, cải xoăn, đậu;
- Trái cây, đặc biệt là bưởi, cam;
- Gan và các bộ phận nội tạng động vật;
- Thịt gia cầm.
2.2. Chất chống oxy hóa
Việc tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có tác dụng chống lại và ngăn ngừa u não phát triển.
Loại thực phẩm chứa lượng chất chống oxy hóa cao như cam, quýt, nho, táo, dâu tây, việt quất… Các loại trái cây này tươi và sử dụng ngay sau thu hoạch sẽ có hàm lượng chất chống oxy hóa cao nhất.
2.3. Omega-3
Omega-3 có thể được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển. Loại dưỡng chất này có tác dụng chống lại bệnh ung thư não bằng cách làm giảm tốc độ tăng trưởng của khối u, đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch trong cơ thể.
Nếu hệ thống miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp bạn chống lại các tế bào ung thư tốt hơn.
2.4. Bổ sung chất béo
Chất béo chứa nguồn năng lượng cao, đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành cấu trúc tế bào trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu chế độ ăn giàu chất béo lại là nguyên nhân làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị người bệnh nên bổ sung loại chất béo có lợi như omega-3 trong cá, hạn chế tiêu thụ các món xào, chiên, da động vật…
2.5. Bổ sung vitamin, khoáng chất
Khẩu phần ăn chứa nhiều chất xơ, giàu vitamin và khoáng chất sẽ giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, đồng thời hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Vitamin A góp phần trong việc bảo dưỡng mô cơ, thúc đẩy quá trình phục hồi diễn ra nhanh hơn, tăng cường hệ miễn dịch.
Vitamin C, D, E, K… có tác dụng chống oxy hóa rất tốt, bảo vệ tế bào cũng như ngăn cản quá trình phân hủy do tế bào ung thư gây ra.
3. Lưu ý khi chế biến món ăn cho người bệnh ung thư não
Để giúp hỗ trợ người bệnh ung thư não, việc chế biến món ăn cần lưu ý những vấn đề sau đây:
3.1. Đa dạng nhóm chất dinh dưỡng trong bữa ăn
Thay vì chỉ tập trung một nhóm chất cụ thể, khẩu phần ăn của người bệnh ung thư não nên đầy đủ các món ăn được chế biến từ thực phẩm giàu chất xơ (rau xanh, các loại đậu, hạt…), thực phẩm giàu protein (cá béo, thịt nạc, đậu nành…), thực phẩm cung cấp tinh bột phức hợp (ngũ cốc nguyên hạt, ngô, khoai…), thực phẩm giàu vitamin và chất chống oxy hóa (quả mọng, trái cây tươi, trà xanh, cacao…).
3.2. Kiểm soát khối lượng tiêu thụ
Tham khảo ý kiến bác sĩ về khối lượng tiêu thụ thực phẩm an toàn trong khẩu phần ăn để hạn chế nguy cơ gây hại cho sức khỏe của người bệnh ung thư não.
3.3. Chia nhỏ bữa ăn
Người bệnh ung thư não có thể bị khó nuốt và mệt mỏi. Việc chia nhỏ bữa ăn trong ngày (từ 4 – 6 bữa/ngày) có thể giúp người bệnh ăn uống dễ dàng hơn, hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn và trao đổi chất diễn ra thuận lợi.
3.4. Hạn chế sử dụng gia vị
Các món trong chế độ ăn cho người bệnh ung thư não nên hạn chế nêm nếm muối, đường, hạt nêm, bột ngọt… Việc tiêu thụ nhiều gia vị, đặc biệt muối, đường có thể thúc đẩy khởi phát các phản ứng viêm và bệnh lý mạn tính.